Hơn một năm qua, kể từ tai nạn bỏng xăng, Bệnh viện Chợ Rẫy đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của chị Trần Thị Hoa Mai (40 tuổi, ở thôn Xuân Phong, xã An Hòa, An Lão, Bình Định). Suốt thời gian đó đến nay, chị phải đối diện với 12 ca phẫu thuật và hàng trăm, hàng nghìn nỗi đau do sẹo co rút, đôi tay bị ghim đinh kéo định hình, cơ thể và gương mặt bị hủy hoại không ai nhận ra với một sức mạnh, mong muốn duy nhất, đó là trở về nhà với con.
Chị Mai đang được điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2.
Vợ bị lửa bao trùm toàn cơ thể, chồng bất chấp nguy hiểm xông vào dập lửa
Ngồi thẫn thờ trên giường bệnh, cố cắn răng chịu đựng những cơn đau, chị Mai đưa đôi mắt nhìn xa với gương mặt đượm buồn. Hơn một năm qua, gương mặt chị Mai bị biến dạng không thể biểu hiện được trạng trái cảm xúc vì những vết sẹo chằng chịt nhưng ai cũng hiểu tâm sự, nỗi buồn sâu thẳm của chị thông qua ánh mắt.
Nhớ lại ngày 8/4/2018 - ngày mình gặp nạn bất ngờ, chị Mai kể, khi đó chị đang đổ xăng vào xe máy để chuẩn bị đi công việc, chồng chị - anh Dương Thế Dân đứng hút thuốc gần đó nên xăng đã bén lửa và phát hỏa. Khi ngọn lửa bùng lên, chị hốt hoảng thả chai xăng xuống đất nên đã khiến lửa bao trùm cả thân thể.
Thấy vậy, chồng chị đã bất chấp nguy hiểm xông vào dập lửa cứu vợ nhưng sau khi ngọn lửa dập tắt, cả 2 anh chị đều bị bỏng nặng. Chị Mai bị cháy từ đầu đến chân còn chồng chị cũng bị bỏng phồng rộp 2 tay 2 chân.
Sau khi tai nạn xảy ra, chị Mai và chồng đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh. Vì bị nhẹ hơn vợ nên sau khi bác sĩ đắp thuốc, điều trị liều đắt tiền nhất hết gần chục triệu, anh Dân đã được ra viện để trở về nhà lo liệu, vay mượn bà con, họ hàng để điều trị cho vợ.
“Hồi đó, mình bị cháy đen xì, cháy chín hết, đem vô bệnh viện, bác sĩ nói gia đình chuẩn bị tinh thần, người nhà chuẩn bị đem về. Sau đó, gia đình mình xin chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy may được bác sĩ cứu sống.
Lúc đó mình biết nhưng không nói được, không mở mắt được, huyết áp tụt xuống rất nguy kịch. 3 ngày sau tỉnh dậy nhìn thấy cơ thể, gương mặt và bao nỗi đau âm ỉ, mình không thiết sống nữa”, chị Mai nghẹn lại.
Hình ảnh chị Mai trước khi bị nạn.
Con trai phải nghỉ học đi làm, con gái "ăn nhờ ở đậu" hàng xóm khi mẹ bị nạn
Gia đình chị Mai thuộc hộ nghèo của xã miền núi, kinh tế vốn rất khó khăn, chị làm trang điểm, ông xã chụp ảnh cưới – công việc lúc có lúc không phải nuôi 2 con ăn học nên chỉ đủ trang trải qua ngày. Sau khi chị gặp nạn, con trai 18 tuổi của chị đang đi học phải bỏ dở để lên thành phố làm công nhân, phu hồ kiếm tiền trang trải, chồng chị bị thương nhưng vẫn cố gắng chăm chị ở viện, lo chạy vạy tiền điều trị, thỉnh thoảng lại tranh thủ làm thêm kiếm chút tiền. Còn cô con gái học lớp 7 của chị cũng phải ăn, ngủ nhờ nhà hàng xóm, tự lo liệu mọi việc khi bố mẹ, anh trai không có nhà.
“Thằng lớn nghỉ học đi làm phu hồ được 6 triệu tháng, làm thêm nữa là 7,5 triệu, cứ ngày đi làm đêm lại vào chăm mẹ. Bé nhỏ nhà mình mấy ngày sau vào thăm nhìn thấy mẹ lần đầu sợ quá khiến mình quặn thắt tim lại”, chị Mai nghẹn ngào nhớ lại.
Con trai 18 tuổi phải nghỉ học đi làm còn con gái học lớp 7 phải ăn ngủ nhờ hàng xóm những ngày mẹ đi viện.
Chị Mai bảo, suốt 1 năm qua, chồng và 2 con chính là động lực cho chị không còn nghĩ đến cái chết nữa. Mặc dù con gái chị sợ khi nhìn thấy mẹ lần đầu nhưng về sau bé đã quen dần, động viên mẹ và chăm sóc vết thương, làm tất cả mọi việc cho mẹ mỗi khi mẹ về nhà. Con trai lớn của chị tan giờ làm lại vào trong viện đỡ bố chăm mẹ, vệ sinh vết thương và túc trực bên mẹ 24/24.
“Ông xã thường hay động viên mình gắng có sức khỏe đi phẫu thuật, sống với cha con ông, có gì ông vay mượn lo.
Các con cũng cứ động viên bảo “Mẹ cố gắng sống vì con đừng tự ti gì hết, miễn sao mẹ sống cùng tụi con là được rồi” nên mình cũng mừng, vì các con cố gắng sống. Đi mổ lần nào các con cũng động viên như vậy.
Con gái bảo mình “Mẹ đừng buồn gì hết trong mắt con mẹ là người mẹ vĩ đại nhất” rồi khóc. Mỗi lần mẹ được về nhà là con lại ôm mẹ ngủ, tắm gội làm hết cho mẹ vì chân tay co rút mình đâu làm được gì, ăn cũng phải có người đút.
Năm vừa rồi, con được học sinh tiên tiến, định bỏ học đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ, mình phải động viên con ráng đi học”, đôi mắt chị Mai đỏ hoe, hai hàng nước mắt lăn dài.
Hơn 1 năm qua chị phải trải qua 12 ca phẫu thuật, chiến đấu với tử thần giành lại sự sống.
"Mình muốn xin về nhà sớm để sống với con được ngày nào hay ngày đó"
Suốt hơn 1 năm qua, chị Mai phải trải qua 12 ca phẫu thuật. Cơ thể chị chằng chịt vết bỏng, đến giờ chị cũng không biết đâu là sẹo do bỏng xăng, đâu là sẹo do bác sĩ lấy da đắp lên mặt để chữa trị.
Được biết, để có chi phí điều trị, gia đình chị phải bán hết đồ đạc có giá trị trong nhà và cầm cố cả ngôi nhà để vay mượn, đến nay chẳng còn lại gì. Chị Mai cho biết, vì tay bị sẹo co rút, chị được ghim đinh kéo cố định để chuẩn bị bước vào cuộc phẫu thuật tiếp theo và chị phải thực hiện 2 ca phẫu thuật rồi vật lý trị liệu nữa cho đôi bàn tay mới có thể đỡ đau, cử động được. Tuy nhiên, khi chuẩn bị phẫu thuật bàn tay, chị gặp vấn đề mũi không thở được, phải làm xét nghiệm, mổ gấp vì sợ nguy hiểm.
Ca phẫu thuật sắp tới của chị khá khó khăn và tốn kém chi phí bởi nếu chị không thở được, bác sĩ phải mổ để đặt ống thở dưới cổ.
Đứng trước những ca phẫu thuật sắp tới của chị, gia đình cũng không biết phải xoay sở ra sao. Nhìn thấy vợ, thấy mẹ như vậy, chồng và các con của chị lại quặn lòng bất lực vì "sức cùng lực kiệt", trong nhà chẳng còn gì để cầm cố có tiền nữa. Hiện nay, chi phí mua thuốc ngoài điều trị cho chị hết 1,4 triệu mỗi ngày, 21 ngày qua gia đình cũng phải chật vật mới có được, đến giờ số tiền lớn cho ca phẫu thuật lên tới cả trăm triệu, gia đình chị chẳng biết chạy vạy đâu được nữa.
Gia đình sức cùng lực kiệt, chị không biết phải làm sao để có cơ hội sống bên chồng và các con lâu hơn nữa.
Tay chị bị sẹo co kéo phải 5 lần 7 lượt ghim đinh kéo cố định.
Nhìn chị ngồi trên giường bệnh sau ca phẫu thuật cách đó ít ngày, nhìn đôi tay chị cong vẹo phải 5 lần 7 lượt ghim đinh kéo định hình và phải chịu đựng hàng nghìn nỗi đau thấu trời có lẽ ai cũng quặn thắt lòng lại. Đặc biệt khi nghe chị nói trong nước mắt xin bác sĩ ra viện khi đã đỡ đau để bớt chi phí phần nào.
“Sau bao đau đớn tận cùng của 12 ca phẫu thuật giờ đây bác sĩ bảo đường thở của mình có nguy cơ co thắt, tắc thở bất kỳ lúc nào khi ngủ nên phải phẫu thuật gấp, sớm lúc nào hay lúc đó nhưng...
Thôi mình muốn xin về nhà sớm để sống với con được ngày nào hay ngày đó chứ mình cũng không thể làm gì khác hơn được nữa”, chị Mai khóc nấc.
Chị Mai tâm sự, chị không biết ngày mai, ngày kia và những ngày sau nữa của mình sẽ ra sao nhưng suốt 1 năm qua chị cố gắng được đến giờ đều là vì chồng, vì 2 con. Và chị sẽ cố gắng hơn nữa để được trở về với các con, ở bên cạnh các con, “Mẹ không lành lặn được như trước nhưng mẹ lúc nào cũng ở bên cạnh các con, các con hãy cố gắng lên”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet