1. Lò nướng
Thông thường, khi đi mua một chiếc lò nướng bánh, chị em lưu ý các thông tin sau:
- Lò không cần quá to cũng không nên nhỏ quá.
- Lò có thanh nướng trên dưới, có 3 – 4 nấc để có thể đặt khay nướng ở những vị trí khác nhau tùy yêu cầu từng loại bánh.
- Có đủ nút điều chỉnh nhiệt độ (tối đa từ 250-300 độ C) và thời gian.
- Nên chọn lò có dung tích từ 35-40 lít trở lên, có cả hai thanh nhiệt trên và dưới (người ra hay gọi là lửa trên và lửa dưới).
Nên chọn loại có đối lưu (quạt gió điều hòa tản nhiệt đều khắp lò). Nhiệt độ của lò ổn định sau 10 phút bật lò.
2. Máy đánh trứng
Dụng cụ không thể thiếu sau lò vi sóng là máy trộn hay người ta còn quen gọi là máy đánh trứng có kèm theo bát trộn. Máy đánh trứng có hai loại:
Máy cầm tay (hand-mixer): Máy này thường có hai loại que đi kèm là que lồng và que xoắn. Que lồng được dùng thường xuyên để trộn bột, đánh bông trứng hay đánh bông kem tươi. Còn que xoắn dùng để trộn bột khi làm bánh mì nhưng thường khó vì máy cầm tay thường không đủ công suất để trộn những khối bột đặc và dẻo quánh.
Máy đánh trứng để bàn (stand mixer): Máy này tự đứng được, không cần phải cầm. Máy có kèm theo que quay dẹt phẳng (đánh mềm bơ, trộn bột, đánh bông lòng đỏ trứng, trộn vột bánh qui…), phới lồng (đánh bông kem tươi, trứng…) và que xoắn (nhồi bột bánh mì).
Về cơ bản thì công dụng của máy đánh trứng để bàn cũng giống như máy tay cầm nhưng công suất lớn hơn và tạo ta chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn. Nhiều chị em chia sẻ, khi dùng máy để bàn có thể tiết kiệm được thời gian làm bánh (bạn có thể làm được việc khác trong khi máy đánh trứng đang trộng bột).
Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì bạn vẫn nên mua cả hai máy. Đơn giản là, nếu đánh trứng với số lượng lớn thì máy để bàn tốt hơn nhưng nếu với số lượng nhỏ thì máy cầm tay lại chiếm ưu thế.
3. Dụng cụ đo lường
3.1 Cân:
Làm bánh luôn có công thức nên tỉ lệ các nguyên liệu đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Vì thế, cân là thứ không thể thiếu để đo khối lượng các nguyên liệu khô như bột mì, sô cô la, bơ, bột nở, muối nở… Nếu bạn sử dụng cân đồng hồ thì nên mua loại có sức chịu nặng ít nhất từ 1-3kg thì cân sẽ chính xác hơn. Nhưng nếu có điều kiện bạn nên đầu tư một chiếc cân điện tử có thể đong đếm đến 1gram hoặc 0,1gram.
3.2 Bộ thìa đong theo đơn vị teaspoon, tablespoon
Trong nhiều công thức làm bánh, có sử dụng các nguyên liệu với số lượng nhỏ như bột nở, baking soda, vani, các loại tinh dầu, si-rô… thì đơn vị đong thường là 1, ½, 1/4, 1/8, ¾ teaspoon hoặc tablespoon chứ không chuyển sang gr hay ml (mặc dù có thể đổi được nhưng sẽ mất thời gian để bạn nhẩm tính cách quy đổi).
Các bạn lưu ý, bản thân teaspoon và tablespoon là đơn vị đong tiêu chuẩn rồi nên đôi khi dịch các công thức từ nước ngoài sang, người ta ghi là muỗng cà phê (teaspoon) và muỗng canh (tablespoon) thì không nên hiểu lầm là muỗng cà phê và muỗng canh thông thường trong nấu ăn ở nhà bạn. Mà thực chất người ta dựa vào đơn vị teaspoon và tablespoon. Tốt hơn hết, bạn nên mua cho mình một bộ thìa này để tránh nhầm lẫn.
3.3 Cốc đong (cup) theo đơn vị Cup hoặc oz
Người Việt gọi nôm na là cái ca. Những chiếc cup này có chia vạch để đong các nguyên liệu lỏng như sữa, nước, si-rô… Ngoài việc đong chất lỏng thì cup dạng này cũng có ích trong việc bạn làm bánh theo công thức của Mỹ, họ thường sử dụng đơn vị cup hoặc oz thay cho gr hay ml thông thường.
4. Các dụng cụ khác
4.1 Âu trộn bột
Các loại âu trộn bột rất phong phú và đa dạng với các chất liệu, màu sắc khác nhau… Tùy từng mục đích sử dụng mà bạn nên chọn sao cho phù hợp.
Tuy nhiên, nhiều chị em chia sẻ, khi làm bánh nên chọn âu inox cho nhẹ và dùng cảm giác an toàn hơn âu thủy tinh. Tuy nhiên nếu dùng trong lò vi sóng hay dùng để ủ bột, trộn hỗn hợp bột nặng, đặc thì âu thủy tinh lại phát huy ưu điểm.
Riêng âu nhựa khó rửa sạch dầu mỡ nên chị em khuyên hạn chế sử dụng trong làm bánh.
Khi mua âu, bạn nên chọn loại âu lớn và thành cao, khi đánh chất lỏng như kem tươi sẽ hạn chế bị bắn ra ngoài. Âu cao khoảng 15-20cm, đường kính miệng khoảng 20-30cm là vừa.
4.2 Phới trộn bột (Spatula)
Là dụng có có hình dạng giống chiếc xẻng, chất liệu có thể là nhựa hoặc silicon (silicon thì tốt hơn). Phới này mềm không chỉ giúp trộn bột tốt mà còn giúp vét thành và đáy âu sạch, gọn hơn.
4.3 Phới lồng (whisk)
Là một công cụ không thể thiếu trong làm bánh mặc dù bạn đã có máy trộn. Phới lồng để trộn nguyên liệu, đặc biệt các loại nguyên liệu bông nhẹ như kem tươi, trứng đánh bông…
Có hai loại phới lồng: sauce whisk (2) và ballon whisk (1). Sauce whisk thì có hình dáng thuôn dài, sợi kim loại dầy và cứng trong khi balloon whisk có hình tròn với các sợi kim loại mỏng và mềm hơn. Sauce whisk dùng để khuấy các hỗn hợp không cần quyện bọt khí như trộn các loại bột với nhau. Còn balloon whisk dùng để đánh bông trứng hay kem tươi.
4.3 Thìa gỗ
Loại thìa này không bắt buộc nhưng nó tiện cho việc bạn nấu các loại sốt, kem, quấy bột su kem, quấy các nguyên liệu trước khi nhồi bột làm bánh mì.
4.4 Rây lưới
Rây bột có mắt lưới rất nhỏ. Một số công thức làm bánh yêu cầu bạn phải rây bột để giúp cho bột mịn, tơi xốp và không bị vón cục. Rây lưới cũng có loại có tay cầm, có loại không có tay cầm.
4.5 Chày cán bột (rolling pin)
Chày càn bột thường làm từ gỗ, hiện giờ có thêm loại làm từ sillicon hay nhựa dẻo. Nhìn chung tấy cả các loại chày cán bột đều có hình dạng ống tròn dài nhưng kích thước khác nhau tùy theo mục đích sử dụng. Một số loại còn in vân trên mặt để trang trí một số loại bánh khi vì nó in vân lên bề mặt bột… khi lăn qua. Nếu làm bánh cơ bản chỉ cần cây cán bột loại bình thường là được.
Lưu ý, nếu dùng chày cán bột bằng gỗ thì bạn không được ngâm nước hay rửa bằng nước rửa. Để làm sạch, bạn chỉ việc cho ít bột phủ đều lên chày rồi lau lại bằng khăn sạch là được.
4.6 Giá để nguội bánh (cooling rack)
Dùng để đặt bánh sau khi nướng cho bánh nguội mà không hấp hơi nước do nó thoáng cả trên lẫn dưới.
4.7 Giấy nến (parchment paper)
Là loại giấy để lót khuôn bánh hay lót bên dưới đáy khau khi làm bánh với mục đích chống dính.
4.8 Đồng hồ hẹn giờ
Chiếc đồng hồ này sẽ nhắc nhở bạn, giúp bạn tránh được trường hợp làm nhiều thứ cùng lúc mà quên bánh đang nướng ở trong lò.
5. Khuôn bánh
Khuôn bánh có rất nhiều loại, được chia theo hình dạng, công dụng sẽ có dạng khuôn đế rời, khuôn đế liền, khuôn có khóa (spring form) hoặc khuôn chống dính, không chống dính…
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet