Làm bạn cùng con, được con tâm sự mọi điều là mong ước không của riêng cha mẹ nào. Làm bạn với con cũng là con đường ngắn nhất và thuận lợi nhất giúp cha mẹ nuôi dạy con dễ dàng hơn. Đó là chia sẻ của thạc sĩ xã hội học Trần Đình Dũng trong buổi nói chuyện “Làm bạn cùng con” do Hội quán các bà mẹ và công ty FPT tổ chức mới đây.
1. Đặt con ngang bằng khi trò chuyện
Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải tự hạ mình, hoặc phải nâng con lên địa vị của một người lớn để cha/mẹ và con có thể đặt ở vị trí ngang bằng nhau. Cha mẹ không nên nhìn xuống con cái theo đường chéo với kiểu người lớn - con nhỏ. Đây là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất để nói chuyện với con, bởi hợp phong cách mới có thể chơi được.
Đặt ngang bằng không có nghĩa là cá mè một lứa, mà ở đây chính là bạn đặt mình vào chính vị trí của con để nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Cứ nhìn vào cuộc sống, những bà mẹ U50 càng “xí xọn” càng thân với con gái, nhưng ông bố càng tỏ ra là nghiêm càng đẩy con ra xa mình.
Tại sao khi con còn nhỏ, đang bi bô tập nói, bạn sẵn sàng giả giọng ngọng nghịu để nói với con: “Ôi xương quá”. Nhưng đến khi con lớn, bạn lại luôn phán xét con qua lăng kính của một người từng trải đối với một đứa trẻ đang chập chững vào đời.
Trong cuộc sống, trước một sự vật, hiện tượng, chúng ta thường mô tả, chỉ trích, bình luận, nhận định mà ít đưa ra giải pháp. Ta áp dụng thói quen này trong cả việc nuôi dạy con. Điều này không mang lại lợi ích nào cho con trẻ, chưa kể sẽ khiến con tách xa bạn hơn. Thay vì chê con học dốt thế, điểm kém, bạn nên nghĩ ra giải pháp giúp con điểm cao hơn, học khá hơn.
Thấy con trai có bạn gái, bạn đánh đòn phủ đầu: “Nứt mắt đã bày đặt chuyện yêu đương”, đảm bảo từ đó bé sẽ giấu nhẹm chuyện của mình. Nếu bạn nói chuyện với con như hai người đàn ông “Em đó xinh nhỉ”, bạn sẽ khai thác được thông tin từ con, giúp con đi đúng đường. Vì không thể ngăn cản, nên tốt nhất bạn hãy chọn cách làm sao để có thể kiểm soát được tình hình.
2. Đôi khi giả vờ “ngu”
Để chơi được với con, đôi khi cha mẹ cũng nên giả vờ “ngu”, coi mình không biết. Nếu muốn khai thác một thông tin nào đó từ con, tại sao bạn không giả vờ như mình như chưa biết gì: “Con ơi, chỉ cho bố chơi game này đi”, đảm bảo bé sẽ rất hào hứng chia sẻ cùng bạn. Nếu chơi với ai mà lúc nào bạn cũng bị lép vế, bạn có thích không?
3. Dành thời gian chơi với con
Nhiều bà mẹ bận rộn tự hào khoe rằng họ bỏ ra 3-4 tiếng đồng hồ mỗi ngày để chơi với con, và trong 3-4 tiếng đó sẽ đút cho con ăn, tắm rửa cho con, dạy con học bài hay đọc sách cho con. Tuy nhiên, đấy chỉ là những công việc chăm sóc. Nếu một ngày không có ít nhất 45 phút chơi với con thuần túy, ở đó không có áp lực học hành hay ăn uống… thì cha mẹ sẽ không thể trở thành người bạn của con.
Ảnh: asiapacific.basf.com |
Khi đi làm, ai cũng có nghìn lẻ áp lực đè lên người, nào là doanh số, kế hoạch, chỉ tiêu, tăng trưởng… khiến quỹ thời gian dành cho con ngày càng eo hẹp. Người lớn cho rằng họp hành, mở rộng quan hệ là thứ bắt buộc nhưng lại nghĩ chơi với con là điều có thể du di, không chơi hôm nay có thể ngày mai, con không chơi với bố mẹ sẽ còn có ông bà. Vô tình chúng ta đã đã tước mất thời gian được chơi cùng bố mẹ của bé, và bạn dần tách mình ra khỏi cuộc sống của bé.
4. Tạo ký ức cho con
Phần lớn cha mẹ đều cố căng mình làm việc và tiết kiệm nhằm để lại tài sản, ép con học hành nhằm tạo lập kiến thức cho con mà quên mất việc cho con ký ức, điều không thể mua được bằng tiền và cũng không thể nào thay đổi được. Hãy để sau này lớn lên, bé cơ hội được hồi tưởng lại những kỷ niệm tươi đẹp thời thơ ấu. “Khi té ngã hay thất bại trên đường đời, lúc đau khổ nhất, tinh thần của con chạm vào ký ức sẽ bật lên và thăng bằng lại.”
Thường những người có ký ức đẹp sẽ giàu tình cảm hơn, nhân hậu hơn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài, những ai có tuổi thơ hạnh phúc sau này cũng có nhiều khả năng thành công hơn.
5. Hãy ôm hôn con
Chúng ta tìm mua sữa tốt cho con mà quên việc thể hiện tình cảm. Điều này giống như ngôi nhà to đẹp nhưng thiếu hơi ấm. Khi còn nhỏ, ngoài việc ăn, chơi, ngủ, học… con còn cần một thứ cực kỳ quan trọng, đó là được ôm ấp và vuốt ve. Đây là nhu cầu mãnh liệt của bất cứ trẻ em nào.
Chúng ta hay suy nghĩ về những điều to tát mà quên đi những thứ bình thường. Những cái vô hình thực ra lớn hơn những cái có thể nắm bắt được rất nhiều. Đi tìm những cái vĩ đại không thể giúp con cái trở thành những người vĩ đại, bé có thể thành công, thành đạt nhưng chưa chắc đã thành nhân. Thành nhân chỉ có thể nhờ tình yêu thương của cha mẹ.
Theo ông Dũng, một trong những thất bại của các bậc phụ huynh là “không biết cộng lực với con”. Ta thường áp đặt mọi việc cho con mà không cần xem xét liệu con có thích không, ép con đi học đàn, học vẽ theo ý muốn chủ quan của cha mẹ. Thời con nít, bé có thể chịu đựng, nhưng khi đến tuổi dậy thì, bé sẽ phản kháng, áp lực của cha mẹ sẽ tạo ra phản lực ở con cái. Đây là mối nguy ảnh hưởng rất lớn đến không khí gia đình. Để tránh được điều này, trước hết chính bản thân cha mẹ phải tự mình thay đổi tư duy và kỹ năng. Mối quan hệ của cha mẹ và con cái cũng như mối quan hệ của cây cối. Nếu cha mẹ là cây to bóng cả, lúc nào cũng che chắn cho cây con thì cây con hoặc sẽ trở thành một loại cây leo, sống phụ thuộc, dựa dẫm hoặc nó sẽ tự ngoi ra xa để tìm ánh sáng. Cả hai trường hợp đó, cha mẹ đều mất con. Vì vậy để cây con mãi mãi bên mình, thì cây lớn phải tự mình đục thủng tán lá của mình để cây con có thể đón được ánh sáng, ngoi lên. Khi con thay đổi, ta cũng phải thay đổi để hợp với con. |
Kim Kim
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet