Hôm nọ tôi có tình cờ đọc được bài viết "Ai dám giao con cho mẹ chồng" và cảm thấy bị cuốn hút bởi câu chuyện của chị. Câu chuyện đã khiến tôi muốn chia sẻ đôi dòng suy nghĩ của mình.
Tôi đi du học ở Nhật 4 năm và được chứng kiến: tất cả các bà mẹ hầu như khi có con đêù nghỉ ở nhà để chăm sóc cho con, dành cho con những gì tốt đẹp nhất. Tôi cũng về Việt Nam được 2 năm, lấy chồng, có con và được chứng kiến: một cô bạn (cũng chẳng phải thân) lấy tiền đi mở cửa hàng buôn bán nhưng con thì 8 tháng đã đi gửi trẻ, nói giọng Thanh Hoá đặc sệt dù mẹ là người Hà Nội. Một cô hàng xóm lương chỉ bằng 1 phần 10 chồng nhưng vẫn đi làm để con cho bà nội trông cả ngày. Mẹ đi làm về vứt vội túi xách xuống sàn, thằng con mừng rỡ lao ngay ra ôm…cái túi. Chẳng biết mẹ là ai. Tôi tự hỏi, vì sao lại như vậy?
Vì xã hội Việt Nam, phụ nữ cần bình đẳng hay vì cuộc sống tốt đẹp hơn thôi thúc chúng ta bỏ con ra đường? Tại sao ở những nước phát triển, điều kiện sống của họ hơn hẳn ta. Trường học, bệnh viên, phúc lợi xã hội tuyệt vời. Thậm chí đến người giúp việc cũng có bằng nhi khoa…mà những bà mẹ ấy vẫn không muốn giao con cho người ngoài? Câu trả lời chỉ có một: Không ai chăm con tốt bằng mẹ.
Như bản thân tôi, mỗi ngày đều tự lên thực đơn cho con. Gói từng cái bánh giò làm đồ ăn sáng cho bé, trồng từng ngọn giá, cây cải để con ăn cháo hàng ngày. Vậy nhưng bản thân vẫn luôn không ngừng lo lắng cho con. Tôi cũng đã từng thử thuê giúp việc. Nhưng thấy osin: gạo vo quá kỹ khiến mất vitamin B1, rau rửa không sạch sợ còn thuốc sâu đọng lại, bình sữa tiệt trùng không đủ độ sợ còn nhiễm vi khuẩn phóng xạ, cho cháu ăn vẫn còn thừa 10ml sữa…khiến tôi chẳng thể an lòng.
Liệu có người giúp việc nào đủ kiên nhẫn để đàn hát nói chuyện cả ngày với một đứa trẻ 6 tháng, đủ bao dung để không nổi cáu khi bị chúng hất đổ bát cháo, bôi dãi vào người, đủ yêu thương để dỗ dành cưng nựng khi chúng đã 3,4 giờ sáng vẫn chưa chịu đi ngủ? Và liệu, có bà nội nào biết nêm muối vào đồ ăn sẽ hại thận trẻ, ninh xương nấu cháo sẽ khiến cháu thiếu canxi, bình sữa phải quá 60 phút là đổ bỏ, mớ rau rửa nát quá sẽ mất vitamin, nhiệt độ nước tắm phải luôn là 36.5 độ…? Liệu có ai có thể thương con bằng mẹ, lo lắng cho con đến từng chi tiết nhỏ như mẹ, là người tốt nhất để ở bên con trong những năm tháng đầu đời ngoài mẹ? Vậy mà ngày nay, quá nhiều người phụ nữ chọn cách đi làm để bỏ mặc con chẳng thèm nuôi, chọn cách khinh thường những người phụ nữ ở nhà chăm con khác.
Ngày nay, quá nhiều người khinh thường những người phụ nữ ở nhà chăm con. (ảnh minh hoạ)
Rất nhiều người hỏi tôi “Bây giờ làm gì rồi?” và sau khi nghe tôi trả lời “ở nhà chăm con thôi”, họ lại tỏ thái độ coi thường. Một số đã tượng tận chuyện tôi ở nhà chăm con rồi thì lại thỉnh thoảng buột miệng “Này! Cứ ở nhà suốt thế thì làm gì?”. Tôi thấy lạ. Dường như trong suy nghĩ của nhiều người, chăm sóc con cái không được coi là một việc làm chân chính. Vì họ cho rằng “chăm con, chăm sóc gia đình, dọn dẹp, giặt giũ thì là việc của mẹ rồi, nhưng ngoài chăm con ra, có làm gì để kiếm tiền nữa không?”.
Ở một xã hội, nơi mà sự bận rộn luôn được đề cao như hiện nay. Có lẽ chị em càng đi làm, càng kêu ca bận rộn thì sẽ càng được mọi người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, tôi cũng xin nói: Ở nhà chăm con, còn bận hơn gấp nhiều lần. Tôi cũng có hàng tỉ những công việc không tên, đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, cho con ăn, tắm cho nó, dạy nó học hành…Một ngày làm việc không chỉ 8 tiếng mà có khi còn lên tới 16 tiếng.
Còn về chuyện kiếm tiền, như tôi đã đề cập ở trên: nhiều chị em bỏ con lao ra đường để kiếm tiền. Vậy nhưng đồng tiền kiếm được chẳng đủ trả osin chăm con. Vậy tại sao vẫn cố phải làm? Vì sự công bằng cho nữ giới ư? Phụ nữ chúng ta, tổ tiên chúng ta đã mất hàng trăm năm, hàng nghìn năm để giành được sự bình đẳng giới. Nên bây giờ ta phải đi làm, Không đi làm là mất bình đẳng giới ư? Không hề. Chị em đã hiểu sai về bình đẳng giới. Bình đăng giới không phải là phụ nữ đi làm như đàn ông. Mà là phụ nữ có quyền quyết định cuộc đời mình – như đàn ông. Do đó, tôi tự quyết định ở nhà chăm con, tôi tự làm chủ cuộc đời mình. Tôi vẫn đang duy trì bình đẳng giới cho phụ nữ. Thậm chí, kể từ khi con tôi được chăm sóc dưới bàn tay của mẹ, cháu ăn ngoan, ngủ tốt, lớn nhanh và khoẻ mạnh hơn trông thấy. Cũng nhờ con cái ngoan ngoãn, khoẻ mạnh mà chồng tôi lại yên tâm công tác. Và có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc, thu nhập anh ấy kiếm về cho vợ con ngày một nhiều hơn. Nên gia đình luôn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Phụ nữ chúng ta, chỉ làm tốt được một việc mà thôi. Hoặc chăm con hoặc là kiếm tiền. Tôi nghĩ đã làm mẹ thì cần phải có sự hy sinh cho con cái, đừng vì niềm vui trong công việc mà để con cái thiếu sự chăm sóc, đẩy con cái tới cảnh ốm đau, bệnh tật, đẩy gia đình đến bờ vực ly hôn.
Theo chia sẻ của độc giả Lê Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nôj)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet