Vào hồi 14h chiều ngày 27/8 chị Đậu Thanh Thủy (KĐT Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) rụng rời chân tay khi nhận được điện thoại của các cô giáo trường mầm non Thiên thần nhỏ (Số 9, BT6, KĐT Việt Hưng) nói rằng cháu Trần Nhật Hương (12 tháng tuổi), con út của gia đình đang cấp cứu tại bệnh viện Đức Giang. Ngay sau khi nhận được hung tin, chị cùng gia đình tới bệnh viện nhưng đã muộn, các bác sĩ tại đây cho biết cháu đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Nguyên nhân ban đầu được các bác sĩ cho rằng cháu bị sặc cháo. Trước đó chị mới gửi cháu ở trường từ ngày 26/8, tính đến thời điểm cháu mất chưa đầy 2 ngày.
Ảnh ngôi trường mầm non Thiên thần nhỏ nơi xảy ra sự việc.
Sự việc đau lòng của cháu Hương làm xôn xao dư luận và thổi bùng lên ngọn lửa về vấn đề an toàn của trẻ khi gửi con đến học tại các nhà trẻ, mẫu giáo hiện nay. Một lần nữa, câu hỏi về vấn đề trách nhiệm và chuyên môn sư phạm của các cô giáo mầm non lại được đặt ra. Cần nhớ, đây không phải là sự việc bê bối đầu tiên của nghành giáo dục mầm non.
Liên tiếp trẻ bị bạo hành ở trường mầm non
Còn nhớ, vụ việc trẻ bị cô giáo đánh tím mắt vì uống sữa chậm: Chiều ngày 7/4 anh Nguyễn Đắc Thanh, 29 tuổi ở Tổ 5, ấp A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM đến trường đón con gái là Nguyễn Thị Thúy H., 5 tuổi đang học lớp chồi tại trường mầm non tư thục Đô Rê Mi ở A1/40D Ấp 1 về thì phát hiện mắt trái con bị bầm tím. Sau khi hỏi con, anh Thanh được biết bị cô giáo dùng cây đánh vào mắt do uống sữa chậm. Trong khi đó, cô giáo Lê Thị Mỹ Dung cho biết: “Vết bầm ở mắt là do hai bé cào nhau trước giờ uống sữa chứ không phải như gia đình cháu H, nói là đánh bé do bé uống sữa chậm”. Tuy nhiên, cô Dung thừa nhận là “chỉ có đánh vào mông cháu một cái khi cháu uống sữa chậm chứ em không có đánh vào mắt”. (!?)
Trước đó, dư luận đã tưng xôn xao một clip trên mạng internet quay cảnh 2 em nhỏ trường Mầm non Lê Quý Đôn, quận Hai Bà Trưng bê thùng inox đựng cơm từ trên tầng 4 xuống tầng 1. Cũng theo chia sẻ này, chỉ vì những cậu bé tội nghiệp đó được cho là to lớn và nhanh nhẹn trong lớp nên các cô giáo đã “ưu ái” giao cho “trọng trách” mang xoong nồi, thùng cơm, thùng canh từ tầng 4 xuống tầng 1, trong khi các bạn khác ăn xong thì được đi ngủ. Các em này chỉ được đi ngủ khi nào đã “xong việc”. Trước sức ép dư luận, nhà trường đã tổ chức cuộc họp để xem xét xử lý vụ việc và đã quyết định hình thức xử lý kỷ luật khiển trách, cắt các danh hiệu thi đua cả năm học 2012-2013 đối với cô giáo Nguyễn Thị Hồng. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều phụ huynh lo ngại rằng mức kỷ luật này là chưa thích đáng.
Phụ huynh gửi con đi trẻ mà lo nơm nớp
Từ những vụ việc trên, ngày càng có nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại khi đưa con đi gửi trẻ. Chị Nguyễn Thúy Hồng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Sáng nay đến chỗ làm, mình vừa nghe được thông tin xôn xao về vụ bé Hương bị tử vong sau 2 ngày đến lớp. Trưa về ăn cơm kể cho bà nội nghe, bà tuyên bố luôn: Để con Nhím ở nhà bà trông. Từ giờ không có gửi trẻ với mầm non gì hết. Thú thật mình cũng thấy sợ”.
Cũng cùng chung nỗi lo lắng này là chị Đặng Thu Hà (Bạch Mai, Hà Nội). Chị tâm sự “Trước giờ tôi vẫn hay nghe thông tin về chuyện cô giáo mầm non đánh trẻ thâm tím chân tay, nhồi nhét các cháu, bắt đứng phạt, bê đồ nặng, nhét giẻ vào miệng…Thôi thì đủ cả. Vậy nhưng vì hoàn cảnh gia đình, tôi vẫn phải cắn răng đưa con đi gửi trẻ. Tuy nhiên, đến thông tin lần này có trẻ tử vong ở trường mầm non thì quả thật tôi không thể “ngoan cố” được nữa. Mỗi khi đang làm, thấy số cô giáo gọi là tôi lại thót tim. Chắc phải cho con nghỉ thôi.”
Trên mạng, thông tin về vụ cháu Hương tử vong cũng đang khiến rất nhiều chị em xôn xao. Trên một trang diễn đàn dành cho các bà mẹ, rất nhiều chị em bày tỏ nỗi xót xa và cảm thông sâu sắc trước sự ra đi quá đột ngột của bé. Người thì lo ngại “Thương bé quá. Mong bố mẹ cố gắng vượt qua. Con mình 14 tháng thấy bé bỏng vô cùng, còn lo không biết 2 tuổi đã nên cho đi học hay chưa.”, người lại dứt khoát “Mình chẳng yên tâm giao con cho ai cả, khi nào 3 tuổi biết nói, biết mách mẹ mới cho đi mẫu giáo”.
Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại khi đưa con đi gửi trẻ (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng lỗi cũng là ở phụ huynh. Như thành viên Decoraotor chia sẻ: “Chắc là các cô ép con ăn nhiều quá mới dẫn đến tình trạng sặc cháo như vậy. Tuy nhiên mình nói cái này có thể nhiều mẹ ném đá mình. Theo mình cái tình trạng nhồi, ép các con ăn ở lớp 1 phần là tại phụ huynh (không phải tất cả nhưng mà rất nhiều). Con đi lớp hơi gầy 1 tẹo là bố mẹ xót, con đi lớp tăng cân thì bố mẹ vui. Hôm mình cho con mình đi nhập học, có 1 bố cũng đến tìm hiểu để gửi con, bố đấy bảo các cô rằng các cháu còn bé thì các cô chẳng cần dạy dỗ gì, chủ yếu là chăm cho cháu ăn chứ cháu ở nhà lười ăn lắm, làm sao cho cháu ăn nhiều, tăng cân là được. Mình thì khác, mình cho con đi lớp là để con có bạn, để con vui chơi, múa hát, rồi quy củ chẳng hạn chơi xong thì phải dọn đồ, ăn thì ngồi 1 chỗ. Từ ngày đầu con đi lớp, mình luôn dặn các cô là con không ăn các cô không cần phải ép, ở nhà mẹ cũng không ép, ăn được bao nhiêu thì ăn. Hôm nào các cô than phiền con không ăn thì mình cũng động viên ngược lại các cô, bảo các cô cứ yên tâm, con không ăn ở lớp, về nhà con đói tự phải ăn.”.
Thiết nghĩ, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để cho con ở nhà đến khi biết nói, biết mách mới cho con đi mẫu giáo. Tình trạng bạo hành trẻ khi đi học mầm non cũng chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Phụ huynh không nên quá lo lắng hay “tẩy chay” việc cho con đi học nhà trẻ bởi môi trường mẫm non là nơi đầu tiên các bé được tiếp xúc với bạn bè, được học múa, học hát, là nơi đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Giữ con ở nhà và bao bọc quá kỹ cũng sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt cho bé, dễ dẫn đến tình trạng trẻ bị tự kỷ, nhút nhát, quen ý lại và thiếu tính tự lập, khả năng hòa nhập kém. Tìm hiểu kỹ và lựa chọn trường phù hợp với trẻ sẽ là giải pháp tốt nhất cho các bậc phụ huynh có con đến tuổi mầm non.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet