Không như mực ống con to, thịt dày, mực cơm chỉ lớn bằng ngón tay cái, thịt mềm ngọt, không dai. Mực cơm có nhiều ở ven biển miền Trung.
Mực cơm hấp gừng
Mực làm sạch ướp với muối, tiêu, hạt nêm, đường. Xếp mực vào nồi hấp cách thủy với vài lát gừng tươi. Khi hấp nhớ cho vào nước một ít rượu và gừng để khử mùi tanh đồng thời thơm hơn. Hấp gừng vừa chín tới, con mực phải căng phồng, da chuyển màu hồng tím, mới đạt chuẩn. Mực cơm hấp ăn cùng hành tây, chuối chát, rau húng, rau răm, diếp cá, khế chua, đọt sả.
Mực cơm nhúng giấm
Mực làm sạch, để ráo, cắt khoanh vừa ăn. Nấu sôi hỗn hợp gồm giấm gạo (½ chén), nước dừa (1 chén), muối (1 muỗng), đường (2 muỗng), hành tây, gừng sợi, hành tím và sả đập dập. Nước giấm đang sôi nhúng mực vào vừa chín, cuốn bánh tráng và rau dưa, chấm nước mắm chua ngọt.
Mực cơm xào
Mực cơm có thể xào với cà chua, thơm, đọt bí… Đặc biệt, mực cơm khá hợp với mướp. Phi dầu với tỏi rồi cho mướp vào trước, nhẹ tay đảo đều để mướp không bị nát. Mực cơm xào riêng, nêm nếm vừa ăn và cũng đảo thật dịu tay. Cuối cùng trút mướp vào chảo mực vừa xào, trộn thật dịu và nhẹ hai thứ vào nhau là xong.
Mực cơm nướng
Mực cơm nướng chế biến không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, phải nướng trên lửa than liu riu, không để lửa quá già. Có thể dùng vỉ hoặc dùng que tre xiên vào từng con mực. Khi mực chuyển sang màu vàng cùng hương thơm phức tỏa ra là đã có thể thưởng thức. Mực nướng được ăn kèm với muối ớt hoặc tương ớt đều ngon.
Thanh Ly
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet