Từng rất khâm phục cách dạy con tiêu tiền từ nhỏ của một sếp người Mỹ, chị Trần Ngân (Biên Hòa, Đồng Nai) đã áp dụng phương pháp này với con gái mình và biến tấu cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Cô con gái tên Sóc của chị hiện 7 tuổi, tự giữ những khoản tiền được cho, tặng và biết lên kế hoạch cho các khoản mua sắm, đóng góp hay làm từ thiện.
Chị Ngân chủ trương dạy cho con hiểu rằng cần lao động mới có tiền và vì vậy không thể sử dụng lãng phí.
Ngay từ khi Sóc học mẫu giáo, mỗi khi có ai cho con tiền, chị đều thông báo cho con biết, đồng thời để bé trực tiếp gọi điện thoại để cảm ơn họ. Sau đó, mỗi lần bé muốn mua đồ chơi thì mẹ sẽ là người quyết định có nên mua hay không, nếu mua sẽ trừ vào số tiền này. Giai đoạn này, để con có khái niệm về tiêu tiền, hàng tuần, chị Ngân cho con đi chợ cùng và hai mẹ con bàn bạc về các món hàng cần mua.
Ảnh minh họa: Aviva. |
Khi con gái 6 tuổi, chị để con làm quen và tự lập với "tài sản nhỏ" của mình. Ngoài ra, do Sóc hay làm mất dụng cụ học tập, khi đó con phải tự dùng tiền túi để mua lại những vật dụng đã bị mất. Từ Tết 2015, Sóc được giữ tiền riêng và tự quyết định chi tiêu.
Chị Ngân kể, mỗi lần đi làm công tác từ thiện, chị luôn dẫn con đi cùng. Những khi đó, lúc con xin tiền mẹ để ủng hộ, chị giải thích với bé rằng con làm từ thiện bằng chính sức lao động của mình thì mới có ý nghĩa: "Nếu con xin tiền mẹ thì thực chất là con chỉ cầm tiền để đi ủng hộ giùm mẹ thôi. Và để có tiền, con phải làm việc".
"Nguồn thu" chủ yếu của Sóc hiện nay là làm việc nhà giúp mẹ vào cuối tuần và tiền thưởng tượng trưng do đoạt giải bơi lội, đánh đàn piano ở quán cà phê quen (mà mẹ nhờ chủ quán đưa). Tuy nhiên, hàng tuần con đều ủng hộ từ thiện nên tài sản của bé chỉ dao động khoảng 100-200 nghìn.
Do còn nhỏ, chưa có kinh nghiệm chi tiêu, cũng có những lần Sóc "vung tay quá trán" và bà mẹ gần 40 tuổi coi đó là một bài học vô cùng hữu ích cho con.
Chị Ngân kể, một lần, Sóc được ba mẹ thưởng quà tự chọn do có thành tích tốt. Con rất muốn mua một quyển sách Bách khoa tự nhiên giá gần 700 nghìn đồng trong khi giới hạn ba mẹ cho tối đa 400 nghìn và khoản tiết tiệm của bé chỉ còn 100 nghìn, tức vẫn thiếu gần 200 nghìn nữa. Chị ngân gợi ý 2 giải pháp: Một là chọn quà khác có giá trị dưới 400 nghìn; Hai là mượn của mẹ 200 nghìn nhưng sẽ phải trả nợ và trước khi mượn thì phải nói cách con trả và trong thời gian bao lâu. Bé quyết định mượn tiền mẹ và sẽ trả nợ trong 8 ngày chủ nhật với các công việc giặt dép, quét nhà, cắm cơm, đánh giày.
Thế nhưng, thứ sáu tuần sau đó, khi đi học về, Sóc vào phòng nằm trùm chăn khóc. Bé kể rằng: "Hôm nay con cảm thấy rất buồn vì không còn tiền ủng hộ các bạn nghèo. Con là lớp phó đi thu tiền của các bạn mà chính mình lại không ủng hộ, các bạn lại hỏi nên con cảm thấy rất xấu hổ. Giờ mình mang trả lại quyển sách và lấy lại tiền đi mẹ, chừng nào để dành đủ tiền thì con sẽ mua".
Lúc đó, chị Ngân giải thích với con rằng sách mua rồi không trả lại được, nếu lúc đó con không mua thì sách vẫn còn, chừng nào đủ tiền thì mua và hôm nay con vẫn có tiền để ủng hộ bạn nghèo. Con nên biết để dành tiền làm những việc khác, không nên dồn tất cả cho một món đồ mình thích. Để hỗ trợ con, người mẹ đã đồng ý góp tiền từ thiện, nhưng con phải làm việc 10 tuần thay vì 8 như trước đây.
"Hiện nay bé đã hoàn tất thời gian trả nợ cho mẹ và đang háo hức vào gây dựng 'tài sản' trở lại", chị Ngân kể lại.
Sau lần đó, bé đã biết áp dụng bài học về kiếm tiền và tiêu tiền vào các tình huống khác nhau, biết tính toán sao cho lúc nào tiền trên tay cũng phải còn nhiều hơn số tiền được cấp cho lúc đầu, biết đi gửi ngân hàng để tích luỹ.
Ngoài việc rèn con cách chi tiêu, chị Ngân cũng hướng bé biết tự lập trong mọi việc, từ phục vụ bản thân tới học hành.
Vương Linh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet