Niềm tin dân tộc
Đó là giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, người đã có công lập ra nước Văn Lang đầu tiên. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ quan niệm tín ngưỡng dân gian, lòng thành kính và thái độ biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, là kết quả của sự đan xen giữa lịch sử 4.000 năm nước Đại Việt và huyền thoại Hùng Vương.
Trải qua thời gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã vận động, biến đổi và trở thành một hiện tượng văn hóa tín ngưỡng đa nghĩa, đa giá trị. Bốn chữ "Nam Việt triệu Tổ" ở đền Thượng tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh thể hiện sâu sắc quan niệm Tổ muôn đời của nước Việt Nam. Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, chưa có quốc gia nào trên thế giới thờ Tổ như ở Việt Nam.
Thờ cúng Hùng Vương đã và đang có sức lan tỏa mãnh liệt, trở thành chất keo bền chặt gắn nghĩa "đồng bào". Hàng năm, cứ đến tháng ba âm lịch, người người lại đua nhau trảy hội về đền Hùng. Họ đến đền Hùng không chỉ để cầu mưa thuận, gió hòa cho một năm yên vui mà còn đến để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc cũng như ý thức tôn vinh công lao dựng nước của các Vua Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vì thế đã trở thành bản sắc văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam...
Trong số nhiều di tích thờ tự tại tỉnh Phú Thọ, có khoảng 20 di tích thờ tự (đình, đền, miếu) được người dân gọi đích danh là nơi thờ phụng các Vua Hùng, thông qua các các bức đại tự hoặc biển hiệu tại đền, đình, miếu được dân chúng dựng lên và thực hành tín ngưỡng (đa số các làng/thôn thuộc TP Việt Trì và huyện Lâm Thao), còn lại là những di tích (chiếm số lượng lớn) mang danh thờ phụng Cao Sơn Thánh Vương, Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn Thánh Vương, Viễn Sơn Thánh Vương hoặc gọi chung là thờ Đức Vua hay bằng các tự danh khác, như Chàng Cả đại vương, Chàng Hai đại vương, Chàng Ba đại vương, Tam vị Đại Vương, Nhị vị Đại Vương,...
Ngàỵ 6-12-2012, ủy ban Liên Chính phủ thuộc UNESCO công bố danh sách 17 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, trong đó có "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" của Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước, có lẽ chưa có một quốc gia nào trên thế giới có tín ngưỡng thờ Tổ với phạm vi rộng lớn và trường tồn qua hàng ngàn năm lịch sử như ở Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu trưng cho triết lý nhân văn "con người có tổ có tông" của văn hóa Việt Nam. Đây là hiện tượng độc đáo nhất trên thế giới khi cả một quốc gia, một dân tộc tự coi mình có chung nguồn gốc. Trong số 37 hồ sơ được xem xét và bỏ phiếu để trở thành di sản của nhân loại trong Kỳ họp thứ 7 của Hội đồng Liên quốc gia về Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể UNESCO, hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ" của Việt Nam được đánh giá rất cao và nhận được số phiếu gần như tuyệt đối của Hội đồng chuyên gia UNESCO.
Bảo tồn và phát huy di sản
Trong kho tàng di sản đa dạng thì tập quán, nghi lễ và lễ hội về Hùng Vương là một lĩnh vực di sản vô cùng quan trọng. Đó là ký ức sống về thời Hùng Vương. Trải qua bao cuộc chiến tranh với những thăng trầm của lịch sử nhưng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn luôn được duy trì và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi ý chí, tinh thần của cả quốc gia, dân tộc.
Bởi vậy mà giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay là biểu tượng đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt; là điểm hội tụ tâm tinh, hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thẩn đại đoàn kết dân tộc.
Đại diện Khu di tích lịch sử đền Hùng, hàng năm, tỉnh thường xuyên kiểm kê khoa học tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ; mở rộng địa bàn kiểm kê khoa học về tín ngưỡng thờ các Vua Hùng với các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ Vua Hùng ở nước ngoài; sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ, ở các làng quê trên địa bàn; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương; bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền thờ Vua Hùng ở các làng thuộc tỉnh Phú Thọ; hỗ trợ cộng đồng tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ...
Để phục hồi, duy trì và bảo tồn bền vững di sản này trong cuộc sống hôm nay, trước hết cần nhận dạng đầy đủ các yếu tố của di sản một cách khoa học. Cần kiểm kê với sự tham gia của cộng đồng và kết quả của kiểm kê là kế hoạch và biện pháp bảo vệ do cộng đồng xây dựng với sự hiểu biết đầy đủ. Ngoài ra, các không gian văn hóa liên quan đến "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" cần được giới thiệu một cách chuyên nghiệp và sâu sắc những nét đặc trưng của di sản văn hóa.
Để đạt được điều đó, việc đào tạo một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp là rất quan trọng; từ những người tham gia vào các hoạt động nghiên cứu cho đến đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ có kiến thức sâu rộng về văn hóa và du lịch, đặc biệt phải có kiến thức về việc bảo tồn di sản văn hóa, các quy tắc, chuẩn mực, mục tiêu và các yêu cầu trong việc thực hiện các công việc chuyên môn.
Bên cạnh đó, nên khuyến khích các cộng đồng tự quản lý di sản văn hóa của mình. Phải đào tạo và trang bị cho cộng đồng những kiến thức để tự quản một cách hợp lý. Do đó, rất cần thiết nâng cao nhận thức cho cộng đồng và khuyến khích họ quản lý những di sản đó cho thật tốt.
Theo Thủy Liên (Pháp luật và Xã hội)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet