Nói về Lý Dịch thì Tiền Nhân (các thế hệ trước) đã đúc kết ngắn gọn trong một câu nói:
“Dịch, biến dịch; Biến dịch, bất dịch”.
Có nghĩa là: Dịch là sự dịch chuyển, biến đổi, nhưng chính sự dịch chuyển, biến đổi này thì không biến đổi nữa, vì bản thân nó là biến dịch rồi nên nó không thay đổi gì nữa, gọi là bất biến, bất dịch vậy.
Nói cách khác: Cái gì tồn tại mãi mãi, nghĩa là bất biến với mọi thời gian và không gian?
- Đáp: Đó là cái lý biến dịch, biến đổi.
Nên cái bất biến lại là Biến; Cái bất dịch lại là dịch vậy.
Vậy chính sự “Tuyệt đối lại là tương đối – Tương đối là tuyệt đối”.
Bởi lý thay đổi mới làm cho mọi sự trở nên:
Từ Giống mà hơi hơi Khác – hoặc Khác mà hơi hơi giống.
Hoặc Giống mà hơi khác – Khác mà hơi giống.
Hoặc Giống mà khác – Khác mà giống.
Hoặc Giống mà quá khác – Khác mà quá giống.
Hoặc Giống mà quá quá khác – Khác mà quá quá giống.
Và đặc biệt là không có trường hợp Giống hoàn toàn giống – hoặc khác hoàn toàn khác.
Có thể nói: Trong cái giống có cái khác hoặc trong cái khác có cái giống, cũng như trong đại đồng có tiểu dị – trong đại dị có tiểu đồng…
Để diễn tả cho hai mặt Giống và Khác nhau đó, Tiền Nhân mới mượn hai danh từ chung là Âm và Dương mà định danh cho cái lý Đồng Nhi Dị gọi là lý Âm Dương. Ta có thể hiểu Âm là giống và Dương là khác, hoặc Âm là Khác và Dương là giống cũng được.
Ví dụ: Hình ảnh bé và trái lê,cây lê, hàng rào.
Với góc nhìn của lý Âm Dương thì mọi thứ đều có các mặt giống và khác nhau, mọi thứ đều có các mặt âm dương với nhau.
- Phân tích mặt giống (dương) nhau giữa Bé và trái Lê thì có các điểm giống nhau như:
Bé:
- Có thể tích.
- Có trọng lượng.
- Làm lợi (cho trái Lê).
- Có thời gian tồn tại trên mặt đất.
- Có tên …
Trái Lê:
- Có thể tích.
- Có trọng lượng.
- Làm lợi (cho Bé).
- Có thời gian tồn tại trên mặt đất.
- Có tên…
- Phân tích mặt khác (âm) nhau giữa Bé và trái Lê (trong hình bên) thì các điểm khác nhau như:
Bé:
- Thể tích lớn hơn.
- Trọng lượng lớn hơn.
- Làm lợi cho trái Lê một cách gián tiếp (như trồng, tưới nước vun bón cây Lê cho có trái).
- Có thời gian tồn tại trên mặt đất khác Lê.
- Tên của Bé khác Lê…
Trái Lê:
- Thể tích nhỏ hơn.
- Trọng lượng nhỏ hơn.
- Làm lợi cho Bé một cách trực tiếp (như hy sinh bản thân cho bé ăn).
- Có thời gian tồn tại trên mặt đất khác Bé.
- Tên của Lê khác Bé…
Vậy nếu chúng ta phân tích tiếp thì giữa Bé và trái Lê thì có muôn vàn điểm âm dương với nhau, nên chúng ta nói chung và ngắn gọn nhất là Bé và trái Lê là âm dương với nhau vậy.
Từ góc độ phân tích theo âm dương lý như trên thì mọi thứ đều là âm dương với nhau hết. Cũng như mọi thứ đều chịu và phải đi trong cái lý Biến hóa âm dương, để đồng dị là giống và khác nhau.
Nói cách khác là mọi thứ đều phải đi trong cái lý Biến Hóa Đồng Nhi Dị – cũng như mọi thứ đều biết Thay Đổi Giống mà Khác nhau vậy.
Giống là biết Thay Đổi
Khác là sự thay đổi mỗi thứ khác nhau.
Vậy:
Lý Đồng Nhi Dị là Lý Âm Dương là Lý Giống Mà Khác.
Bởi lý Đồng Nhi Dị nên mỗi thứ đều biết Biến Hóa. Nhưng Biến Hóa cũng phải Đồng Nhi Dị là Biến hóa có giống và khác nhau. Giống nhau là biết Biến Hóa. Khác nhau là mỗi thứ Biến Hóa theo cách khác của mình.
Có thể nói vắn tắt là:
Lý Âm Dương là Lý Biến Hóa Đồng Dị – hay Lý Đồng Dị Biến Hóa.
Thế nào là “Trong âm có dương – trong dương có âm”
Trong âm có dương và trong dương có âm tức là trong giống có khác và trong khác có giống vậy.
Ở thí dụ trên thì ta thấy “Trong dương có âm, tức là trong giống có khác” như:
Giữa Bé và trái Lê thì: Trong điểm giống là đều “làm lợi cho nhau” nhưng lại có điểm khác là cách làm lợi.
Thế nào là “Âm nào Dương nấy – Dương nào Âm nấy”
Khi nói âm nào dương nấy là hai mặt âm dương trong một phạm vi.
Thí dụ như trong hình dưới đây thì có hai cái bình trà lớn và nhỏ.
Nếu nói trong phạm vi cái bình trà nhỏ thì gồm có 2 phần âm dương giống và khác nhau, đó là phần bình nhỏ và nắp bình nhỏ.
- Trong phạm vi bình trà lớn thì cũng có hai phần âm dương đó là bình lớn và nắp bình lớn.
Vậy Bình nhỏ, Nắp bình nhỏ và Bình lớn, Nắp bình lớn gọi là âm nào dương nấy
Như trong ca dao tục ngữ VN chúng ta có câu:
- “Cha nào con nấy” – “Nồi nào vung đó” – “Rau nào sâu nấy” – “Chồng nào vợ nấy”…
Hỏi trong chữ Lý có âm dương không?
Đáp: Lý cũng có âm dương nên gọi là âm dương lý, tức là Hữu lý và Vô lý. Giống nhau đều là Lý, nhưng khác nhau là Hữu và Vô. Hữu lý có phạm vi của hữu lý. Vô lý có phạm vi của vô lý. Nếu nói phạm vi tổng thể bao quát thì mọi vấn đề đều có âm dương lý và tùy theo phạm vi mà phân biệt âm lý hay dương lý.
Tóm lại:
Lý Đồng nhi Dị, lý Âm Dương đều có ở mọi thời gian và không gian, có ở hữu hình lẫn ở vô hình nên lý âm dương xứng đáng là Chân Lý.
Chân lý là phải đúng ở mọi thời gian và mọi không gian. Lý âm dương có ở mọi thời gian và không gian nên Lý âm dương quả là Chân Lý.
Thanh Từ – Dịch Học Sĩ – Trần Quốc Thái
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet