Mới đây, câu chuyện về người cha ra tay sát hại con rể vì thường xuyên đánh đập con cái mình đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Người bênh vực, kẻ lên án. Trong đó, phía bênh vực cho rằng, người cha đó phải hết mực thương con và hành động đó là hệ quả của bao nhiêu dồn nén trước đó.
Hành động của người cha ấy thực sự như thế nào rồi sẽ được cơ quan điều tra làm rõ. Tuy nhiên, ở đây có một câu chuyện khác, câu chuyện về những người phụ nữ bị bạo hành. Những người phụ nữ câm lặng chỉ biết chịu những đòn roi của chồng, sự phản kháng của họ đôi khi chỉ là một tiếng la hét trong đêm, đôi khi chỉ là chạy đi thật xa nguồn nguy hiểm cao độ là chồng mình.
Nơi tôi ở ngày xưa có một cặp vợ chồng thường xuyên xảy ra những va chạm dẫn đến thương tích như thế. Ông chồng cho rằng, vợ mình là giống không biết đẻ con trai. Nhà ông nheo nhóc bốn cô con gái. Ở quê, chuyện này vẫn còn nặng nề lắm. Vậy là người đàn ông ấy đắm chìm trong cơn say liên miên. Say lại về đánh vợ, bà vợ mỗi khi bị chồng đánh lại vừa la hét, vừa chạy xung quanh xóm, từ nhà này qua nhà khác.
Nhưng ấn tượng với tôi hơn cả là đôi vợ chồng ở gần khu trọ cũ. Tôi chẳng biết rõ về họ lắm, chỉ biết rằng thỉnh thoảng ông chồng đánh bài về thua sẽ tìm cách hành hạ vợ con. Trong tiếng quát tháo của ông chồng, trong tiếng chửi bới, tiếng đồ đạc rơi vỡ…tôi nghe thấy tiếng của người vợ đau khổ ấy. Đó là những câu nói yếu ớt nhưng không chứa đựng quá nhiều hận thù như: Anh ơi, em xin anh. Anh ơi, em biết lỗi rồi, em xin anh, em xin anh… Tiếng nói dường như lẫn vào trong cả nước mắt.
Phụ nữ, đừng chỉ giữ bạo hành cho riêng mình (Ảnh minh họa)
Đợt trước Hà Nội có một hội thảo trưng bày về bạo lực gia đình. Quả thật, nếu nhìn qua những hiện vật ở đây, nếu không được giới thiệu và chú thích rõ ràng, người ta dễ nhầm lẫn đó là hiện vật của một cuộc ẩu đả giữa đám thanh niên manh động nào đó. Nhưng không, nó là hiện vật của những cuộc bạo hành. Là cái mà những ông chồng đã dùng để đánh vào thân thể vợ mình. Đó là chiếc chậu cảnh, đó là một chiếc nồi, đó thậm chí là một chiếc chùy đá, một cái xích…
Một nạn nhân bị bạo hành còn kể lại, chồng mình có lần nhậu về say đã bắt vợ ngồi xuống đất, còn mình thì trèo lên bàn đái xuống. Ngoài bạo hành về thể xác, họ còn bị bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục.
Ở nước ta, tình trạng bạo hành gia đình đối với vợ có một tỉ lệ tương đối cao. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có một nguyên nhân tiềm tàng nằm ở trong suy nghĩ yếu phận của người vợ. Đặc biệt là những người vợ miền núi, nông thôn.
Có lần nói chuyện với một cán bộ công an ở một huyện miền núi, tôi thắc mắc hỏi anh tại sao người phụ nữ miền núi lại có thể chấp nhận để cho chồng nhậu say mỗi phiên chợ, rồi kiên nhẫn ngồi che ô cho chồng đến khi tỉnh rượu mới thôi. Đồng chí công an miền núi này cho biết, người vợ miền núi nếu chồng đi chợ phiên mà không say thì không thấy vui, bởi có say thì chồng mới có nhiều bạn.
Tâm lý yếu thế khiến người phụ nữ phải câm nín chung sống với bạo hành, chấp nhận nó để được yên phận, để nuôi con cái, để bố mẹ đỡ phiền lòng. Hành động của người cha như bài viết đề cập ở đoạn đầu chưa thể khẳng định chắc chắn là xuất phát từ việc thương con, căm phẫn chàng rể.
Nhưng nhiều cuộc hôn nhân ngày nay vẫn được “ngụy trang” bằng những hình ảnh yêu thương êm ấm, còn bên trong lại đầy những đòn roi và sự câm nín. Sự câm nín đôi khi có thể lấy đi cuộc sống bình thường của những đứa trẻ, cao hơn nó có thể lấy đi sức khỏe, thậm chí là tính mạng của vợ hoặc chồng, mà trường hợp như đầu bài viết là một ví dụ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet