Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tác giả của nhiều cuốn sách về nuôi dạy trẻ như "Cha mẹ là số phận của con cái", "Sách dạy kỹ năng sống cho trẻ: Chuyện của bé Đa...", tiền không có lỗi, lỗi là ở người sử dụng và tìm kiếm nó. Nếu như con kiếm tiền nhưng vẫn đảm bảo không trái lương tâm và không ảnh hưởng đến nhiệm vụ học tập thì quá tốt và cha mẹ nên khuyến khích.
Để dạy con kiếm tiền chân chính, tiến sĩ Thu Hương cho rằng, cha mẹ cần lưu ý các nguyên tắc sau:
Không chấp nhận những đồng tiền không trong sáng
Muốn làm được, cha mẹ phải dũng cảm từ chối những đồng tiền mà chạm phải vấn đề lương tâm hoặc pháp luật. Cha mẹ nói không với những đồng tiền không trong sáng, trẻ sẽ học được thái độ đó và sẽ biết nên làm gì khi bị cám dỗ.
Không trả tiền cho con trong các công việc nhà
Biến việc nhà thành những công việc kiếm ăn của trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy không cần có trách nhiệm với gia đình. Trả lương cho con làm việc nhà thậm chí còn kéo xa khoảng cách cha mẹ và con cái. Cha mẹ biến thành chủ lao động còn con là công nhân. Trẻ sẽ nghĩ rằng việc nhà là của bố mẹ, khi nào bố mẹ trả tiền thì con sẽ làm, không thì thôi. Con sẽ luôn tị nạnh và đặt giá cho những công việc mà đáng ra nó có trách nhiệm thực hiện.
Trả tiền cho con làm việc nhà cũng sẽ khiến con cảm thấy hoang mang trước ranh giới tiền và đạo đức. Chuyên gia giáo dục gợi ý nếu chúng ta vạch ra thật rõ ràng ranh giới: việc gì cần làm, cần cống hiến cho cộng đồng, cho gia đình, cho những người thân yêu và việc gì làm để kiếm tiền, thì trẻ sẽ đi theo dễ dàng hơn.
Làm việc nhà như quét dọn, nấu ăn cho gia đình không phải là cách kiếm tiền dành cho trẻ. Ảnh: fivestarsandamoon.com |
Khi con đang đi học, việc ưu tiên là học chứ không phải kiếm tiền
Nếu vi phạm điều này, con sẽ phải chịu một hình phạt, phải dừng kiếm tiền để tích lũy kiến thức cũng như kỹ năng sống.
Không lợi dụng con để kiếm tiền
Không ít cha mẹ, đặc biệt những người có con thần đồng đem con ra để kinh doanh. Tuổi thơ của các cháu bị ảnh hưởng không ít, đồng thời trẻ sẽ dễ dàng coi thường cha mẹ, coi thường người lớn và tương lai chắc chắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cha mẹ khó khăn, vất vả cũng ráng sức làm việc cho tốt. Đừng đặt bài toán kiếm ăn trước mặt con, tiền có thể có nhưng lợi bất cập hại.
Không lấy gia cảnh nghèo khó của mình để mua lòng thương hại của người khác
Khi trẻ thấy việc kiếm tiền trở nên dễ dàng bằng cách chỉ cần rên rỉ, khóc lóc, kể lể sự vất vả khó khăn, trẻ sẽ coi đó là việc rất hay, rất nên làm. Đương nhiên trẻ sẽ không biết quý trọng những đồng tiền đó. Chưa kể cách này sẽ khiến trẻ có những hành vi thiếu nghiêm túc, nhân cách xấu.
Không nên dễ dàng cho trẻ tiền
Tiền sẽ làm hư trẻ chỉ ở trong trường hợp con quá dễ dàng có tiền mà không đổ chút mồ hôi công sức nào. Lúc này trẻ coi thường tất cả, công sức của cha mẹ, giá trị lao động và giá trị cuộc sống. Vì thế hãy để trẻ tìm hiểu giá trị đồng tiền bằng công thức khó khăn hơn một chút.
Tiến sĩ Thu Hương gợi ý một số việc mà cha mẹ có thể cho trẻ làm để kiếm tiền như:
Cho con làm các công việc bán thời gian, thủ công nghiệp như đan lát, khâu vá, thiệp, đồ handmade...
Tìm cho con một công việc đơn giản như rửa bát, thu dọn cho các quán ăn, làm theo giờ. Nếu cha mẹ có mối quan hệ thân thiết với chủ hàng thì việc này vừa không khó khăn mà lại còn đem lại cho con những giờ phút lao động vô cùng hữu ích. Số tiền nhỏ xíu nhưng con chắc chắn sẽ trân trọng vì nó chính là những giọt mồ hôi đầu đời của con.
Với con trai, việc sơn lại một cánh cổng, một bức tường... của bác hàng xóm hay bạn của bố mẹ cũng là một công việc tuyệt vời. Các bố mẹ có thể kiếm việc và tráo đổi nhau thuê con của bạn về làm. Số tiền trả công nhỏ thôi, nếu cao quá, con sẽ thấy kiếm tiền quá dễ dàng.
Cho con chút tiền đầu tư để con kiếm lời từ việc đầu tư nhé. Con gái tiến sĩ Hương hồi 10 tuổi đã lấy tiền tiết kiệm, mua truyện tranh và mở cửa hàng cho thuê truyện ở nhà. Các bạn đến đọc truyện thường được tặng một vài cái decal hoặc có vài cái kẹo, bánh nên rất hào hứng đến đọc truyện thuê của bạn. Còn cô bé thật sự học được cách kiếm tiền rất hay.
Tiến sĩ Hương lưu ý, nếu cha mẹ thực hiện cách này thì nên yêu cầu con xây dựng kế hoạch rõ ràng, xây dựng bảng chi và thu dự kiến. Thấy hợp lý thì cha mẹ mới cho con tiền và giúp con mua đồ cho hợp lý. Cha mẹ cũng có thể thu của con chút xíu tiền lãi, bởi vay tiền thì phải trả lãi. Đây là cách vô cùng tốt để dạy con biết quý trọng công sức và tiền của của người khác.
Cho con đi các hội chợ dành cho trẻ. Nhiều nơi thường tổ chức những hội chợ dành cho các bé như hội chợ vì trẻ em vùng cao, hội chợ bán đồ cũ... Tại đó, các bé sẽ được thuê làm việc như bình thường và sẽ được trả công. Đây chính là những việc làm vô cùng hữu ích và giúp con hiểu thêm rất nhiều điều.
Kim Kim
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet