Hỏi cô giáo thì cô bảo không hề đánh mắng cháu, cháu vào chỉ khóc khoảng nửa tiếng rồi lại chơi với các bạn bình thường. Bố mẹ đã dỗ dành rất nhiều cách nhưng cháu vẫn chứng nào tật ấy. Dường như đi lớp là nỗi sợ của cháu vậy.
Lúc tâm sự với cháu thì cháu bảo nhớ bố, mẹ nên khóc. Anh chị tôi dùng nhiều cách mà vẫn chưa cải thiện được tình hình. Tôi nhờ chuyên gia tư vấn để giúp anh chị tôi có cách giáo dục cháu hợp lý. (Phó Đình Tuệ)
Ảnh minh họa: MT. |
Trả lời:
Cho trẻ đi học mẫu giáo là bước ngoặt lớn đối với trẻ và cả gia đình. Thời gian đầu đến trường việc trẻ khóc là bình thường bởi chúng bị tách ra khỏi môi trường quen thuộc và những người thân thiết nên thấy lạ lẫm, sợ hãi. Tuy nhiên, hiện tượng trẻ khóc khi mới đi học thông thường chỉ diễn ra khoảng một đến hai tuần. Với trường hợp trẻ khóc kéo dài cả tháng, thậm chí cả năm thì gia đình cần xem xét để có biện pháp can thiệp phù hợp.
Trước hết, việc trẻ khóc quấy ngay cả khi đi học đã lâu có thể do nguyên nhân khách quan từ trường lớp, cô giáo… hay nguyên nhân chủ quan do trẻ nhút nhát , mè nheo… Gia đình cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân để có cách xử lý đúng.
Đầu tiên, bạn hãy quan sát kỹ hơn biểu hiện của con về sức khỏe, tâm lý, tính cách sau khi ở trường về. Trò chuyện hỏi con về các hoạt động trên lớp, về tình cảm của con với cô giáo, bạn bè. Cũng nên kết hợp tìm hiểu những vấn đề về chất lượng trường thông qua người quen, hàng xóm, những người đã và đang có con gửi ở trường. Nếu bên cạnh việc quấy khóc khi đưa đến lớp, trẻ còn có các biểu hiện khác thường ở nhà như sợ khi nói về lớp, về cô giáo, trở nên lầm lì ít nói... thì bạn có thể cân nhắc cho con chuyển tới trường phù hợp hơn. Bởi những năm học đầu đời rất quan trọng đối với trẻ, nó tạo ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí trẻ về trường lớp, thầy cô, bè bạn, ảnh hưởng lớn đến hứng thú của trẻ với việc học sau này.
Nếu bạn xem xét thấy mọi nguyên nhân khách quan đều ổn, trẻ quấy khóc chỉ do bản thân nhút nhát hay thường mè nheo bố mẹ thì bạn có thể thay đổi bằng cách điều chỉnh một số cách thức giáo dục trẻ như sau:
+ Gia đình không nên bao bọc con quá kỹ, hãy tạo điều kiện cho trẻ giao lưu tiếp xúc nhiều với môi trường xung quanh như: cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, khuyến khích trẻ tự kết bạn, giảm dần sự chú ý tới trẻ mỗi khi ở nơi tập thể.
+ Ở nhà bạn có thể cùng trẻ lập một nhật ký đi học ngộ nghĩnh treo trên tường, bạn hãy rủ trẻ tự theo dõi nhật ký đi học của mình với quy tắc mỗi ngày đi học trẻ không khóc nhè sẽ được dán một ngôi sao, bông hoa, hay phiếu bé ngoan… và ngược lại.
+ Hằng ngày bạn có thể kể cho trẻ nghe các câu chuyện về bạn Thỏ đi học ngoan, bạn Ong chăm chỉ, khơi gợi những niềm vui khi đến lớp để vun đắp hứng thú đi học cho trẻ.
+ Cha mẹ không nên tỏ ra quá bịn rịn dỗ dành hay lo lắng trước mặt trẻ, hãy tiễn trẻ đến trường với nụ cười tươi tắn, nét mặt rạng rỡ và dặn dò “con đi học ngoan nhé”.
+ Gia đình hãy trò chuyện động viên nhưng đồng thời cũng cần nghiêm khắc thiết lập dần một số nội quy với trẻ để trẻ độc lập, tự tin hơn.
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thế Anh
trường mầm non Hoàng Gia
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet