Cháu ở nhà với mẹ đến đầu năm học vừa rồi mới đi học mẫu giáo. Cháu không muốn đi học mà thích ở nhà xem phim hoạt hình. Xin hỏi có phải con tôi chậm nói không và nên làm thế nào để cháu nói tốt? (Thục Nhi)
Ảnh minh họa: Newsinmind.com. |
Trả lời:
Chào bạn,
Có hai vấn đề mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn như sau:
Thứ nhất là vấn đề phát triển khả năng nói: Trẻ 3 tuổi là giai đoạn phát triển mạnh về ngôn ngữ. Vốn từ của trẻ thời kỳ này tăng lên phong phú. Trẻ biết sử dụng vốn từ theo các quy tắc ngữ pháp trong từng câu, từng đoạn lời nói khác nhau. Ngay khi nói được các câu trọn vẹn thì đồng thời trẻ cũng bắt đầu học cách đặt câu hỏi và chuyển từ câu khẳng định sang phủ định.
Nếu trẻ 3 tuổi mà vốn từ nghèo nàn tới mức không đủ để diễn tả những điều mình muốn nói, nói ngọng, nói lắp... thì có thể đánh giá trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ. Gia đình nên cho trẻ đi khám cả lâm sàng về mặt y học và khám tâm lý để xác định mức độ nặng nhẹ và nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển khả năng nói, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp. Đôi khi có thể do trục trặc trong vòm miệng như với lưỡi hay hàm ếch... hoặc có vấn đề với khả năng nghe cũng khiến trẻ chậm nói.
Bên cạnh đó nhiều trường hợp trẻ chậm nói do các nguyên nhân tâm lý như: trẻ thiếu kích thích diễn tả ngôn ngữ, không có môi trường giao tiếp... Khi đó, gia đình có thể tham khảo một số biện pháp sau để giúp trẻ nói tốt hơn:
- Việc xem TV khiến trẻ chỉ nhận thông tin một chiều nên gia đình cần hạn chế. Hoặc mỗi khi cho trẻ xem chương trình gì thì người lớn có thể ngồi bên cùng trẻ nhận xét, bình luận, đặt ra những câu hỏi để trẻ vừa xem vừa phản hồi thông tin.
- Cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện với con, có thể đọc truyện cho trẻ nghe, hỏi về các nhân vật và tình tiết trong truyện.
- Khuyến khích trẻ kết bạn, mời các bạn của trẻ đến nhà chơi.
- Kiên trì, tích cực sửa phát âm cho trẻ bằng cách yêu cầu trẻ nói lại ngay những từ đã phát âm sai.
- Yêu cầu trẻ nói đúng, rõ ràng những nguyện vọng của mình thì mới được mọi người đáp ứng.
- Việc bạn đã cho trẻ đi học mẫu giáo cũng là biện pháp tốt tạo thuận lợi để trẻ có môi trường giao tiếp.
Thứ hai là vấn đề trẻ sợ tiếng động lớn, bạn không nên chối bỏ cảm xúc của trẻ mà hãy tôn trọng cảm xúc, giúp trẻ thừa nhận nỗi sợ hãi. Bản chất nỗi sợ hãi được coi như điều bình thường của cơ thể trước những nguy hiểm, giúp cho cơ thể sẵn sàng đối phó để bảo vệ.
Với trẻ nhỏ, phản ứng của nỗi sợ hãi như một sự thông báo có nguy hiểm ở gần trẻ và mong muốn tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người thân. Bởi vậy, giải pháp tình thế là khi trẻ sợ hãi bạn hãy ngay lập tức ôm trẻ vào lòng, vỗ về an ủi giúp trẻ lấy lại bình tĩnh. Hãy khẳng định sự an toàn của trẻ vì đã có bố mẹ ở bên bảo vệ để trẻ an tâm.
Về lâu dài, bạn có thể cho trẻ đối diện với nỗi sợ hãi bằng cách để trẻ làm quen dần với các tiếng động từ nhỏ đến lớn. Trước mỗi tiếng động bạn cần giải thích cho trẻ hiểu đó là tiếng động gì, từ đâu đến và nó không hề ảnh hưởng đến sự an toàn. Khi trẻ hiểu được hiện tượng thì nỗi sợ hãi cũng sẽ dần biến mất.
Gia đình hãy luôn tạo dựng cho trẻ môi trường gia đình an toàn, tràn đầy yêu thương để trẻ tự tin khám phá thế giới xung quanh.
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thế Anh
Trường mầm non Hoàng Gia
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet