Sau Hà Nội và Đà Nẵng, cuộc thi Vua đầu bếp (phiên bản Việt) tiếp tục vòng sơ loại tại TP HCM vào ngày 17/12. Trong ngày diễn ra vòng sơ loại, các thí sinh đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người thân và bạn bè. Điển hình như thí sinh Phạm Thị Đức Hạnh đến tham dự với sự hỗ trợ và chăm sóc chu đáo của ông xã. Là chủ doanh nghiệp, bận rộn với công việc kinh doanh, nhưng anh đã kiên nhẫn đợi vợ trong suốt buổi thi của vòng sơ loại.
Anh chia sẻ, chính anh là người thuyết phục vợ tham gia cuộc thi vua đầu bếp nên dù công việc bận rộn thế nào, anh cũng cố gắng sắp xếp để đồng hành với chị. Trong khi chị Hạnh lo chuẩn bị cho món cơm cuộn, anh luôn ở bên cạnh, cầm ô che nắng cho vợ. Sợ chị say nắng, anh chu đáo chuẩn bị trà pha mật ong.
Giới thiệu món cơm cuộn, chị Hạnh bày tỏ: "Đây là món ăn mà ông xã và các thành viên trong gia đình rất ưa thích. Tôi mong các thành viên trong gia đình luôn yêu thương và hòa thuận với nhau như sự hòa quyện của các nguyên liệu trong món cơm cuộn này".
Món cơm cuộn của thí sinh Đức Hạnh dành tặng cho các thành viên trong gia đình. Ảnh: Ân Nguyễn. |
Thí sinh Tuyết Phi đến cuộc thi với sự tháp tùng của con gái đầu lòng. Tiết lộ về lý do tham gia, bà mẹ 3 con không giấu giếm: "Công việc của tôi là nội trợ, tất cả những gì tôi có là tình yêu của một người mẹ và những bữa cơm ấm cúng dành cho con cái. Tôi muốn tham gia chương trình, đoạt giải thưởng để con cái được tự hào về mẹ của mình". Nghe thế, người con gái đầu lòng ôm chầm lấy mẹ.
Phạm Quốc Trí có lẽ là người hạnh phúc nhất trong các thí sinh tham gia thi vòng loại, khi ngay từ sáng sớm đã có ba, mẹ và bạn bè đi cùng. Khi Trí phát hiện bỏ quên một số nguyên liệu ở nhà, người mẹ tất tả chạy về lấy cho con kịp dự thi. Bà Mai Khanh - mẹ của Quốc Trí cho biết, ngay từ nhỏ mỗi lần cô nấu ăn, Trí đều đòi nếm cho bằng được. Để chuẩn bị cho ngày thi, Trí đã thức dậy từ 4h sáng để chuẩn bị món ăn.
Thí sinh Phạm Quốc Trí được cả ba và mẹ "tháp tùng". Ảnh: Ân Nguyễn. |
Nhận xét về thí sinh, giám khảo Bùi Thị Sương chia sẻ: “Các thí sinh đều rất trẻ, nhưng rất tâm huyết và say mê nấu nướng. Tôi rất ấn tượng với món mắm chưng cá lóc của một thí sinh nữ. Đây là món ăn rất bình dị, quen thuộc nhưng em đã khéo léo trong việc pha trộn các nguyên liệu để món ăn tơi xốp, vừa ăn và hương vị rất đậm đà".
Trong khi đó, giám khảo Tuệ Minh lại đánh giá rất cao món bánh tráng trộn. Bà nói: "Đây là món ăn đường phố rất nổi tiếng ở Sài Gòn, nguyên liệu và cách chế biến đơn giản nhưng để làm nên món ăn ngon là rất khó. Bánh tráng phải dai nhưng mềm và không quá cứng, gia vị phải đậm đà nhưng không quá mặn hay quá ngọt". Ngoài bánh tráng trộn, những món ăn khác như gỏi bưởi sầu đâu, cơm cuộn, cơm nem An Cựu, nghêu cà ri cay... cũng được các giám khảo đánh giá rất cao.
Bánh tráng trộn, món ăn đường phố của Sài Gòn được các giám khảo đánh giá rất cao. Ảnh: Ân Nguyễn. |
Sau vòng sơ loại, thí sinh tại Đà Nẵng và TP HCM sẽ bước vào vòng audition tại TP HCM trong hai ngày 18-19/12. Vua đầu bếp phiên bản Việt tìm kiếm những đầu bếp không chuyên giỏi nhất, giải thưởng 500 triệu đồng và một cuốn sách nấu ăn. 20 tập của chương trình sẽ được phát sóng trên VTV3 vào năm sau.
masterchef được sản xuất tại 25 nước và phát sóng ở 200 quốc gia, lãnh thổ trước khi đến Việt Nam. Chương trình ra đời năm 1990 tại Anh, với phiên bản đầu tiên là một chương trình truyền hình về nấu ăn. Trong phiên bản MasterChef mùa thứ ba tại Mỹ, khán giả Việt trên toàn thế giới nức lòng khi Christine Hà, một đầu bếp khiếm thị gốc Việt được vinh danh. Đây cũng là động lực cho các thí sinh Việt đam mê ẩm thực đến với hành trình tìm kiếm Vua đầu bếp.
Xem thêm hình ảnh vòng sơ loại tại TP HCM
Khánh Hòa
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet