Câu nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” có lẽ đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhà nội nên khi sinh đứa con trai đầu lòng xinh như thiên thần, tôi không được nhà chồng thương yêu, cưng chiều, ngược lại còn bị ghét bỏ, xách mé đủ điều.
Con không giống cha, cũng không giống bất cứ người nào trong dòng họ nội, đâu có phải lỗi tại tôi? Nhưng nếu được chọn, tôi cũng chẳng chọn nét của bên nội mà giống vì thú thật thì ai cũng..xấu! Ấy vậy mà sinh ra một bé trai xinh xắn, kháu khỉnh với những mắt thanh mày tú, cái miệng bé xíu chúm chím, cằm lại chẻ nhẹ, mắt hai mí rành rạnh, làn da trắng hồng chẳng khác nào thiên thần, lại bị mẹ chồng hậm hực, kiếm chuyện “đá thúng đụng nia” mà xiên xỏ mỗi ngày. Thiệt phát mệt!
Chín tháng bầu bì, tuyệt nhiên tôi không hành hạ chồng hay nhà chồng như bất cứ bà bầu “xấu tính” nào với chuyện nay thèm món này, mai muốn ăn món kia. Tôi cũng có suy nghĩ, sinh con là sinh cho mình, không phải cho thiên hạ, nên tránh cái kiểu có bầu muốn gì được nấy để mai mốt sinh con ra không như ý thích của họ nội lại bị mang tiếng và khó xử. Dù tôi đã “biết điều” vậy mà cuối cùng cũng không tránh khỏi khổ sở.
Ngày đầu tiên bé chào đời, nhìn nét mặt…không giống ai bên nội đã khiến mẹ chồng tôi sa sầm mặt xuống. Cộng thêm đó, trong 3 ngày nằm hồi sức, bất cứ người quen, bạn bè, họ hàng nào đến thăm cũng trầm trồ “thằng bé xinh quá! Cái mũi cao chưa kìa, giống y đúc mẹ và bà ngoại nhe!”, rồi chưa kể có người thành thật, thăm bé xong phán một câu “sao chẳng thấy giống ba tí nào vậy? Còn bé mà khôn quá toàn lựa nét đẹp mà giống đây mà!” khiến mẹ chồng như sôi gan thêm. Lúc đầu, nghe những nhận xét đó, bà lườm lườm khách, sau lại nguýt háy tôi rồi khi ẵm cháu lên, bà săm soi từng chi tiết trên gương mặt để tìm ra điểm giống, mãi không tìm thấy, bà bực dọc để cháu xuống và không thèm đụng tới nữa.
Thấy thái độ của mẹ chồng kỳ quặc, tôi mang chuyện nói với chồng, chồng lại đi hỏi ngược lại, mẹ mệt hay sao không thấy chăm sóc cháu nội thì nhận ngay một gáo nước lạnh “nó có giống tôi, giống anh đâu mà bảo là cháu, sao tôi phải chăm? Nó giống họ ngoại thì nói họ ngoại vào mà chăm!” làm cả tôi và chồng đều chết trân. Cứ thế, bà tới bệnh viện được vài phút, hễ có ai vào thăm là đứng dậy bỏ ra ngoài để không phải nghe cái câu “giống bên ngoại” dù thi thoảng tôi cũng thấy bà đứng ngó cháu với ý muốn bế…
Viễn cảnh gia đình hạnh phúc vì tôi sinh được con trai đầu lòng, lại đẹp như "thiên thần" bây giờ đã chẳng còn (ảnh minh họa)
Nghĩ chắc tính tình người già thường tự ái, một vài bữa chắc chuyện lại đau vào đấy, cháu con ai lại không thương, không lo cho được. Vậy mà khi tôi và con xuất viện về nhà, cũng chỉ có chồng và mẹ ruột vào lăng xăng lo lắng, bà mẹ chồng bật vô âm tín. Hỏi chồng thì chồng bảo mẹ buồn nên đi du lịch với bạn bè. Tôi sôi ruột lên, con dâu vừa đẻ mà bà lại thảnh thơi đi chơi, ở đời làm gì có cái đạo lý đó? Suốt tuần lễ đó, tôi phải nhờ mẹ ruột qua “trực chiến” giúp chăm cháu và kiêm luôn cơm nước trong nhà. Một mình mẹ tôi hết chăm cháu, tắm cháu, thay bỉm, dọn dẹp lại quay ra đi chợ, nấu cơm cho cả ông thông gia và gia đình chồng. Mọi công việc buôn bán dang dở ở nhà, bà đành nói khéo với bố đẻ để thông cảm cho bà. Vậy mà, sau khi đi chơi về, thay vì cảm ơn mẹ tôi đã vất vả thay bà cả tuần thì mẹ chồng lại nổi cơn ganh tị, “nanh nọc” bóng gió, cho rằng tôi sinh con cho nhà ngoại giờ lại rước cả mẹ ruột vào làm chủ gia đình!
Tính mẹ đẻ tôi hiền lành trước giờ chẳng muốn hiềm khích với ai nên bà cũng cười xòa coi như không có gì. Vẫn cơm nước lên mời bà thông gia ngồi ăn. Vậy nhưng mẹ chồng tôi ngúng nguẩy “Canh khoai tây mà lại bỏ cà chua vào? Nhà tôi chẳng ai ăn thế bao giờ. Chị nấu lạ thật đấy. Sau đừng có nấu cho thằng cu nhà này ăn như thế. Đau bụng có ngày”
Đến lúc này thì tôi không còn nín nhịn và giả ngơ được nữa. Tôi cũng có cái ức của mình, của phận sinh con đẹp cho nhà chồng lại bị đối xử còn thua người dưng nước lã ngoài đường. Là tôi thì tôi nhín nhịn, chứ động đến mẹ tôi, con tôi thì tôi không thể để yên. Tôi lớn tiếng “Mẹ đừng có bóng gió xa gần nữa. Con sinh cháu đẹp cho mẹ cũng là cái tội sao?” Bà nghe xong câu đó lại lồng lộn chỉ vào mặt tôi mà quát “sinh con không giống nhà nội thì coi như chưa sinh, chị liệu hồn đi, tôi không chấp nhận!”.
Đến nước này thì quá quắt! Tôi gạt nước mắt giục mẹ đẻ dọn đồ rồi cùng về ngoại. Từ đó đến nay đã được 2 tuần, chồng có qua đón tôi về nhưng tôi cũng vẫn chẳng màng. Nghĩ tới uất ức mà mình phải chịu, tôi còn không muốn cho bà nội nhận cháu.
Theo tâm sự của đôc giả ở địa chỉ mail yen_nhi.........@..............
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet