Ảnh: huffpost.com. |
Bé đói
Đây có lẽ là điều đầu tiên các bà mẹ nghĩ đến khi thấy bé khóc. Trẻ sơ sinh đang yên lành bỗng nhiên khóc rất to nếu bé đã không được bú trong một vài giờ. Vấn đề quan trọng không phải là nhìn đồng hồ để cho trẻ ăn, mà hãy đáp lại những tín hiệu của em bé.
"Khóc là dấu hiệu muộn của đói", thạc sĩ nhi khoa Paul Horowitz (California) nói. Để trẻ không phải khóc, mẹ hãy chú ý đến những dấu hiệu ban đầu cho biết bé của đói: liếm môi, mút tay, quay ngang quay ngửa tìm ti mẹ hoặc bình sữa. Khi bạn thấy những dấu hiệu đó, nên bắt đầu cho trẻ ăn. Còn một khi đứa trẻ đã khóc, bạn có thể nhận thấy lời khẩn khoản "Hãy cho con ăn" bằng những tiếng khóc có nhịp điệu, lặp đi lặp lại, thường ngắn và có âm lượng thấp. Tất cả những gì bạn cần làm lúc này là đưa sữa vào miệng bé.
Bụng đầy hơi
"Nếu em bé vừa khóc vừa quằn quại, uốn cong lưng hoặc đạp chân như đang bơm cái gì thì đó chính là những là biểu hiện điển hình của việc bé đầy hơi", thạc sĩ, bác sĩ nhi khoa Preeti Parikh (New York) cho biết. Bạn có thể giúp bé vượt qua tình trạng khó chịu này bằng cách giữ bé nằm nghiêng bên trái hoặc nằm úp lưng để tiêu hóa tốt. Nếu em bé đầy hơi, hãy để bé đạp chân như đạp xe đạp và ấn chân bé về phía ngực để giúp bé xì hơi.
Tã bị bẩn
Một số trẻ sơ sinh có thể chịu đựng bỉm ẩm và bẩn trong nhiều giờ, nhưng một số tỏ ra khó chịu nếu tè ị xong mà không được thay bỉm ngay. Việc cởi bỉm ra và kiểm tra nhanh không tốn của bạn nhiều công sức và thời gian. Một số loại tã có thương hiệu còn có “chỉ thị ẩm ướt” - sẽ đổi màu khi bị ẩm, vì thế bạn không cần phải cởi toàn bộ trang phục của bé khi có nghi ngờ về lý do bé khóc .
Bé mọc răng
Trẻ có thể mọc răng sớm từ lúc 4 tháng tuổi, thời điểm này bạn có thể nhận thấy bé hay la lối, khóc lóc om sòm hơn. Những dấu hiệu kèm theo là nước dãi chảy nhiều và bé sẵn sàng gặm bất cứ thứ gì trong tầm tay mình. "Cho bé mút núm vú giả hoặc ngón tay bạn có thể giúp xoa dịu bé", Parikhs gợi ý. "Bạn cũng có thể massage lợi cho bé. Hãy massage thường xuyên cho đến khi nghe thấy âm thanh rin rít", Horowitz nói. Cho bé cắn miếng cắn răng, khăn lau mặt hoặc thậm chí yếm bông cũng có thể giúp bé dễ chịu mà không khóc.
Bé không ngủ được
Người lớn khi mệt mỏi có thể rơi vào giấc ngủ sau vài phút đặt lưng xuống đệm. Trẻ sơ sinh thì không thế. Thực tế, càng mệt mỏi bé càng khó ngủ. Hãy làm vài động tác thử - sai để xem điều gì có thể khiến bé bình tĩnh trở lại, ví dụ: ôm ấp để bé cảm thấy ấm cúng và thoải mái để dễ ngủ. Một số trẻ lại thấy dễ chịu khi được đung đưa (đưa nôi, đưa võng), một số lại thích được hát ru, một số thì thích được nghe nhạc, một số thậm chí lại dễ ngủ nhờ âm thanh của máy hút bụi hay những tiếng ồn trắng khác.
Thiết lập một thói quen trước khi đi ngủ là tín hiệu để bé hiểu rằng đã đến lúc đi ngủ. Nhiều bà mẹ thường tắm cho bé, cho bé uống sữa, rồi đi ngủ. Mẹ không nên chống lại các yêu cầu của bé, cho rằng hạn chế giấc ngủ ngắn ban ngày sẽ giúp bé ngủ tốt hơn vào ban đêm là suy nghĩ không đúng. Ngay cả khi đó không phải là giờ ngủ ngày quen thuộc của bé, nếu bé cảm thấy mệt, hãy cho bé đi ngủ. “Một em bé đang buồn ngủ cần phải được đi ngủ”, Horowitz cho biết.
Bé cần ợ
"Chúng ta đa số đều nhớ bé sẽ ợ sau khi ăn. Nhiều em bé còn có thể cần phải được ợ sau khi ngậm núm vú, nấc hay khóc bởi những hoạt động này cũng có thể khiến bé đã nuốt không khí", Horowitz nói. Vì vậy, khi em bé khóc và bạn không chắc chắn lý do tại sao, bạn có thể vỗ nhẹ vào lưng bé. "Tôi ẵm bé trên vai trái của tôi, chắc chắn cánh tay trái của bé đang treo lơ lửng trên vai tôi, sau đó, tôi xoa vòng tròn trên lườn trái và lưng của bé rồi dần đi xuống hông, rồi lại xoa dần lên trên. Thông thường sau hai hoặc ba lần mẹ xoa, bé sẽ ợ", chị KatieDahlia, một bà mẹ Mỹ chia sẻ kinh nghiệm giúp con ợ.
Bị kích thích quá nhiều
Chúng ta đều dễ cảm thấy mêt mỏi do bị quá tải. Bé cũng có thể cảm thấy khó chịu khi nhận được sự thăm hỏi hàng loạt của các cô dì chú bác trong một đám tiệc của gia đình, hoặc sau khi được tha lôi đi khắp các cửa hàng tạp hóa.
Hãy nhớ rằng: Bé đang tập làm quen với những âm thanh ồn ào, vì vậy, hơi nhiều một chút cũng có thể khiến bé khó chịu. Giải pháp đơn giản nhất là hãy đưa bé về nhà và cho bé thư giãn nghỉ ngơi khi bé dường như kích thích quá độ. "Hoặc cho bé đi dạo", Parikh khuyên. "Không khí trong lành, môi trường xung quanh yên tĩnh và quen thuộc có tác dụng xoa dịu với bé. Có điều, mẹ không nên để bé tránh xa mọi sự kích thích, những kích thích cũng có ích", Horowitz giải thích. "Hình thức tốt nhất của kích thích với bé là chi chơi với một người thân yêu trong một thời điểm".
Kim Kim (Theo The Bumps)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet