Với kênh tiktok đang sở hữu hơn 900K người theo dõi và gần 30 triệu lượt like, Trang Miu là cái tên không còn xa lạ với nhiều người sử dụng nền tảng Tik Tok ngày nay. Để có được thành quả như hiện tại, ít ai biết được rằng chị Trần Thùy Trang (38 tuổi, Lào Cai) đã từng trải qua những năm tháng thăng trầm, vật lộn với cuộc sống làm mẹ đơn thân ở nơi đất khách quê người.
Chị Trang hiện tại đang sống cùng chồng và 2 con ở Nhật Bản.
Hôn nhân không trọn vẹn trong quá khứ đã khiến chị Trang đối mặt với rất nhiều sóng gió khi phải một mình nuôi dạy cậu con trai, cậu bé tên là Zin (sinh năm 2007). Cứ nghĩ việc lỡ một lần đò sẽ khiến bản thân không còn đặt niềm tin quá nhiều vào tình yêu. Thế nhưng trong thời gian sinh sống ở Nhật Bản, chị Trang đã xiêu lòng trước sự hài hước và chân thành của chàng trai tân kém 1 tuổi người Pakistan quen qua mạng, nên quyết định lên xe hoa lần thứ 2 sau 1 tháng hẹn hò.
Những tưởng từ đây cuộc sống của chị Trang đã trọn vẹn và hạnh phúc hơn khi có người chồng là anh Tallal Ahmed (37 tuổi) vừa tâm lý lại vừa yêu thương vợ và con riêng của vợ đồng hành bên cạnh. Nhưng nào ngờ sóng gió qua đi, bão giông lại đến, ngày chị nhận được thông báo từ bác sĩ mình vô sinh, không thể có con tự nhiên được, chị đã rất sốc. Và hành trình vật lộn tìm con của chị với chồng Pakistan đã kéo dài suốt gần 3 năm, cho đến khi chị hiếm muộn được bé gái thứ hai, bé Miu (sinh năm 2017).
Sau tất cả, bão giông qua đi và cầu vồng đã xuất hiện. Bằng những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân, chị Trang giờ đây đã xây dựng được một mái ấm hạnh phúc bên chồng mới, có cho mình "đủ nếp, đủ tẻ" và cùng chồng phát triển sự nghiệp kinh doanh xe, song hành cùng với đó là tiếp tục phát triển niềm đam mê làm Youtube, Tik Tok.
Sau bao biến cố trong quá khứ, hiện tại chị Trang đã có một gia đình trọn vẹn, hạnh phúc bên chồng mới.
Làm mẹ đơn thân rất vất vả, điều gì khiến chị đưa ra quyết định thay đổi cuộc sống của mình lúc đó?
Lúc con mình hơn 1 tuổi thì mình ly thân, sau đó con được hơn 3 tuổi thì mình chính thức ly hôn. Thời điểm quyết định ly hôn, mình cũng không nghĩ quá nhiều, vì mình đẻ được thì mình cũng sẽ nuôi được. Bản thân mình lúc đó vẫn còn trẻ, có sức khỏe nên mình nghĩ dù khó khăn như thế nào nhưng chỉ cần bản thân luôn cố gắng, thì mình tin mình sẽ làm được thôi. Với người đàn ông không trân trọng mình, phản bội mình thì mình nên có con đường riêng.
Khó khăn không thể quên khi nuôi con một mình lúc đó với chị là gì?
Vừa làm bố, vừa làm mẹ đương nhiên sẽ vất vả hơn khi chỉ làm 1 vai trò, tuy nhiên mình cũng phải cố gắng để con mình được lớn lên trong tình yêu thương, không thua kém những đứa trẻ khác. Vì vậy, mình đã quyết định cho con trai qua Nhật, vì dù sao con cũng có một nửa dòng máu Nhật, và thời điểm đó, đưa con qua Nhật cũng là phương án thích hợp với mẹ con mình.
Từ một nơi xa lạ, có hai mẹ con nơi đất khách quê người, không nhận được sự hỗ trợ từ ai đương nhiên là sẽ rất vất vả, nhất là về việc thích nghi với thời tiết. Vì bên Nhật mùa đông rất là lạnh, mình ở Việt Nam qua chưa có quen, rồi lúc mới sang toàn phải đi xe đạp, mùa đông lạnh buốt, mình thì cố chịu được, nhưng nhìn con mình cũng bị vậy nên thương lắm, hoàn cảnh lúc đó bắt buộc mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm chỗ dựa cho con.
Động lực nào đã giúp chị vượt qua những khó khăn lúc đó?
Động lực lớn nhất lúc bấy giờ chắc chắn là vì thương con mình, muốn con mình không bị lạnh khi phải chịu cảnh hai mẹ con lóc cóc cái xe đạp trong cả những ngày bão tuyết, muốn con mình cũng được ngồi trong xe ấm áp như bao đứa trẻ khác, nên mình đã phải lên kế hoạch cụ thể, từng bước để thay đổi tình hình, đạt được điều mà bản thân muốn lúc đó.
Mình về Việt Nam thi bằng lái xe, sau đó sang Nhật đổi bằng đến lần thứ 6 mới được. Cuộc sống hàng ngày bên Nhật của mình cứ lặp đi lặp lại với trình tự đi làm, hết giờ làm thì đi đón con. Dù cuộc sống không phải giàu có, nhưng nó lại khá là bình yên với mẹ con mình thời điểm đó.
Con trai là động lực lớn nhất để mình vượt qua những khó khăn lúc đó.
Sau ly hôn, mối quan hệ giữa chị và chồng cũ như thế nào?
Sau khi ly hôn, mẹ con mình qua Nhật thì không nhận được bất kỳ 1 khoản trợ cấp nào từ chồng cũ cả. Mặc dù đã có quyết định của tòa án, nhưng mọi người biết đấy, nếu một khi người ta đã muốn rũ bỏ trách nhiệm thì mình cũng đành chịu thôi, nên mình cũng đã hoàn toàn cắt đứt mọi liên lạc, cũng như không cần trông đợi đến sự trợ giúp nào, mình tự nuôi con 1 mình.
Từng trải qua một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nhưng điều gì đã thôi thúc chị mở lòng đón nhận hạnh phúc mới?
Mình vẫn nghĩ mọi chuyện là do duyên số, hết duyên thì buông, nên khi có duyên mới thì mình cũng vui vẻ đón nhận thôi. Mình không nghĩ quá nhiều, cũng không phải khép lòng hay mất niềm tin vào tình yêu vì đã từng ly hôn. Nếu gặp đúng người thì mình vẫn sẵn sàng.
Mối quan hệ giữa con trai chị và ông xã hiện tại như thế nào?
Mối quan hệ giữa chồng mình và con trai mình khá là tốt, vì chồng mình yêu trẻ con, và có cái tính rất là chiều con. Trong nhà mình luôn đóng vai ác, cứ khi nào con mình xin cái gì mình không cho, là con sẽ quay ra xin bố, và đương nhiên là bố sẽ chẳng bao giờ từ chối, thành ra con trai mình còn hay thủ thỉ với chồng mình hơn mình ấy. Nhiều lúc mình cũng thấy hơi ghen tỵ (cười).
Anh Tallal Ahmed luôn dành sự quan tâm, yêu thương dành cho con trai riêng của vợ.
Vì là mẹ đơn thân, chị có từng gặp phải rào cản nào khi đến với ông xã không?
Quê chồng mình thì ở tận Pakistan, lúc mình quyết định "góp gạo thổi cơm chung" thì mình còn chưa biết gì về đất nước Pakistan cũng như gia đình chồng. Thậm chí là từ lúc quen nhau, mình cũng chưa từng hỏi hoặc được biết về hoàn cảnh gia đình anh.
Lúc cả hai hẹn hò thì chỉ toàn hỏi thăm nhau về công việc và những chuyện khác, chứ không đề cập gì đến gia thế. Cho đến khi anh cưới mình về, mình mới ngỡ ngàng và choáng ngợp trước độ giàu có nức tiếng trong vùng của gia đình chồng ở Pakistan.
Bọn mình cùng sống và làm việc ở Nhật, chồng mình cũng tự chủ về kinh tế, nên mình không có chịu cảnh "làm dâu". Chồng mình có thông báo cho gia đình chồng về hoàn cảnh của mình, gia đình chồng mình cũng tôn trọng quyết định của chồng mình thôi, chứ không có cấm cản hay thái độ nặng nhẹ gì với mẹ con mình cả.
Gia đình chồng ở Pakistan thuộc hàng giàu có trong vùng, nhưng rất thân thiện, không so đo hoàn cảnh của con dâu.
Bé Miu đến với anh chị như thế nào, thưa chị?
Sau khi cưới nhau về, vợ chồng mình cũng đã lên kế hoạch có con ngay. Nhưng nào ngờ sóng gió ập đến khi cả 2 lần mình mang thai đều thai ngoài tử cung, và bản thân đã rất sốc khi phải cắt bỏ vòi trứng, đồng thời được bác sĩ thông báo là không thể có con tự nhiên, mà chỉ có thể làm IVF. Khoảng thời gian đó với vợ chồng mình thực sự rất khó khăn, nhưng cả hai vẫn luôn giữ sự lạc quan và hy vọng con sẽ có duyên đến với mình.
Hành trình hiếm muộn của mình cũng mất gần 3 năm, từ Việt Nam qua Nhật với vô vàn trắc trở, nhiều lúc cũng nản lòng lắm, nhưng cũng may có chồng mình hay động viên. Rồi hai vợ chồng cứ mỗi người một việc, chồng thì tập trung lo kinh tế, mình thì đều đặn đi bệnh viện theo phác đồ của bác sĩ, và cũng may mắn sau nhiều lần thất bại trước đó thì ở lần chuyển 2 phôi cuối cùng mình đã đậu được 1 bé, là bé Miu bây giờ.
Hành trình sinh bé Miu là thử thách và cũng là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với vợ chồng chị Trang.
Trong gia đình, chồng chị là người chồng, người cha như thế nào? Vợ chồng chị có gặp mâu thuẫn trong cuộc sống vì khác biệt văn hoá không?
Gia đình mình là gia đình đa văn hóa, vợ chồng đến từ hai nền văn hóa rất khác biệt, nên chuyện cãi vã, bất đồng thì nhiều vô kể, từ lối sống, thói quen ăn uống, hay cả cách nuôi dạy con cái. Nhưng chung quy lại là chồng mình cũng rất thương yêu các con, cho nên thôi thì "chín bỏ làm mười" cho êm nhà êm cửa, gia đình được hạnh phúc (cười).
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet