Con trai em được 15 tháng tuổi. Em cho con dùng sữa mẹ hoàn toàn hết 6 tháng đầu rồi bắt đầu ăn bột dặm từ tháng thứ 7 tới tháng thứ 12. Được 1 tuổi, em cho con ăn cháo. Từ lúc bắt đầu ăn bột, con em đã lười ăn và càng ngày càng lười. Em thử cho con ăn bột, cháo, cơm nhưng đều không được một tí nào vào miệng.
Bây giờ em không thể cho được bất kỳ cái gì vào miệng con, trừ một ít hoa quả và bú mẹ cả ngày. Em có sử dụng cốm Bio, Traly IQ, Pepsin B1... nhưng con em không chịu uống mà phì ra hết. Nhiều lần em để con nhịn từ sáng tới 11h nhưng con vẫn không chịu ăn, em sợ con đói lại phải cho bú. Em đã thử cho con uống sữa ngoài, ăn váng sữa... cũng không được. Câu chuyện nghe có vẻ rắc rối nhưng thực sự em đang phải cho con bú mẹ hoàn toàn. Xin các chuyên gia tư vấn giúp.(Hải Bình)
Ảnh minh họa: Thechart.blogs.cnn.com. |
Trả lời
Chào bạn,
Như vậy con bạn đã bị biếng ăn trong thời gian quá dài. Có lẽ cách cho ăn bổ sung cho bé chưa hợp lý nên ngay từ lúc 7 tháng bé đã không ăn được. Khi không ăn được bé sẽ càng yếu, và càng yếu bé lại càng không muốn ăn, đó là vòng luẩn quẩn sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng.
Nguyên tắc ăn bổ sung cho bé phải chế biến bột hoặc cháo từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, thay đổi các món thường xuyên. Trẻ con không phải người lớn thu nhỏ, bộ máy tiêu hóa của bé cũng phải hoàn thiện dần, bé ăn gì cũng phải có quá trình làm quen dần với thức ăn mới.
Khi bé không chịu ăn có thể là do bé cảm thấy không đói, buồn ngủ hoặc có thể do mệt mỏi. Bên cạnh đó, bé lại bú mẹ suốt ngày nên thấy ngang dạ, không có cảm giác đói nên không muốn ăn. Lượng sữa mẹ thời gian này lại không đủ đáp ứng cho bé, làm bé no không ra no, đói không ra đói. Bé ăn không ra bữa nên thấy đói lại đòi mẹ cho bú, vô hình chung làm bé “nghiện ti mẹ”. Đây chỉ là thói quen mà thôi.
Để có thể khắc phục, thay vì cố ép con ăn, bạn nên giãn khoảng cách giữa 2 bữa, cho bé nghỉ ngơi, chơi, hoặc dắt bé đi bộ cho bé có cảm giác đói. Mặt khác bạn có thể thay đổi cách chế biến thức ăn cho bé, món ăn nào bé không thích, trước mắt nên tạm ngừng và thử thay bằng các món ăn mới, nhưng nhớ là cho ăn thử ít một, có thể chế biến dưới dạng lỏng, mềm vì bé mệt nếu chế biến có độ cứng cao bé sẽ không muốn nhai.
Có thể tận dụng cảm giác khát cho bé ăn, món ăn nên có màu sắc đẹp của thức ăn để hấp dẫn bé. Khi bé ăn dù số lượng ít cũng được, nên động viên khuyến khích bé. Tuyệt đối không cho bé ăn vặt, không ăn uống đồ ngọt, váng sữa trước bữa ăn kể cả nước hoa quả và bú mẹ, mà chỉ cho bé sử dụng sau khi ăn mà thôi.
Nếu có người giúp đỡ, lúc bé lên cơn “nghiện ti mẹ”, bạn có thể tạm lánh để nhờ người trong gia đình cho bé ăn dù ít cũng được. Ngoài ra việc bổ sung các vitamin và khoáng chất, men tiêu hóa trong giai đoạn này là cần thiết, nhưng cần có sự tư vấn của bác sĩ, tránh hiện tượng dùng tràn lan đôi khi lại dẫn đến tác dụng không tốt. Khi bé ăn no, đủ chất bé sẽ khỏe mạnh hơn và tất nhiên nhu cầu bú mẹ sẽ giảm đi.
Bạn cần sớm cho bé đi khám dinh dưỡng để được hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc và nuôi dưỡng bé nhé.
Mong con bạn sớm vượt qua giai đoạn biếng ăn này.
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi
Phòng khám Dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet