Trong 6 tháng đầu tiên sau khi chào đời, trẻ cần bú mẹ hoàn toàn. Sau 6 tháng, sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu lớn nhanh của trẻ nên cần phải cho trẻ ăn bổ sung để phát triển thể chất, trí tuệ.
Theo bác sĩ Hoàng Thanh Thủy, Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng I, cần cho trẻ ăn bổ sung lúc 6 tháng vì đây là thời điểm trẻ cần nhiều năng lượng từ bột, cháo. Lúc này trẻ cũng đã điều chỉnh lưỡi tốt hơn để đưa thức ăn di chuyển trong miệng, trẻ bắt đầu nhai và dịch chuyển hàm lên xuống, hệ tiêu hóa trẻ phát triển đủ để tiêu hóa một số loại thức ăn.
Ảnh: Lê Phương. |
Chọn thời điểm để bắt đầu ăn bổ sung cũng rất quan trọng. Nếu ăn bổ sung quá sớm, có thể dẫn đến nguy cơ trẻ giảm bú sữa mẹ, tăng nguy cơ mắc bệnh, giảm sức đề kháng, khó tiêu hóa thức ăn. Nếu ăn bổ sung quá muộn, trẻ không nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết, trẻ chậm lớn, dễ suy dinh dưỡng, khó tập ăn.
Tuy nhiên, nếu trẻ dưới 6 tháng, được cho bú mẹ đúng cách mà vẫn không tăng cân tốt, hoặc người mẹ không có sữa thì vẫn có thể cân nhắc đến chuyện cho ăn dặm sớm.
Theo bác sĩ Thủy, thức ăn bổ sung phải có độ keo đặc thích hợp. Thức ăn nên chuyển dần từ lỏng sang sệt, rồi đặc dần, từ ít đến nhiều, tập quen dần thức ăn mới để tránh dị ứng.
Nếu em bé gầy, có thể làm tăng đậm độ năng lượng và giảm độ đặc bằng cách tăng chất béo, bởi khoảng 20-25% năng lượng là do chất béo. Một số cách tăng độ đậm năng lượng là rang ngũ cốc trước khi xay thành bột, thêm dầu ăn, mỡ, bơ, đối với thịt, cá, rau, củ... cần ăn cả xác thay vì chỉ ăn nước...
"Nên thêm 2 muỗng dầu ăn vào chén bột của trẻ. Dùng cho đến khi cân nặng trẻ đảm bảo. Nếu trẻ không quen với việc ăn dầu ăn, ban đầu có thể cho vào ít hơn, tăng lượng dầu từ từ để trẻ làm quen", bác sĩ Thủy nhấn mạnh.
Cần đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của trẻ theo tuổi. Nhu cầu dinh dưỡng tính theo cân nặng, cụ thể trẻ 6 tháng tăng cân gấp 2 lần, trẻ 12 tháng tăng cân gấp 3 lần so với lúc sinh. Chú ý tăng độ hòa tan của các loại thức ăn bổ sung, thông thường trong bột các loại hạt nảy mầm giúp tăng hòa tan, tăng thêm hàm lượng riboflavin, niacin và sắt.
Trẻ cần được ăn đầy đủ cả 4 nhóm thức ăn trong từng bữa ăn. Nhóm tinh bột (gạo, mì, khoai, bắp), nhóm đạm (thịt, cá, trứng. sữa, cua, tôm, đậu...), nhóm chất béo (dầu ăn, mỡ, mè, đậu phộng...), nhóm vitamin và chất khoáng (rau, quả...)
Bác sĩ Thủy khuyến cáo, khi bắt đầu cho bé ăn dặm, nên tập ăn bột ngọt rồi sau đó chuyển dần sang bột mặn. Điều này tùy thuộc vào sở thích của từng trẻ, tuy nhiên do bột ngọt gần với mùi vị sữa mẹ nên trẻ dễ làm quen hơn khi bắt đầu ăn dặm.
"Khi chế biến, hạn chế nêm bột ngọt và muối, tận dụng vị ngọt có sẵn từ thực phẩm, ăn mặn không tốt cho thận. Dụng cụ chế biến sạch sẽ, rửa tay trước khi chế biến và sau khi cho trẻ ăn. Cho ăn nhiều hơn lúc bệnh và sau bệnh", bác sĩ Thủy chia sẻ.
Cho trẻ ăn từ từ, kiên trì, khuyến khích, không ép buộc. Không nên ép trẻ ăn, không tự ý quyết định lượng thức ăn của trẻ. Cần cho trẻ ăn dựa theo nhu cầu của trẻ và quan trọng nhất là phải kèm theo khuyến khích, động viên trẻ và có sự tương tác giữa mẹ và bé. Thông thường sẽ là mẹ lựa chọn thức ăn, bé lựa chọn lượng ăn.
Không nên cho ăn bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn. Tạm ngừng khi trẻ không ăn nữa, sau đó lại tiếp tục. Cần kiên trì, dành nhiều thời gian để trao đổi, khuyến khích trẻ ăn. Trong bữa ăn trò chuyện vui vẻ, tiếp xúc bằng mắt với trẻ. Khi hỗ trợ trẻ ăn, mẹ dễ dàng nhận biết tín hiệu của trẻ, ví dụ khi trẻ đói có thể trẻ sẽ mệt mỏi, đòi thức ăn, khóc, khi trẻ không muốn ăn, trẻ thường quay đi, gạt đổ, khóc...
Một điều quan trọng là không khí gia đình trong bữa ăn ảnh hưởng khá nhiều đến trẻ. Khi ăn chung, trẻ có thể nhìn thấy người khác ăn, có thể ăn thêm thức ăn khác. Có thể cho trẻ cầm thức ăn tự ăn, mặc dù trẻ có thể làm rơi vãi nhưng cách này khiến trẻ tự lập hơn, trẻ thích thú và ăn nhiều hơn. Không để trẻ xao nhãng vào những việc khác trong bữa ăn.
Lê Phương
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet