Mẹ vẫn còn nhớ những cảm xúc đầu tiên khi được bác sĩ siêu âm báo tin mình đã có thai. Nếu ai đó sung sướng, rơi nước mắt thậm chí là la lớn vì niềm hạnh phúc vỡ òa thì thú thật cảm xúc mừng vui của mẹ qua đi rất nhanh. Mẹ bắt đầu lo lắng không biết mình phải làm mẹ như thế nào đây? Ngày đó mẹ mới 24 tuổi, mới đi làm được hơn 1 năm.
Mẹ không phải người thích viết nhật ký, nhưng mẹ đã thay đổi
Điều đầu tiên mẹ làm là bắt đầu hành trình viết nhật ký cho con. Mẹ mua một cuốn sổ xinh xắn, dễ thương và nét chữ đầu tiên hiện ra: “Xin chào bạn bé bỏng!” . Cứ đều đặn mỗi lần đi khám thai về, mẹ lại hào hứng nói chuyện cùng con qua những dòng chữ nắn nót. Mẹ thủ thỉ với con về việc cô bác sĩ khen con có nụ cười xinh, khuôn mặt tròn, hay những thay đổi về kích thước của con trong tuần. Thậm chí có những lúc giận bố, mẹ cũng ghi mấy câu hờn trách mong con đứng về phía mẹ, bảo vệ mẹ. Có khi mẹ lại hỏi xem con ở trong bụng mẹ thì cảm giác ra sao. Mẹ con mình đã cùng nhau trò chuyện, chia sẻ với nhau mọi cảm xúc vui buồn trong suốt 9 tháng thai kỳ như hai người bạn thân thiết. Mẹ muốn ghi lại những kỉ niệm này, để sau khi con lớn lên, con biết mình đã được lớn lên trong tình yêu thương, và tự hào vì điều đó.
Mẹ chưa từng biết tiết kiệm, cho đến khi có con
Trước khi có con, mẹ chưa từng biết đến tiết kiệm. Cuộc sống vô lo vô nghĩ của một cô thiếu nữ khiến mẹ có thể thoải mái dùng tiền để mua một cái váy yêu thích hay đi ăn la cà với quán xá với bố. Vậy nhưng khi có con, bất ngờ thay, mẹ lại biết lên kế hoạch tài chính cho gia đình mình. Trong suốt quá trình mang thai, ngoài giờ làm việc ở cơ quan mẹ nhận thêm những công việc nhẹ nhàng để phát huy khả năng của mình như dịch bài cho một số tờ báo, nhập dữ liệu phiếu điều tra. Bố mẹ cũng không la cà hàng quán ăn uống lung tung như trước mà dậy sớm chuẩn bị bữa sáng, bữa trưa để mang đi làm. Điều này giúp chúng mẹ tiết kiệm được một kha khá tiền ăn, lại đảm bảo vệ sinh. Khi sinh con, nhờ có một khoản tiền dự phòng vừa đủ nên bố mẹ cũng không còn cảm thấy “quá tải” về mặt tài chính mà chỉ tập trung vào việc chăm sóc con cho thật khỏe mạnh.
Con gái yêu là động lực giúp mẹ thay đổi bản thân (ảnh minh họa)
Mẹ ốm chẳng biết chăm sóc mình, nhưng mẹ lại biết cách chăm con
Như nhiều đứa trẻ khác, con cũng có đôi lần ốm bệnh hay cảm vặt. Mẹ lập riêng một cuốn sổ tay riêng để theo dõi mỗi lần con bị bệnh, các loại thuốc bác sĩ kê. Tất cả các loại thuốc, tên thuốc mẹ đều yêu cầu bác sĩ nêu rõ ràng về chủng loại, hàm lượng, công dụng, tác dụng phụ. Việc theo dõi này đã giúp mẹ nắm một phần nào các loại thuốc thường dùng cho bệnh nhi để chủ động trong việc lựa chọn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý của con. Không phải cứ dùng thuốc ngoại đắt tiền hoặc bác sĩ muốn kê đơn ra sao thì mình sẽ thụ động làm theo mà phải có sự trao đổi thống nhất trong lúc khám, thăm bệnh cho con.
Mẹ không thích tham gia các forum trên mạng, nhưng rồi lại trở thành “thành viên tích cực”.
Từ khi có con, mẹ bắt đầu biết cởi mở, biết “lập nick’ và trở thành thành viên của những forum, những hội nhóm cho các bà mẹ trên mạng internet. Kỳ lạ thay, khi người ta trở thành mẹ, người ta bao dung hơn, thích quan tâm đến nhau hơn và sẵn sàng chia sẻ hơn. Mẹ muốn được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nuôi dạy, chăm sóc con cái của nhiều gia đình khác. Học hỏi để sau đó bản thân mình có sự lựa chọn, vận dụng linh hoạt trong hoàn cảnh, điều kiện của gia đình mình giúp mẹ nhàn, con khỏe ngoan chứ không phải đua theo, vì mẹ biết rằng, cha mẹ nào cũng muốn dành cho con những thứ tốt nhất. Mẹ cũng có thêm bạn bè từ khắp nơi trên mọi miền tổ quốc, chúng mẹ đều là những bà mẹ trẻ đang học cách trở thành người mẹ tốt của những đứa con ngoan.
Bé ngoan của mẹ ạ, nghe “ngược đời” nhưng từ khi có con, mẹ học được nhiều điều, thành một người phụ nữ khác cô thiếu nữ ngày xưa. Và mẹ yêu mình của hôm nay, yêu người mẹ hết lòng vì con mà mẹ đang muốn trở thành này.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet