Christina Perez là một nhà giáo dục mầm non và cũng là một bà mẹ. Chị có nhiều bài viết về nuôi dạy trẻ được đăng tải trên trang Fatherly, một cộng đồng chia sẻ các kiến thức nuôi dạy con lớn nhất ở Mỹ.
Một điều thú vị đã xảy ra hôm thứ Bảy. Tôi đang ngồi trong phòng làm việc, lên kế hoạch công việc cho tuần tới, bất chợt tôi thấy con gái chui đầu qua khe cửa.
"Mẹ đang làm gì vậy?"
"Mẹ đang làm việc, con yêu"
"Nhưng con muốn chơi với mẹ", con gái tôi tuyên bố.
"Mẹ sẽ làm nhanh để sớm ra ăn trưa với con. Vì vậy con sang phòng chơi hoặc nhờ cô giúp việc lấy bút chì màu cho".
Con bé đẩy cánh cửa vào và gào lên: "Không, mẹ ơi! Con muốn mẹ ngay bây giờ"
Tôi ngừng làm việc và quay ra quan sát con bé. Cơ thể cháu căng lên, khuôn mặt ửng đỏ và đôi mắt bắt đầu rơm rớm. Con bé đang có một nhu cầu mà cháu muốn thể hiện, nhưng chưa có kỹ năng để thể hiện nó ra và việc này khiến cháu bực bội...
Vì vậy, tôi đã nói: "Hãy đến đây một chút và tự chơi nào".
Cô bé nhìn tôi, đi về phía quả bóng tập thể dục của tôi và rồi tạt quả bóng lăn sang chân tôi.
"Không! Con muốn mẹ chơi với con".
Trời ơi...
Tôi không biết chính xác những gì con bé muốn nhưng tôi hiểu cháu không muốn chơi với quả bóng. Tôi chỉ dẫn cho con chơi với bóng thế nào. Cháu bắt đầu đấm vào quả bóng và la hét. "Con chỉ muốn mẹ giúp con! Con chỉ muốn mẹ giúp con!".
Con bé khóc rồi nằm lăn xuống sàn ăn vạ . Cháu lặp lại 7 từ đó và đấm đá xuống tấm thảm liên hồi.
Tôi chỉnh lại tư thế, hít vào một hơi sâu và nói nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát: "Hiện tại mẹ thấy con đang buồn. Hãy xả tất cả bức bối của mình và con sẽ thấy tốt hơn. Mẹ sẽ ở đây cùng con nếu con muốn".
Tôi không có ý định làm bất cứ điều gì.
Tôi không có ý định xao lãng con bé.
Tôi không có ý định nói điều gì dập tắt cơn giận của con bé.
Tôi không có ý định gạt bỏ con bé.
Tôi đã ở đó với con bé.
Tôi ngồi xuống hít một hơi thật sâu và dành sự quan tâm. "Mẹ đây, con yêu. Mẹ đang ở ngay đây", tôi trấn an con bé bằng một giọng bình tĩnh. Cơn giận kéo dài khoảng 6 phút.
Khi tôi thấy rằng cơ thể của con gái đã bắt đầu thư giãn và các cơn khóc đã dừng, nhường chỗ cho hành động hít vào và nói lắp. Con bé leo lên đùi tôi, vòng tay ôm lấy cổ tôi, và giấu khuôn mặt trong chiếc áo của tôi.
"Mẹ yêu con rất nhiều", tôi nói, vuốt lại mái tóc lòa xòa của con bé.
"Con cũng yêu mẹ, mẹ ơi", con tôi nói và ôm chặt mẹ hơn.
Tôi ngồi ôm con bé vài phút và xoa lưng cho nó. Tôi đã không nói bất cứ điều gì. Khi cháu ngẩng đầu nhìn tôi, tôi hôn lên má và cháu mỉm cười.
"Con muốn đi chơi với em bé của con ngay bây giờ", con bé nói.
"Được thôi, tình yêu của mẹ. Mẹ sẽ gặp con vào giờ ăn trưa".
Con bé nhảy xuống, cười và nói: "Làm công việc của mẹ đi, gặp mẹ tại bữa trưa". Con bé đi ra và đóng cửa lại.
Tôi tò mò, nhìn xuống đồng hồ. Toàn bộ quá trình từ lúc con bé mở cửa đến lúc đóng là khoảng 17 phút.
Ảnh: Yourekavach. |
Chỉ trong vòng 20 phút, tôi đã giúp con bé biết cách điều chỉnh cảm xúc của mình trong 3 bước dễ dàng. Đây là cách tôi làm để xây dựng trí tuệ cảm xúc cho con:
1. Dù cảm xúc thế nào đi nữa đứa trẻ cần phải được thể hiện ra, tôi yêu con mình cả những lúc như vậy. Tình yêu và sự hỗ trợ của tôi là vô điều kiện.
2. Dù cơn thịnh nộ của bé lớn chừng nào và kéo dài bao lâu, cũng không làm tôi phẫn nộ. Tôi sẽ ở đấy, để con bé dựa vào, bình tĩnh lại, ổn định lại cảm xúc và mang đến sự hỗ trợ.
3. Tôi đã chỉ cho con bé rằng sẽ không có vấn đề gì khi đang có tâm trạng. Nỗi buồn và thất vọng là những cảm xúc bình thường với mỗi người. Bằng cách không làm gì để đẩy mạnh hoặc dập tắt các cơn giận của trẻ, tôi đã giúp con trải nghiệm đầy đủ các cảm xúc và có được cảm giác mình đã trải qua nó trọn vẹn. Điều này giúp xây dựng khả năng điều chỉnh cảm xúc, vượt qua nghịch cảnh của trẻ.
Khi những đứa trẻ của chúng ta trải nghiệm những cảm xúc mạnh mẽ ấy cũng là một cơ hội tốt để kết nối với chúng. Chúng ta có thể giúp trẻ bằng cách để chúng bộc lộ cảm xúc và nhu cầu của mình, từ đó chúng sẽ giao tiếp tốt hơn trong tương lai.
Việc tăng cường trí tuệ cảm xúc và xã hội cho một đứa trẻ chủ yếu thông qua các mối quan hệ với cha mẹ. Khi chúng ta cung cấp cho trẻ sự đồng cảm và giúp chúng đối phó với những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, buồn bã và sợ hãi... là chúng ta đã tạo ra một nền tảng của lòng trung thành và tin tưởng của trẻ vào bố mẹ. Đây sẽ là hành trang cho con em của chúng ta mang theo suốt cuộc đời sau này.
Một điều cần nói thêm là dù mọi cảm giác và cảm xúc được chấp nhận và xứng đáng với sự đồng cảm, nhưng không phải tất cả các hành vi đều được chấp nhận. Ví dụ, nếu con bạn đang cố gắng để đánh bạn, đó là việc không thể chấp nhận được. Bạn có thể nói: "Con không được phép làm tổn thương cơ thể mẹ. Nếu con đang bức bối, con có thể đập xuống giường hoặc gối để giải tỏa những cảm xúc của mình".
Điều quan trọng là hỗ trợ cho con của bạn và làm nhân chứng cho biểu hiện của chúng, nhưng bạn phải được an toàn trước tiên!
Bảo Nhiên
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet