Có con biết nói líu lo thì thích lắm, vậy nhưng cứ để con nói đến năm 5 tuổi là các bà mẹ sẽ “phát chán” vì những lý sự cùn và các câu nói bướng bỉnh của bé. Tôi là một ví dụ điển hình. Bim - con trai tôi mãi 20 tháng mới biết nói. Ngày nghe con gọi tiếng mẹ đầu tiên, tôi mừng “rơi nước mắt”. Vậy nhưng bây giờ, tôi thường xuyên phải mệt mỏi vì cu cậu nói nhiều, nói dai và nói liên tục cả ngày. Đặc biệt là vào giai đoạn đi mẫu giáo, con trai tôi càng học được thêm nhiều “mẫu câu” mới khiến tôi nhiều khi cũng phải “mắt tròn mắt dẹt” vì không biết con học ở đâu ra.
Tôi xin kể ra đây những câu cãi của con và cách trị trẻ hay cãi bướng:
“Của con cơ mà”
Bất cứ khi nào Kem – con gái thứ hai của tôi (2,5 tuổi) có món đồ gì là y như rằng cu anh sẽ đòi có cho bằng được, ngay cả khi đó là con gấu gỗ Bim đã để bụi mù trong hộp đồ chơi đến nửa năm trời. Vậy nhưng điều làm tôi bực mình là Bim thậm chí đòi cả những đồ con không thể dùng nổi, ví dụ như cái gặm nướu của em đã từ lâu lắm.
Có lẽ, giải pháp của nhiều bà mẹ, sẽ là luôn mua mỗi thứ 2 cái “cho công bằng”. Vậy nhưng tôi không làm như vậy. Con trai tôi cần công bằng, nhưng cũng cần bỏ thói ích kỷ. Do đó, tôi dạy con cảm giác thích một cái gì đó nhưng bị người khác từ chối cho mượn:
- Bạn Minh có xe cẩu rất đẹp, con muốn mượn bạn chơi một chút, nhưng bạn không cho, con rất buồn đúng không?
Bim sẽ trả lời: “Dạ, đúng ạ”. -
- “Nếu bạn cho con mượn xe cẩu chơi một chút, thì con có trả lại cho bạn sau khi chơi xong không?”.
- “Dạ, có”.
- “À, vậy nếu con là bạn Minh, con không cho bạn mượn xe cẩu chơi, bạn có buồn không?”.
- "Dạ, có ạ"
- "Thế em muốn chơi đồ chơi của con rồi trả lại, mà con từ chối, thì em có buồn không?"
...Lúc đấy, Bim sẽ hiểu được cảm nhận của người khác và biết cách cho đi để nhận lại.
Trả lời những câu cãi của trẻ sao cho thuyết phục không khó (ảnh minh họa)
“Các bạn không thế, sao con phải thế”
Bắt con đi ngủ trong khi Bim vẫn còn một tập phim chưa xem xong quả là một điều khó khăn. Nhất là khi bé đến lớp và biết bạn bè mình vẫn còn đang thức, không bị bố mẹ bắt đi ngủ và ngồi xem say sưa. Điều đó sẽ khiến trẻ có cảm giác không công bằng. Tôi không thể bắt những đứa trẻ ở lớp Bim đi ngủ đúng giờ. Vậy làm thế nào cho con cảm thấy công bằng?
Đừng ép trẻ! Mỗi khi con tỏ ra như vậy, tôi hay thường ngồi nói chuyện nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc với con, rằng “Mẹ chẳng muốn dậy sớm đi chợ, nhưng mẹ cần phải làm như vậy vì nếu mẹ không đi thì làm sao có cơm cho Bim. Và Bim cũng thế. Có đôi khi những điều con không MUỐN, con vẫn phải làm. Vì đó là điều con CẦN. Bim cần phải đi ngủ đúng giờ để mai có thể dậy đi học”.
Thường những lúc như vậy, Bim thường nhìn mẹ ra vẻ “con biết rồi” sau đó đi ngủ. Nếu lần sau Bim vẫn tái diễn trò “các bạn không thế, sao con phải thế”, tôi sẽ chỉ trả lời đơn giản “Lần trước mẹ đã giải thích cho Bim rồi đúng không? Tại sao í nhỉ?” là Bim ngay lập tức nhớ lại bài học về MUỐN và CẦN.
“Sao mẹ cứ bắt con làm thế?”
Bim đến tuổi thích “lý sự cùn”. Vì vậy, nếu tôi sai con làm gì mà bé không thích, y như rằng tôi sẽ phải nghe được câu nói “sao mẹ cứ bắt con phải làm thế?”. Thông thường ở trong tình huống này, nhiều phụ huynh sẽ không biết phải trả lời sao và do đó, đáp lại con ngắn gọn là “Vì bố mẹ nói thì con phải nghe”. Tôi thì khác. Tôi hướng đến sự công bằng và sự hào hứng được giúp đỡ mẹ của con.
Bằng cách nào? Nếu tôi nói con làm một việc là trách nhiệm của bé, ví dụ như đi dọn đồ chơi, mà con không làm. Thì tôi sẽ làm cho con. Sau đó yêu cầu con làm việc của tôi, ví dụ như đi vào bếp nhặt và rửa rau. Đương nhiên con trai tôi sẽ nói là “không công bằng, đấy là việc của mẹ cơ mà”. Nhưng tôi sẽ đáp lại con “Thế liệu có công bằng cho mẹ không khi phải đi dọn đồ chơi cho con?”. Những lúc như vậy, Bim thường không thể lý sự tiếp và sẽ ngoan ngoãn đi làm. Có thể bé sẽ làm trong ấm ức, nhưng những lời khen ngợi, động viện Bim sau đó như “Bim làm việc của mẹ mà cũng khéo ghê. Rau xào hôm nay chắc sẽ ngon đây” thì con sẽ quên ngay chuyện phải “dỗi” mẹ.
“Con muốn ăn/đi chơi/mua cái này ngay”
Cứ tưởng tượng, khi tôi đang nấu cơm tối thì Bim lại chạy ra đòi ăn kẹo hay khi ở siêu thị, khi đang đi mua đồ, Bim lại đòi mua đồ chơi. Nếu tôi nói với con là “để ăn tối xong rồi ăn kẹo”, hay “lần sau mẹ sẽ mua cho con”…y như rằng cu cậu sẽ nói “Nhưng con muốn ngay bây giờ” và sau đó là một tràng dài tranh luận kiểu như “Ăn kẹo bây giờ lát không ăn được cơm” – “Nhưng con ăn kẹo vẫn ăn được cả cơm”, “Con đói quá không chịu được”, “Con chỉ ăn một cái thôi”…
Trẻ con thường cố tranh luận bằng được và đối với con, ai là người nói câu cuối cùng sẽ là người thắng. Do đó, tôi thường không trao đổi nhiều với con những lúc như thế này. Tôi luôn giữ quan điểm nhất quán, chỉ trả lời một lần kèm lý do đầy đủ. Không bao giờ tôi nói thêm câu thứ hai. Cách làm này sẽ khiến Bim biết được quan điểm của mẹ và thôi nghĩ rằng nếu cứ kì kèo thì sẽ đạt được ý muốn. Đương nhiên, nếu tôi đã nói với con là “Không, để ăn tối xong rồi ăn kẹo” thì đúng là ăn tối xong Bim sẽ có kẹo ăn. Làm như vậy, con sẽ có thêm 1 tầng tin tưởng vào lời nói của mẹ và biết rằng lời mẹ nói luôn nhất quán và có hiệu lực.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet