Cho con bú là một bản năng tự nhiên của người mẹ, nhưng không phải vì thế mà mẹ không cần học hỏi hay tìm hiểu về nó. Trái lại có rất nhiều kiến thức xung quanh vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ và những điều này có thể thay đổi tùy vào từng thời điểm trong độ tuổi của bé yêu. Để giúp mẹ thành thục nhất có thể trong vấn đề này, xin giải đáp 12 câu hỏi cho 12 tháng mẹ cho bé “tu ti”.
Tháng đầu tiên: Con ngậm ti thế này đã đúng?
Hướng dẫn trẻ sơ sinh ngậm ti mẹ đúng cách là điều không hề đơn giản và có vai trò hết sức quan trọng. Nếu ngậm ti không chuẩn trẻ có thể không bú đủ sữa và dễ dẫn đến những tổn thương ở đầu núm vú cho mẹ. Do đó, mẹ cần có sự chuẩn bị từ tư thế ngồi cho đến cách bế em bé rồi cách đưa đầu ti vào miệng trẻ một cách hợp lý:
- Mẹ chọn tư thế nằm hoặc ngồi thoải mái nhất để người bé áp sát vào người mẹ.
- Kết hợp tay và gối (nếu cần) để đỡ em bé sao cho miệng em bé ngậm vừa khít núm vú.
- Nghiêng đầu em bé về phía bầu ngực một chút và nhẹ nhàng chạm núm vú vào môi trên của trẻ. Nếu cần thì vắt nhẹ nhàng một ít sữa để tác động vào môi trẻ.
- Khi miệng bé mở rộng, đưa núm vú sào sâu trong miệng trẻ bằng cách kéo trẻ lại gần bầu ngực hơn để trẻ ngậm được quầng vú ở mức tối đa.
Tháng thứ hai: Làm thế nào để biết em bé đã bú đủ sữa hay chưa?
Đây là một câu hỏi rất phổ biến đối với các bà mẹ cho con bú, bởi vì sữa trong bầu ngực mẹ không dễ dàng đong đếm như đựng trong một chiếc binhg và vì thế mẹ không biết trẻ đã bú bao nhiêu. Để đảm bảo mẹ đã cho trẻ bú đủ lượng cần thiết, cách chính xác nhất đó là theo dõi trọng lượng cơ thể trẻ trong một vài tuần đầu tiên. Ngoài ra, mẹ cũng có thể theo dõi việc tu ti của trẻ hàng ngày bằng cách đếm số lượt thay tã cho trẻ. Thông thường, đối với trẻ sơ sinh trong 1-2 tháng đầu, mỗi ngày trẻ sẽ tè ướt trong khoảng từ 6 đến 8 chiếc tã giấy và có 2 lần “ị thối”. Nếu trẻ lên cân đều đặn và lượng nước tiểu và phân của trẻ không có gì bất thường thì có nghĩa là mẹ đã cho trẻ bú hợp lý.
Nếu bé lên cân đều tức là đã nhận đủ lượng sữa cần thiết (ảnh minh họa)
Tháng thứ ba: Mẹ cần chuẩn bị gì để vẫn đảm bảo sữa cho trẻ bú trong thời gian đi làm trở lại?
Việc quay lại với công việc là điều không sớm thì muộn nhiều bà mẹ phải chuẩn bị. Trước hết, khi bắt đầu đi làm lại sau sinh mẹ cần nói rõ với đơn vị sử dụng lao động rằng mình nuôi con bằng sữa mẹ và cần được tạo điều kiện để có thêm thời gian và địa điểm dành cho việc vắt sữa cho con. Tiếp đến mẹ cần lên kế hoạch cụ thể để tập cho trẻ bú bình, và có những dụng cụ cũng như thời gian biểu cho việc vắt sữa, cấp đông và bảo quản sữa để em bé luôn có sữa mẹ để bú ngay cả khi không có mẹ ở bên cạnh.
Tháng thứ tư: Nếu mẹ muốn uống một chút đồ có cồn thì liều lượng và thời gian uống như thế nào là hợp lý để trẻ bú mẹ không bị ảnh hưởng?
Nhìn chung, trong thời gian cho con bú, mẹ vẫn có thể uống chất có cồn nhưng với một lượng nhỏ: với bia là khoảng 240ml, với rượu vang là khoảng 180 ml và phải sau ít nhất là 2-3 giờ mới được cho trẻ bú.
Tháng thứ năm: Có phải trẻ bú mẹ thường khó ngủ qua đêm hơn trẻ uống sữa công thức?
Nhận định này có một phần đúng, vì nó xuất phát từ nguyên nhân sữa mẹ được tiêu hóa nhanh hơn so với sữa công thức, do đó trẻ bú mẹ dề bị thức giấc để đòi ti hơn là trẻ uống sữa công thức. Tuy nhiên, việc trẻ bú sữa mẹ hay sữa công thức không ảnh hưởng quá nhiều đến việc ngủ qua đêm của trẻ. Bởi vì nhịp sinh học của mỗi trẻ là khác nhau và đối với trẻ sơ sinh ở thời điểm này thì giấc ngủ qua đêm của trẻ chỉ là khoảng 5 đến 6 giờ chứ không phải là 8 đến 9 giờ được. Và thường các em bé sẽ bắt đầu bỏ thói quen thức đêm khi trẻ đã sẵn sàng chứ không phải vì trẻ bú mẹ hay uống sữa công thức.
Tháng thứ sáu: Nên bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm như thế nào?
Trẻ 6 tháng tuổi, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất đối với trẻ, tuy nhiên, mẹ nên bắt đầu tập cho bé ăn dặm. Đầu tiên, nên cho trẻ làm quen vài lần với một vài miếng nhỏ bột gạo hoặc bột ngũ cốc dinh dưỡng. Dần dần, mẹ có thể chế biến thêm rau xay nhuyễn hoặc nước rau, tiếp đến là thịt. Lưu ý là bé cần thời gian khoảng 3-5 ngày trước khi mẹ giới thiệu một loại thực phẩm mới cho trẻ và cần đi từ một lượng nhỏ trước.
Tháng thứ bảy: Đang cho con bú có dùng thuốc tránh thai được không?
Mẹ có thể dùng thuốc tránh thai kể từ tuần thứ bảy sau sinh trở đi với điều kiện loại thuốc tránh thai mà mẹ uống chỉ có chứa hoạt chất progestin mà không có thành phần estrogen vì estrogen có khả năng làm giảm lượng tiết sữa của bà mẹ cho con bú.
Tháng thứ tám: Nguyên nhân dẫn đến tắc tuyến sữa và cách xử lý?
Đến thời điểm này, nhiều trẻ có xu hướng lười bú mẹ hơn vì đã có thức ăn dặm thay thế. Nếu lượng sữa tiết ra không được hút ra đều đặn và thường xuyên thì dễ dẫn đến hiện tượng tắc tuyến sữa. Cách đơn giản để điều trị cương sữa đó là dùng biện pháp chườm nóng bằng một chiếc khăn ấm, uống nhiều nước và nếu trẻ không bú mẹ thì nên dùng đến dụng cụ hút sữa. Nếu cương sữa dẫn đến sốt hoặc các triệu chứng khác thì mẹ cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa vì rất có thể mẹ đã bị viêm tuyến vú hoặc bị nhiễm trùng do tắc tuyến sữa lâu ngày gây ra.
Tháng thứ chín: Làm thế nào để trẻ ngừng cắn ti mẹ?
Khi trẻ đã có những chiếc răng ngà xinh xắn thì việc đôi khi bé dành cho mẹ những cái nghiến vào đầu ti thì không dễ chịu chút nào. Mỗi lần bị bé cắn, mẹ cần nói thành tiếng: “Không cắn mẹ!” và rút vú ra khỏi miệng trẻ. Thông thường, trẻ sẽ cắn mẹ vào thời điểm cuối bữa ăn khi trẻ đã lửng dạ. Vì vậy, khi cảm thấy trẻ đã ti đủ thì mẹ nên cho trẻ thôi bú.
Khi mọc răng, trẻ sẽ rất thích nhằn cắn ti mẹ (ảnh minh họa)
Tháng thứ mười: Trẻ không còn quan tâm đến ti mẹ nữa – điều đó có bình thường không?
Điều này là hoàn toàn bình thường với độ tuổi này của trẻ. Đây là thời gian bé tập trung vào việc tò mò khám phá thế giới hơn là việc chăm chú vào bầu ngực của mẹ. Trẻ có thể dễ dàng bị phân tâm bởi tiếng ồn và ngay lập tức rời miệng khỏi ti để ngoái ra ngó nghiêng. Điều này có thể khiến mẹ cảm thấy khó chịu, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là thời gian thích hợp để cai sữa cho trẻ vì thế hãy cố gắng để vượt qua nó.
Tháng thứ mười một: Khi trẻ đã ăn dặm tốt thì nên cho trẻ bú một ngày mấy lần?
Câu trả lời là khoảng bốn lần. Trẻ ở độ tuổi này nên bú khoảng 16 đến 20 ounces sữa mẹ một ngày bởi vào thời gian cuối của năm đầu tiên thì một nửa lượng calo trẻ cần nhận được vẫn nên từ sữa mẹ.
Tháng thứ mười hai: Nếu chưa sẵn sàng cai sữa, có nên tiếp tục cho con bú?
Các mẹ có biết điều tuyệt vời nhất đối với sức khỏe của trẻ là sữa mẹ. Có thể em bé của mẹ đã một năm tuổi nhưng điều đó không có nghĩa là bé không cần đến sữa mẹ nữa. Sữa mẹ sẽ không chỉ giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật mà nó còn giúp trẻ nhanh chóng bình phục khi không may mắc bệnh. Do đó, nếu không có lý do gì quá lớn để phải cai sữa cho trẻ sớm thì mẹ vẫn nên tiếp tục cho con bú bởi đó là một niềm hạnh phúc rất lớn đối với trẻ!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet