Bên cạnh gà luộc, nem rán, giò lụa, canh măng... thì bánh chưng là món bánh truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán. Mặc dù bạn có thể ăn bánh chưng quanh năm nhưng đến dịp này, bánh chưng luôn giữ một vị trí quan trọng trong mâm cỗ Tết. Chẳng thế mà người ta vẫn thường nói "thấy bánh chưng là thấy Tết".
Ngoài nguyên liệu gói bánh chưng phải ngon để làm ra một chiếc bánh chuẩn vị thì cách làm cho bánh có màu xanh đẹp hút mắt cũng được rất nhiều người quan tâm. Có người sử dụng lá riềng, có người dùng lá dứa (lá nếp), có người lại dùng cả lá rau ngót... Nếu bạn chưa biết cách ngâm gạo thế nào để cho ra một chiếc bánh chưng xanh mướt, đẹp mắt thì tham khảo cách làm dưới đây của chị Vũ Ngọc (Hà Nội) nhé.
Chị Vũ Ngọc bên gia đình.
Chị Vũ Ngọc chia sẻ, bản thân mình và mẹ hay làm bánh dịp Lễ, Tết nên có nhiều dịp thay đổi để cho ra cách ngâm gạo nhuộm xanh cho bánh tối ưu nhất. Sự thay đổi chủ yếu nằm ở thời gian và trình tự ngâm gạo - giúp hạt gạo xanh mướt hơn mà không bị vỡ khi luộc bánh.
"Nhà mình có nghề gia truyền từ các cụ truyền lại, nhưng ngày xưa các cụ chỉ gói bánh truyền thống, màu trắng mộc. Mãi sau này, khi mẹ mình làm nghề thì mới tìm tòi ra những cách này để làm bánh đẹp mắt, ngon hơn và an toàn. Mỗi năm mẹ mình làm 3000-4000 bánh cho dịp Tết, màu lên bánh chưng đều rất đẹp. Khi làm bánh, các bạn còn cần chú ý về thời gian ngâm gạo và chọn lá chuẩn nhé", chị Vũ Ngọc cho biết.
Dưới đây là cách ngâm gạo cho bánh chưng luôn xanh của chị Vũ Ngọc, các bạn cùng tham khảo nhé:
- Đổ gạo nếp khô vào 1 chiếc rá, đặt rá gạo vào trong 1 chậu nước đầy.
- Vo sạch gạo qua 2 nước, sau đó cứ thế nhấc rá gạo từ chậu nước đầy lên, đặt lên 1 thùng hoặc chậu khác để cho chảy nước tự nhiên. Lưu ý: không xóc gạo lên xuống, vo gạo xong cứ thế nhấc lên. Khâu này khá quan trọng - nếu xóc nhiều hạt gạo sẽ dễ bị vỡ khi gói.
Dùng 1 lượng lá riềng phù hợp, rửa sạch, xay ra lấy nước cốt. Cần dùng khăn xô để lọc bỏ cặn lá. Để nước cốt lá riềng này vào chậu.
- Sau khi gạo chảy hết nước (thấy ở đáy rá nước không còn ra nữa) thì cho 1 nhúm muối trắng vào gạo, đổ gạo đó vào chậu nước cốt lá riềng vừa lọc, dùng tay đảo đều tầm 5 phút, sau đó ngâm gạo trong 1-1.5 tiếng.
Hết thời gian, đổ gạo ra ra rồi đợi ráo nước là gói bánh thôi.
Bánh chưng sau khi gói.
Bánh đã được luộc chín.
Bóc lớp lá bên ngoài sẽ thấy màu xanh mướt mắt của bánh.
Màu bánh xanh ít hay nhiều phụ thuộc vào 3 yếu tố chính:
- Là lá giềng già hay non.
- Là thời tiết lúc cắt lá riềng (mưa nhiều thì lá cho màu xanh đẹp hơn, khô hạn thì lá sẽ già, màu sẫm).
- Là độ đậm đặc của nước cốt lá riềng.
Chúc các bạn thành công!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet