Các nghiên cứu cho thấy những băn khoăn, lo âu, nỗi buồn thoáng qua hay giận dữ trong thời gian ngắn của thai phụ sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi. Thậm chí những cảm xúc này còn có lợi vì có thể giúp cho đứa trẻ phát triển những khả năng ứng phó với hoàn cảnh căng thẳng trong tương lai. Tuy nhiên nếu cảm xúc tiêu cực, căng thẳng và lo âu kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến cả hai mẹ con.
Người mẹ có thể thường xuyên đọc sách báo giải trí, nghe nhạc, viết nhật ký, đi dạo, tập yoga, ngồi thiền… để tự giải tỏa stress. Ảnh minh họa: eva. |
Về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Ban Mai, cố vấn sách thai giáo Hội quán các bà mẹ TP HCM khuyên thai phụ không nên quá lo lắng khi gặp những dấu hiệu stress nhẹ. Những biểu hiện như:
- Khó ngủ ở giai đoạn mới mang thai.
- Đau đầu nhẹ.
- Thay đổi cảm giác thèm ăn và triệu chứng khó tiêu ở cuối thai kỳ.
Những đợt stress kéo dài sẽ sản sinh ra nhiều hormone ở người mẹ. Lượng hormone này ở mức vừa phải thì tốt. Không nên để stress dài sẽ dẫn đến dư thừa hormone, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ ngay khi còn trong bào thai, làm giảm chất lượng cuộc sống, gây sinh non hoặc sẩy thai…
Thai phụ bị stress thường đi kèm với những thay đổi về sinh lý như:
- Tim đập nhanh để bơm nhiều máu.
- Huyết áp tăng.
- Tiêu thụ nhiều oxy hơn.
- Phóng thích nhiều thán khí.
- Thở nhanh và cạn.
- Toát mồ hôi.
- Thượng thận tiết Adrenalin, Noradrenalin và Cortisol, tuyến tụy tiết Glucagon làm giảm lượng Insulin và làm gia tăng đường huyết.
- Giảm cung cấp máu bộ máy tiêu hóa,
- Giảm hormone tăng trưởng và giảm tiết hormone “sinh dục”
- Hệ thống miễn dịch suy giảm dễ gây nên nhiễm trùng và ung thư.
Một số dấu hiệu nhận biết stress của thai phụ:
- Dấu hiệu về cảm xúc: Thai phụ luôn cảm thấy buồn bã hoặc bứt rứt, đứng ngồi không yên, tâm trạng căng thẳng và dễ trở nên cáu gắt. Ngoài ra, phụ nữ mang thai tâm tính cũng trở nên bất thường hơn, dễ kích động và thiếu kiên nhẫn, cảm giác mặc cảm với bản thân hoặc cô đơn tràn ngập.
- Dấu hiệu về thể chất: Biểu hiện thường thấy là nhức đầu, mất ngủ, tức ngực, đau lưng, đau cột sống cổ. Ngoài ra còn có một số biểu hiện thường thấy khác như rối loạn tiêu hóa, táo bón, viêm răng lợi, nổi mụn, chàm ngoài da, dễ cảm cúm và nhiễm trùng…
- Dấu hiệu về hành vi: Ăn uống vô độ hoặc chán ăn, hoạt động quá mức, xa lánh mọi người, tìm đến rượu, thuốc lá, ma túy, dễ gây sự. Một số thai phụ khi bị stress cũng có những hành vi như cắn móng tay, đi tới đi lui không yên một chỗ…
Việc phòng ngừa stress bao giờ cũng dễ dàng hơn chữa trị. Vì vậy thai phụ cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi phù hợp. Bên cạnh đó thai phụ tuyệt đối không nên tự ý dùng các loại thuốc an thần để giảm stress (trừ khi có chỉ định của bác sĩ) vì các loại thuốc này có thể truyền qua nhau thai và ảnh hưởng đến thai nhi.
Để giải tỏa stress cho người mẹ và tránh ảnh hưởng đến đứa con trong bụng thì cách tốt nhất là mẹ sẽ tìm cách tự vượt qua. bà bầu có thể thường xuyên đọc sách báo giải trí, nghe nhạc, viết nhật ký, đi dạo, tập yoga, ngồi thiền… Mẹ cũng dành thời gian để tạo mối liên kết bằng cách tưởng tượng, suy nghĩ và trò chuyện với đứa con trong bụng.
Nếu không tự mình vượt qua được thì người mẹ hãy chia sẻ sự lo lắng và nỗi niềm của mình với bạn bè, người thân. Bên cạnh đó, thai phụ nên tham gia vào những lớp tiền sản để có cơ hội giao lưu, trao đổi cùng các chuyên gia và những bà mẹ khác để được tư vấn về những vấn đề mình đang gặp phải.
Thụy Ân
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet