Trong năm đầu đời này, bạn có thể dễ dàng khuyến khích trẻ hình thành các kỹ năng giao tiếp chỉ bằng cách mỉm cười, nói chuyện, hát và đọc cho bé. Tại sao phải quan tâm đến vấn đề này? Đó là bởi vì các kỹ năng ngôn ngữ, nói chuyện có liên quan đến sự phát triển kỹ năng đọc, viết và quan hệ giữa người với người sau này. Dưới đây là một số cách để bố mẹ có thể giao tiếp với con, theo Web Md.
Mỉm cười và chú ý
Trước khi trẻ có thể nói rành mạch thì trẻ hiểu ý nghĩa tổng quát của những lời nói của bạn. Bé còn thu nhận giọng điệu cảm xúc của bố mẹ. Do đó, hãy khuyến khích sự cố gắng giao tiếp của con bạn bằng cả sự quan tâm:
- Cười nhiều với con, đặc biệt khi con rù rì hay phát âm bằng ngôn ngữ của con.
- Nhìn con khi con bập bẹ hay cười hơn là nhìn vào đâu đó, nói chuyện với người khác hay ngắt lời, ngắt nụ cười của con.
- Kiên nhẫn vì bạn đang cố gắng giải mã ngôn ngữ giao tiếp không lời của trẻ như cách thể hiện cảm xúc, những âm thanh bập bẹ - biểu hiện của sự giận dữ hay thích thú.
- Dành thời gian để bày tỏ sự quan tâm, tình yêu thương với con. Như thế, con có thể nói chuyện với bạn bằng cách của riêng chúng, ngay cả khi bạn đang bận với việc gì khác.
Nên huyến khích sự giao tiếp bé trong năm đầu đời. Ảnh: aysanderscpa |
Bắt chước con
Bằng cách bắt chước theo trẻ, bạn sẽ truyền đi tin nhắn quan trọng: con đang cảm thấy thế nào và con muốn trao đổi vấn đề gì với bố mẹ.
- Tạo những cuộc hội thoại qua lại bằng ngôn ngữ của trẻ để dạy trẻ cách nhận và trả lời trong cuộc trò chuyện với người lớn.
- Bắt chước phát âm của trẻ như “pa pa” hay “goo goo”…
- Cố gắng hết sức phản hồi lại bé ngay cả khi bạn không hiểu bé đang muốn nói gì.
- Củng cố khả năng giao tiếp bằng nụ cười và làm theo những biểu hiện cảm xúc của bé.
- Vì những cử chỉ là cách các bé giao tiếp, do đó, bắt chước các cử chỉ đó.
Thường xuyên nói chuyện với bé
Con trẻ rất thích nghe nói chuyện, đặc biệt là nói với chúng với một giọng ấm áp, vui vẻ. Trẻ học cách nói bằng cách bắt chước âm thanh mà chúng nghe thấy. Vì thế, bạn càng nói nhiều thì con học ngôn ngữ và cách nói chuyện càng nhanh.
Rất nhiều phụ huynh dùng một giọng đặc biệt như giọng với âm vực cao cùng với sự cường điệu trong cách thể hiện khi nói chuyện với con. Đây là cách nói mô phỏng giọng nữ - mà trong thế giới của bé là gắn liền với thức ăn và sự ấm áp. Do vậy, đừng sợ rằng cách nói chuyện này sẽ cản trở khả năng học ngôn ngữ của bé sau này.
Luyện khả năng nghe của con bằng cách nói chuyện với con suốt cả ngày, kể về những hoạt động trong ngày của bạn. Nói chuyện với con khi bạn cho con ăn, mặc quần áo cho con, ẵm con và cả khi tắm cho con. Khi đó, con bắt đầu học cách kết nối những âm này với những đồ vật hay hoạt động hằng ngày.
Lặp lại thường xuyên và rõ ràng những từ đơn giản như “mẹ” hay “bình sữa” để con nghe và gắn đồ vật, hiện tượng với ý nghĩa của chúng.
Cách trẻ học nói
Bố mẹ thường tự hỏi khả năng nói chuyện của bé tới đâu. Khoảng thời gian bắt đầu nói của trẻ khác nhau: một số có thể nói vài từ khi mới chỉ 12 tháng nhưng một số khác lại chỉ bắt đầu nói khi được 18 tháng.
- Từ 1 - 3 tháng: Trẻ thích nghe âm thanh từ giọng bạn và có thể mỉm cười, cười to, tỏ ra im lặng hay thích thú và vẫy tay khi bạn nói chuyện hay hát cho trẻ nghe. Con thường bắt đầu nói bằng những âm thanh như “ooh ooh” vào khoảng 2 tháng tuổi.
Không bao giờ là sớm để bắt đầu đọc truyện cho bé. Nghe đọc truyện kích thích phát triển trí não. Nhiều trẻ đang quấy có thể được xoa dịu nhờ âm nhạc và bắt đầu phát hiện các bài hát đơn giản bằng cách cười, nói (theo ngôn ngữ của bé) và vẫy tay, chân.
- Từ 4 - 7 tháng tuổi: Bé bây giờ có thể nhận ra rằng cách nói của bé có tác động lớn đến bố mẹ. Do đó, bé bập bẹ nhiều hơn và quan sát phản ứng của bố mẹ. Trẻ cũng thử nhiều âm thanh và giọng điệu hơn. Chúng bắt đầu nâng âm cao lên hay hạ âm xuống khi bập bẹ giống như khi bố mẹ hỏi các câu hỏi hay nhấn mạnh cái gì.
Khi muốn chỉ cho con vật gì một cách đơn giản với những từ đơn giản như “ly”, “bóng”…, hãy giữ những đồ vật đó để cho con bạn thấy đồ vật đó có liên quan đến từ mà bạn vừa nói. Chọn những cuốn sách đầy màu sắc, chỉ vào bức tranh và nói tên các đồ vật đó để tăng cường khả năng nói chuyện từ sớm cho con.
- Từ 8 - 12 tháng tuổi: Không có gì có thể tả xiết cảm xúc của bố mẹ khi lần đầu tiên nghe con bập bẹ “mẹ” hay “bố”. Tuy nhiên, con ở độ tuổi này thường nói không tròn vành rõ chữ mà lại đọc chệch…
Mỉm cười, nhìn vào con và tiếp tục lặp lại những từ đơn giản một cách rõ ràng. Điều này giúp não bộ của trẻ lưu giữ những âm thanh và ý nghĩa của từng từ của từng đồ vật hằng ngày. Ở độ tuổi này, trẻ thích tương tác trực tiếp giữa bạn và trẻ. Trẻ cũng thích chơi các trò chơi và hát những bài đơn giản.
Đến gặp bác sĩ nếu…
Trong suốt một năm đầu đời, con bạn bình thường sẽ phản ứng, tương tác với bạn bằng cách ríu rít hay bắt đầu bập bẹ. Con sẽ phản hồi lại khi bạn gọi tên con hay những yêu cầu đơn giản như: lại đây nào!
Do đó, mặc dù sự phát triển ngôn ngữ bình thường dao động lớn trong khoảng thời gian bé bắt đầu nói được, nhưng để đảm bảo sự phát triển của con, bạn nên hỏi bác sĩ nếu thấy sự chậm trễ trong vấn đề nghe, nói.
Thu Lê
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet