Một số cha mẹ ghét nhìn thấy con mình không vui nên cố gắng làm mọi thứ để đáp ứng yêu cầu của con. Họ cho rằng, việc nhượng bộ dễ dàng hơn nhiều so với nói “không” với con cái.
Thế nhưng về lâu dài, việc thường xuyên nuông chiều và bảo vệ con cái quá mức rất nguy hại. Nếu trong quá trình lớn lên mà trẻ không gặp những thử thách, điều đó sẽ làm giảm khả năng phục hồi của chúng.
Trên thực tế có nhiều đứa trẻ hư hỏng khi lớn lên trở thành một người ích kỷ, bất hạnh, luôn cảm thấy bất mãn về mọi thứ trong cuộc sống. May mắn thay, có nhiều cách để sửa chữa những hành vi xấu của con cái trước khi nó trở nên tồi tệ hơn sau này.
Bạn có đang chiều chuộng con quá mức?
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy con bạn đang hư hỏng, nguyên nhân phần lớn là do được cha mẹ quá chiều chuộng.
1. Trẻ không chấp nhận câu trả lời “không” của cha mẹ
Trẻ chỉ muốn lấy mọi thứ và làm theo cách mình thích, mặc kệ cho cha mẹ có nói gì đi chăng nữa. Chúng thường không nghe lời, dù cha mẹ không đồng ý vẫn cố tình làm theo ý của mình.
2. Trẻ thích nhận hơn là cho
Những đứa trẻ hư chẳng bao giờ đánh giá cao mọi thứ cha mẹ làm cho mình. Chúng hiếm khi nói từ “làm ơn” và “cám ơn”, thay vào đó thường nói những từ như “cho con”.
3. Trẻ nằng nặc đòi những thứ mình muốn
Trẻ không bao giờ nghĩ về việc mình làm hay quan tâm tới người khác cảm thấy bất tiện trước những yêu cầu của chúng. Trẻ chỉ quan tâm việc cha mẹ có đáp ứng ngay lập tức yêu cầu của mình hay không.
4. Trẻ chỉ nghĩ đến bản thân
Trẻ luôn cảm thấy mình có đặc quyền, được ưu ái nhất nhà. Trẻ chỉ biết nghĩ tới lợi ích và nhu cầu của bản thân, không bao giờ quan tâm tới người khác.
5. Trẻ không bao giờ hài lòng với những gì mình có
Trẻ đã quen với việc có được tất cả những món đồ chơi mình muốn và không bao giờ cảm thấy đủ. Chúng luôn muốn nhiều hơn nữa.
Làm thế nào để cải thiện tình trạng quá nuông chiều con cái?
Cha mẹ nên xử lý như thế nào sau khi biết được con mình đang được nuông chiều quá mức? Các chuyên gia nuôi dạy con cái khuyên cha mẹ nên kiên trì và đừng bao giờ bỏ cuộc nếu muốn con mình có tính cách tốt, dưới đây là một số gợi ý:
- Đừng cảm thấy tội lỗi khi nói “không” với con cái
Các bậc cha mẹ thường tin rằng, việc nói "không" với con cái sẽ làm giảm lòng tự trọng của chúng. Nhưng nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ lớn lên trong khuôn khổ kỷ luật, cha mẹ không nuông chiều sẽ có lòng tự trọng cao hơn và đồng cảm hơn với người khác.
Khi cha mẹ nói “không” với con cái, đồng thời hãy đưa ra một lý do ngắn gọn để giúp trẻ hiểu tại sao.
Ví dụ: "Làm bài tập về nhà trước khi chơi. Bằng cách này, con có thể chơi mà không phải lo lắng việc trễ giờ học”, hoặc “hôm nay con không được đi chơi vì có thể lây bệnh cho những người khác, mẹ không muốn bạn của con cũng bị bệnh như vậy”.
- Khen con làm đúng
Cha mẹ hãy thử khen ngợi khi con mình đang làm điều gì đó cho người khác, chẳng hạn như “con là một cậu bé rất tốt bụng khi biết giúp đỡ bạn bè”, “mẹ rất vui khi thấy con có một trái tim nhân hậu như vậy”.
Bằng cách khen ngợi như vậy, cha mẹ đang củng cố tầm quan trọng của việc trẻ biết quan tâm tới người khác.
- Học cách biết ơn
Học cách đánh giá cao và biết ơn có thể giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc hơn, đối phó tốt hơn với nghịch cảnh, tăng sự hài lòng trong cuộc sống. Cha mẹ nên thay phiên nói nhiều hơn về lòng biết ơn với con mình, đặc biệt là vào thời điểm ăn tối. Khuyến khích con viết nhật ký về lòng biết hơn.
- Kéo dài thời gian chờ đợi
Nghiên cứu cho thấy rằng, khả năng tạm dừng, chờ đợi và trì hoãn mong muốn của trẻ có mối tương quan cao với thành công trong học tập và tài chính trong tương lai.
Nếu cha mẹ đang nói chuyện điện thoại và trẻ vòi vĩnh điều gì đó, hãy ra hiệu cho chúng cần chờ đợi mình.
Nếu trẻ muốn mua món đồ nào đó, cha mẹ hãy nói “mẹ sẽ mua nó vào lần sau trong một dịp đặc biệt”.
- Chỉ ra hành vi thiếu suy nghĩ của trẻ
Bất cứ khi nào trẻ làm điều gì thiếu suy nghĩ, hãy giúp chúng xem xét cảm xúc của người khác: "Con nghĩ bạn của con cảm thấy thế nào khi con giật kẹo từ tay bạn mà không hỏi?", "Con sẽ làm gì vào lần tới để tránh bị như thế này?"
Những câu hỏi đúng có thể giúp trẻ học được sự đồng cảm và nhận biết được hành vi của mình đang ảnh hưởng tới người khác.
- Tập trung vào việc cho đi chứ không phải nhận lại
Cha mẹ nên tìm cơ hội để con mình có thể cho đi những gì mình đang có, chẳng hạn như quyên góp quần áo cũ, giúp đỡ người nghèo, mua đồ chơi tới tặng cho các em ở bệnh viện nhi đồng.
Khi nói đến quà tặng, cha mẹ hãy đặt giới hạn về giá cả. Dạy con biết quý trọng những món quà của người khác tặng dù là nhỏ nhất.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet