Bé bị viêm tai giữa khỏi bệnh sau 10 ngày không dùng kháng sinh
Viêm tai giữa là một trong những bệnh lý rất phổ biến, thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Có rất nhiều trường hợp mắc viêm tai giữa do không điều trị kịp thời có thể dẫn đến điếc. Vì vậy khi trẻ bị bệnh viêm tai giữa dùng kháng sinh như nào là điều mà rất nhiều người muốn biết.
Tuy nhiên, hiện nay hiện tượng vi khuẩn kháng với các loại thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến và có nguy cơ lan rộng do việc sử dụng thuốc một cách bừa bãi, không có sự kiểm soát chặt chẽ đã làm hạn chế việc điều trị những trường hợp nhiễm khuẩn.
Theo Ths. Bác sĩ nội trú Nguyễn Tiến Hải (Phòng khám Tai Mũi Họng Bác sĩ Hải, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trong quá trình thăm khám, anh đã gặp rất nhiều bệnh nhân vất vả điều trị với những vi khuẩn kháng thuốc. Thậm chí, nhiều phụ huynh khóc vì con điều trị kháng sinh cả tháng mà không khỏi và anh cũng gặp rất nhiều câu hỏi như “Tại sao từ nhỏ con không ốm bao giờ, lần thứ 2 bị ốm mà mãi không khỏi?”
Thực chất, nguyên nhân này là do vi khuẩn kháng thuốc bé bị nhiễm từ người khác. Bởi vậy, khi vi khuẩn kháng gần hết các loại kháng sinh uống thì việc điều trị là rất khó khăn.
“Vi khuẩn kháng thuốc cũng là do việc mọi người lạm dụng quá mức và tùy tiện sử dụng, cứ con sốt, ho hay đờm là dùng kháng sinh trong khi kháng sinh chỉ điều trị được vi khuẩn và dùng để điều trị viêm do vi khuẩn”, bác sĩ Hải cho hay.
Chia sẻ thêm, bác sĩ Hải cho biết, nếu trẻ chưa có biểu hiện nhiễm khuẩn thì điều trị không kháng sinh cũng giúp trẻ khỏi bệnh.
Mới đây, anh đã gặp một bệnh nhân 2 tuổi bị viêm tai giữa điều trị kháng sinh một tháng không khỏi. Thậm chí, bé điều trị cả kháng sinh chỉ dành cho trẻ trên 18 tuổi nhưng cũng không khỏi bệnh vì vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
Khi bị bệnh viêm tai giữa dùng kháng sinh như nào là điều mà rất nhiều người muốn biết. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh cũng nên cân nhắc rất kỹ lưỡng. (Ảnh minh họa)
“Gia đình cho bé dùng kháng sinh ở nhà không đỡ. Sau đó, cho bé đi viện khám được chuẩn đoán Mycoplasma kháng thuốc (chủng vi khuẩn nhỏ nhất, không có thành tế bào bao bọc cho nên không có đáp ứng với thuốc nhuộm gram và không nhạy cảm với nhiều loại thuốc kháng sinh thường dùng).
Bé đó được điều trị 1 tháng trời bằng kháng sinh. Thậm chí, được điều trị cả bằng kháng sinh Tavanic nửa viên (Loại kháng sinh khuyến cáo chỉ dùng cho trẻ trên 18 tuổi vì nhiều tác dụng phụ) nhưng không đỡ, vẫn sốt, ho, mũi xanh toàn mủ”, bác sĩ Hải kể.
Lúc này, bác sĩ Hải quyết định điều trị cho bé bằng thuốc giảm viêm, giảm ho thông thường và chăm sóc Tai-Mũi-Họng đúng cách tại nhà. Theo dõi 3 ngày/lần, bé đã có những chuyển biến tích cực.
“Ngày đầu khám cho bé, tai của bé phồng nhiều mủ, mũi đặc vàng mủ kín mũi, phế quản thở rít. 3 ngày sau, tai bé vẫn phồng căng mủ, mũi vẫn còn mủ và phổi thở rít nhẹ. 3 ngày tiếp theo khám lại, mũi bé đã hết mủ, phổi thở êm hơn, tai vẫn còn ít dịch. 3 ngày sau nữa, tai bé đã sáng bóng hết mủ, mũi khô sạch hết dịch và phổi trong hoàn toàn. Bé khỏi bệnh mà không cần dùng viên thuốc kháng sinh nào”, bác sĩ Hải cho hay.
Hình ảnh trước và sau 10 ngày điều trị tai bé 2 tuổi bị viêm tai giữa.
Dưới đây bác sĩ Hải chia sẻ chi tiết hơn về kinh nghiệm không sử dụng kháng sinh khi con ốm mà vẫn khỏi bệnh để mọi người hiểu rõ hơn.
Tại sao mọi người sợ kháng sinh nhưng hay lạm dụng?
- Thứ nhất, mọi người tưởng rằng kháng sinh chữa mọi loại viêm, do đó sử dụng tùy tiện, cứ sốt, ho, đau hay đờm là dùng kháng sinh, đặc biệt cứ bị viêm là dùng kháng sinh điều trị. Trong khi đó, kháng sinh chỉ điều trị được vi khuẩn, vì vậy kháng sinh chỉ dùng để điều trị viêm do vi khuẩn.
- Thứ 2, ở nước ta, việc bán kháng sinh dễ dàng, không như ở nước ngoài, kháng sinh chỉ được phép bán khi có bác sĩ kê toa.
- Thứ 3, mọi người thường sợ không dùng kháng sinh bệnh sẽ nặng lên, tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp thì dùng kháng sinh muộn vài ngày bệnh cũng không nguy hiểm, trừ trường hợp bệnh nặng.
- Thứ 4, viêm do virut đơn thuần không có bội nhiễm vi khuẩn, nếu điều trị kháng sinh là không chính xác và tạo điều kiện rất tốt để tạo ra sự kháng kháng sinh.
Nếu con chưa có biểu hiện nhiễm khuẩn không nên dùng kháng sinh. (Ảnh minh họa)
Lời khuyên của bác sĩ khi dùng kháng sinh
Nếu tự ý dùng hay đi khám bác sĩ, mọi người nên xem hoặc hỏi xem con có biểu hiện bệnh nặng không, có biểu hiện viêm nhiễm khuẩn không? Nếu con chưa có biểu hiện nhiễm khuẩn thì không nên dùng kháng sinh.
Thuốc luôn có 2 mặt là tác dụng chính và tác dụng phụ. Tác dụng chính là điều trị viêm do vi khuẩn, còn tác dụng phụ là ảnh hưởng chức năng gan, thận, nghe, rối loạn tiêu hóa …Vì vậy, việc hạn chế thuốc cho bé sẽ giúp bé có sức khỏe và sức đề kháng tốt hơn. Bé không phải gồng mình làm việc để thải ra khỏi cơ thể những thuốc không cần thiết.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet