Vài năm gần đây, văn hoá ẩm thực Nhật đang dần trở nên phổ biến và chinh phục được nhiều thực khách tại Việt Nam nhờ sự mở rộng của nhiều nhà hàng Nhật giá rẻ. Nhắc đến đồ Nhật, người ta không còn chỉ nghĩ đến những món sushi, cá sống (sashimi) hay trà xanh mà bắt đầu làm quen với nhiều hơn những món ăn đặc trưng Nhật Bản khác. Mì Ramen chính là một trong số những món ăn truyền thống của xứ sở hoa anh đào đang rất được ưa chuộng ở Việt Nam và đặc biệt là ở Sài Gòn. Đó là lý do các hàng mì Ramen ở dọc khu phố Nhật Lê Thánh Tôn hay những con phố xung quanh như Lý Tự Trọng, Thái Văn Lung… luôn tấp nập người ra vào mỗi buổi trưa công sở.
Nếu đã chán ngán cơm tấm, phở bò, bánh canh… những lựa chọn phổ biến cho bữa trưa khu trung tâm Quận 1, xin mách bạn một hàng mì Ramen Nhật tuy nhỏ nhưng lại đủ sức kéo chân thực khách bởi hương vị đậm đà và giá thành phải chăng nằm trên đường Lý Tự Trọng quận 1.
Hàng mì Ramen Nhật nằm trên đường Lý Tự Trọng quận 1 tuy nhỏ khó tìm nhưng lại đủ sức kéo chân thực khách bởi hương vị đậm đà.
Quán nhỏ với phần mặt tiền chỉ rộng khoảng 2 mét, bên trong được chia làm hai phần, khu bếp nấu ngay trước mặt thực khách và lối đi vào được thiết kế để trở thành một quầy bar ăn – lối thiết kế khá phổ biến ở nhiều nhà hàng Nhật giúp tiết kiệm diện tích và phù hợp với những người đi ăn một mình.
Quán nhỏ với lối đi vào được thiết kế để trở thành một quầy bar ăn – kiểu thiết kế khá phổ biến ở nhiều nhà hàng Nhật
Ngồi ăn ở đây, thực khách có thể trực tiếp nhìn đầu bếp chế biến
Rất nhiều loại nồi nước dùng cho các món Ramen khác nhau
Thực đơn ở đây khá phong phú với hàng chục loại mì khác nhau có thể kể tên như Tokyo Ramen, Tonkotsu Ramen, Miso Ramen,…được chế biến, gia giảm các nguyên liệu ăn kèm tuỳ theo khẩu vị của thực khách. Món mì được tôi lựa chọn để thưởng thức ngày hôm nay là Ramen bò cay đặc biệt.
Bát mì được mang ra khá bắt mắt và sẽ khiến bạn có phản ứng đầu tiên là chỉ muốn… giơ máy ảnh lên để ghi lại khoảnh khắc này. Cũng như nhiều món ăn Nhật khác, một bát mì Ramen dù đơn giản hay phức tạp đều được trang trí khá đẹp mắt. Những nguyên liệu như trứng lòng đào, thịt bò, rau cải, hành lá, ớt sợi, rong biển được sắp xếp hài hoà gợi cảm giác thích thú về thị giác trước khi ăn.
Bát mì được trang trí khá đẹp mắt, tạo ấn tượng thị giác
Nếu như mì Hàn Quốc có đặc trưng riêng là kim chi chua cay thì tất cả các tô mì Nhật không thể thiếu lá rong biển.
Sợi mì Ramen khá đặc trưng, tuy cũng là mì tươi nhưng sợi nhỏ chứ không to như mì Udon, được làm từ bột mì, muối, nước và một loại nước tro đặc trưng của Nhật. Đây gần như là nguyên liệu không thể thiếu khi làm mì Ramen. Nước tro này có tác dụng tăng độ dai dẻo và tạo nên hương vị cũng như màu vàng đặc trưng cho sợi mì.
Thịt trong mì Ramen là loại thịt phải được thái mỏng và to bản, ăn vào thấy từng miếng thịt thấm đều gia vị, hao hao giống món thịt kho của Việt Nam và được ninh rất mềm. Ăn có cảm giác tan ngay trong miệng, ngon nhưng khiến người ta có cảm giác thòm thèm vì hơi... ít. Để bổ sung phần đạm, trong một bát mì Ramen cũng được kèm thêm một quả trứng luộc kiểu Nhật. Đây là loại trứng lòng đào được tẩm ướp với nước tương, rượu ngọt trong vài tiếng, gọi là “Ajitsuke Tamago”.
Bù lại nhược điểm hơi “ít thịt” của quán, phần nước dùng ở đây được đánh giá là khá xuất sắc, có vị ngọt đậm đà của xương heo được hầm nhiều giờ kết hợp với các gia vị Nhật đặc trưng như khô cá bào, tảo bẹ, cá mòi, tương đậu nành... Mỗi loại Ramen sẽ có một kiểu nước hầm riêng và dù là loại nào, nó cũng sẽ khiến bạn tấm tắc mà húp trọn cả bát.
Sợi mì Ramen khá đặc trưng, tuy cũng là mì tươi nhưng sợi nhỏ chứ không to như mì Udon, được làm từ bột mì, muối, nước và một loại nước tro đặc trưng của Nhật.
Bánh xếp trong phần ăn set lunch của quán cũng khá ngon và bắt mắt
Một phần mì Ramen ở đây có giá từ 48.000 cho đến 98.000 đồng, khá phù hợp với một bữa trưa cho những ai muốn “đổi vị”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet