Vào đời nhà Lê, tại làng Công-luận thuộc trấn Kinh-bắc có một người đàn bà góa nghèo khổ không nơi nương tựa. Từ lâu bà mở một ngôi hàng nước ở ven đê để sống qua ngày.
Một hôm, có một ông khách vào hàng bà uống nước. Lúc ra đi, ông khách bỏ quên ở hàng túi đựng đầy bạc. Bà bèn đem túi bạc cất đi. Mấy hôm sau, thấy ông khách cũ trở lại, bộ dạng hớt hơ hớt hơ hải, bà đã biết ý liền thủng thỉnh mang túi bạc ra trả. Ông khách đếm lại thấy số bạc của mình vẫn còn nguyên vẹn thì cảm ơn không ngớt, rồi trích hẳn một nửa đem biếu bà hàng. Nhưng người đàn bà lắc đầu:
- Không phải mồ hôi nước mắt do tôi làm ra, tôi đâu dám nhận.
Ông khách cố nài mãi, nhưng bà nhất định không lấy, và nói thêm:
- Nếu tôi có lòng tham của, thì tôi đã chẳng phải ngồi nhặt từng đồng kẽm thế này.
Ông khách chưa từng thấy người nào trọng nghĩa khinh tài như vậy nên ân cần bảo:
- Tôi là thầy địa lý chính tông ở Bắc quốc sang đây. Bà có tấm lòng vàng như vậy tất con cháu sẽ được hưởng phúc dày của bà. Vậy phần mộ tổ tiên bà ở đâu hãy chỉ cho tôi, tôi sẽ tìm cho một ngôi đất quý hiển.
- Tôi bây giờ đã xế bóng - bà hàng trả lời - Chồng con anh em chẳng còn một ai, dù được đất tốt cũng chả làm được gì. Tôi cứ sống với nghề hàng nước như thế là đủ rồi.
Nhưng ông khách vẫn cố tìm lời lẽ để cho người đàn bà xiêu lòng. Ông nói là mình mới chọn được một kiểu đất phát trạng nguyên tể tướng lại ở sát gần đây, thật là hiếm có. Nếu táng được mồ tổ vào đấy thì sau này đến tuổi già sẽ có nơi nương tựa không gì tốt bằng. Ông còn nói: bà là người phúc đức xứng đáng được hưởng phú quý vinh hoa, chớ nên từ chối.
Thấy ông khách bàn vào mãi, bà hàng sau đó ưng thuận, bèn đưa ông ta ra đồng chỉ ngôi mộ của bố mình để cho ông lo việc cải táng. Công việc xong, trước khi từ giã, thầy địa lý không quên dặn bà hãy cố gắng giúp đỡ người nguy kẻ khó thì rồi phúc đức sẽ đến sớm hơn.
Sau mấy tháng, một hôm vào khoảng chập tối, trời sắp nổi mưa to gió lớn, bà hàng nước bỗng nghe tiếng gọi cửa cầu cứu. Bà mở cửa ra thì thấy một người đàn ông đóng khố, toàn thân ướt sũng đang rên hừ hừ. Người ấy nói mình ở làng bên cạnh, nhân đi đánh giậm xa bị cảm lạnh, lại vì mưa gió không thể về nhà được, nên xin vào nghỉ nhờ tại đây. Thấy người ấy run lẩy bẩy, nước da tái nhợt, tay chân lạnh toát, người đàn bà lấy làm thương hại, bèn dìu vào nhà đốt lửa cho sưởi rồi sau đó lại thổi cơm cho ăn. Bấy giờ vào khoảng tháng Mười trời rất lạnh, nhà bà ta chỉ có một chiếc chõng và một chiếc chiếu thì đã nhường cho khách nằm. Khuya lại rét quá, bà cũng phải ghé lưng vào nằm bên cạnh. Người đánh giậm, sau một giấc ngủ say đã thấy bớt mệt. Cả hai người trong gian nhà vắng, cuối cùng không ngăn được lửa dục. Nhưng không may cho người đàn ông, vì bị hàn thấp ngộ phòng, nên vừa ân ái xong đã lăn ra bất tỉnh.
Thấy người đánh giậm chết, người đàn bà sợ liên lụy đến mình bèn nhân đêm tối, đem vùi thây người bạn một đêm ấy xuống chân đê.
Từ đấy bà hàng nước có mang, chẳng bao lâu đủ ngày đủ tháng sinh được một đứa con trai. Mặc cho những lời nhiếc móc, bà hết lòng nuôi nấng, chăm sóc con, không rời ra một bước. Nhưng chẳng may khi thằng bé lên bốn tuổi, một hôm đang lững thững chơi một mình ở bờ sông bỗng có một người lái buôn thấy mặt mũi nó khôi ngô, bèn dỗ dành đưa xuống thuyền rồi dong buồm đi mất. Chiều lại, bà hàng nước không thấy con về, bèn đâm bổ đi tìm khắp nơi. Mãi không thấy con đâu, bà đoán là nó đã ngã xuống sông, hai là mẹ mìn dỗ mất, đành gạt nước mắt mà trở về nhà.
*
Lại nói chuyện người lái buôn vốn họ Giáp người làng Dĩnh-kế. Vì không có con trai nên từ khi bắt trộm được đứa bé, hắn mừng lắm liền đặt tên là Hải, bắt nó gọi mình bằng bố, và sau đó, nuôi nấng chăm chút như con đẻ. Năm lên sáu tuổi, Hải được cắp sách đi học. Nhờ thông minh linh lợi, Hải học càng tấn tới. Năm mười chín tuổi, Hải đã thi đỗ á nguyên nhưng thi hội hai lần bị hỏng, phải tìm thầy học thêm. Cuối cùng, được bố cho tiền lưng gạo bị đến kinh đô theo học ở trường một cụ nghè.
Một hôm đi học qua bến Bồ-đề, Hải thấy một người đánh cá bắt được một con ba ba nhỏ xinh xắn sắp đem làm thịt. Tự nhiên động lòng thương hại, Hải liền ngăn lại, hỏi mua, người đánh cá đòi những bốn quan tiền. Không kỳ kèo, Hải vội về nhà lấy tiền đưa ngay. Mua được về, Hải bỏ ba ba vào ngăn kéo. Hàng ngày cứ thường lệ buổi sáng chàng để bụng đói đi học, trưa về mới thổi cơm. Cứ đến bữa cơm lại mở ngăn kéo đem ba ba ra cho cùng ăn.
Được mấy ngày, một hôm Hải đi học về, bỗng thấy có cơm canh bày sẵn ở trên bàn mà không biết ai dọn. Chàng hơi ngạc nhiên, nhưng cứ ngồi vào bàn ăn ngon lành. Hôm sau và hôm sau nữa cũng vẫn như vậy. Hải từ ngạc nhiên đến tò mò, sáng sớm bèn giả cách đi học, nửa đường lộn trở về thì thấy con ba ba từ trong ngăn kéo bò ra, hóa thành một người con gái đẹp. Từ chỗ nấp, Hải chạy vội vào giấu xác ba ba vào hòm khóa lại. Cô gái không có chỗ biến hình nữa, thẹn thò bảo chàng:
- Thiếp là con gái vua Thủy, hôm nọ đi chơi chẳng may bị chúng bắt được, may có chàng cứu cho mới thoát nạn. Nên thiếp nấn ná ở đây để trả ơn chàng.
Từ đấy hai người ăn ở như vợ chồng. Một hôm cô gái bảo Hải:
- Thiếp vắng nhà đã lâu ngày, chắc bố mẹ đang sốt ruột trông đợi. Thiếp muốn về thăm nhà, nhân thể mời chàng xuống chơi ít lâu cho biết.
- Ta là người trần làm sao mà xuống được, Hải đáp.
- Không hề gì. Chàng cứ trả lại lốt ba ba cho thiếp và đi theo thiếp.
Nhưng Hải còn băn khoăn:
- Ta đang luyện văn bài để đợi khoa thi. Đi như vậy không tiện.
- Nhà thiếp có Trạng nguyên họ Lương, chàng xuống đó có thể hỏi nghĩa lý sách vở rất tiện.
Hải nhận lời ngay. Hai người dắt nhau ra bờ sông. Cô gái khoác lốt ba ba rẽ nước cho Hải xuống. Vua Thủy trông thấy con gái về thì vui mừng khôn xiết. Vua tiếp đãi người ân nhân của con rất hậu và cố lưu lại tiệc tùng khoản đãi không ngớt. Mấy ngày sau, Hải gặp được Trạng nguyên họ Lương, trong khi ông đang ngồi giảng kinh Dịch. Được nghe giảng, Hải rất mừng vì gặp người thầy giỏi. Vua Thủy sai dọn một ngôi lầu tĩnh mịch cho chàng ôn luyện sử sách.
Hải vui chơi dưới Thủy phủ suốt mấy năm liền quên cả về. Một hôm, vua Thủy giục chàng về gấp để giành lấy trạng nguyên. Vua còn tống tiễn bạc vàng rất hậu. Hải rất bịn rịn khi phải chia tay với cô gái vua Thủy.
Vừa lên khỏi mặt nước thì Hải đã nghe tin nhà vua xuống lệnh chỉ cho mở khoa thi. Không kịp trở lại quê nhà báo tin, chàng vội tìm đến nhà trọ cũ ở kinh đô để chuẩn bị lều chiếu vào trường. Sau đó Hải đậu tiến sĩ rồi vào thi đình đậu luôn trạng nguyên. Tính từ lúc xuống Thủy phủ cho đến ngày vinh quy vừa đúng mười một năm. Người lái buôn họ Giáp từ ngày Hải xuống Thủy phủ vẫn đinh ninh là con nuôi đã mất tích, ngày đêm than khóc không nguôi; chợt một hôm nghe tin trường thi yết bảng có tên con trai mình đứng đầu, lòng mừng không lấy chi cân, bèn hối hả sai người nhà sắm sửa nếp gạo, lợn bò và trang hoàng nhà cửa để con về vinh quy bái tổ.
Bấy giờ dân đinh hàng huyện bị buộc phải mang trống chiêng cờ quạt, cơm gói muối đùm đi đón quan Trạng, ai nấy đều tỏ vẻ không bằng lòng. Trong số đó có người dân làng Dĩnh-kế vốn biết Trạng không phải quê gốc ở làng mình huyện mình, bèn nói vụng với nhau: - "Cái anh nghè này không biết quê cha đất tổ ở đâu tự nhiên về làm con nhà họ Giáp, bắt chúng ta phục dịch ngày đêm đến là khổ sở!"
Trạng Hải bấy giờ nằm trong cáng, nghe lỏm được câu phàn nàn của dân phu bèn sinh mối hồ nghi. Ngẫm lại, chàng thấy giữa mình với bố mẹ khuôn mặt cũng như vóc người không có gì tương tự. Nhưng Hải vẫn không truy vấn người lái buôn vì thấy lòng không nỡ. Nhưng cũng từ đấy chàng bắt đầu để bụng dò la. Mãi sau mới có người mách cho biết Trạng là con một bà hàng nước nào đó chứ không phải là con đẻ của ông lái buôn họ Giáp. Chẳng qua vì hiếm hoi nên ông ta tìm cách bắt trộm về làm con mình. Điều hồ nghi trong lòng chàng vì thế càng trở nên day dứt.
Một hôm, Trạng Hải cùng người hầu tình cờ đến làng Công-luận, thấy ở hàng ven đê có một bà lão ngoài 70. Trạng sai người đến hỏi thăm bà lão, thì bà cho biết trước kia mình có sinh một đứa con, năm lên bốn tuổi ra bờ sông chơi bị sẩy chân rơi xuống sông, bây giờ sống một thân một mình không nơi nương tựa. Hỏi có tìm được xác không thì bà lão cho biết vì không có tiền thuê người tìm tòi, và không nghe ai nói tìm thấy xác, nên coi là mất tích.
Tuy chưa biết có đích thực hay không, Trạng cũng sai người bảo bà lão:
- Quan tôi trông thấy cố già cả, chồng con không có, muốn đem về làm phúc, chẳng hay cố có bằng lòng không?
- Nếu quan lớn có lòng thương đến kẻ già thì còn nói gì nữa - bà lão đáp.
Từ đấy bà lão đi theo Hải đến chỗ làm quan, cái ăn cái mặc được chu cấp tử tế. Một hôm bà lão trông thấy Trạng thì bỗng òa lên khóc. Mọi người xúm lại hỏi bà, bà lão nói:
- Trước khi đẻ được con trai có cái nốt ruồi ở chân bên phải. Bây giờ tôi trông thấy ở chân phải quan có cái nốt ruồi, tôi nhớ đến con tôi, xin các ông tha lỗi cho.
Bấy giờ Trạng mới tin bà lão đích thì là mẹ mình. Hai mẹ con nhận ra nhau và ôm nhau mà khóc. Còn người lái buôn tự biết mình có lỗi đến thú tội với Trạng, nhưng Trạng xét công lao của bố nuôi đã cho mình học nhờ đó mới có ngày hôm nay, nên vẫn tỏ ra một lòng hiếu kính, phụng dưỡng bố mẹ nuôi và mẹ đẻ như nhau.
*
Về sau có lần Trạng được vua sai làm chánh chủ khảo đi chấm thi ở trường Sơn-nam. Trạng ra đầu bài hiểm hóc, học trò ứng thi không có hy vọng được đỗ, bèn bí mật bàn nhau ước định nổi dậy phá trường thi. Nghe tin, Trạng lấy làm lo sợ phải ra đầu bài khác để cho họ thi lại. Sau đó, Trạng cho người dò la, cuối cùng cũng bắt được người học trò chủ xướng. Tuy mới chỉ là âm mưu, nhưng Trạng cũng khép y vào tội chết. Bố mẹ người học trò đến kêu khóc với Trạng nói nhà mình "độc đinh", chỉ có nó là con nối dõi, vậy xin nộp một ngàn quan tiền để chuộc mạng. Nhưng Trạng đang cơn giận dữ, nhất định ra lệnh trảm quyết không tha.
Được ít lâu, con trai của Trạng là Giáp Phong không có bệnh tật gì, tự nhiên lăn ra chết. Trạng thương tiếc quá bèn sai người mời phù thủy đến đánh đồng thiếp cho mình xuống âm phủ đi tìm con, nhưng chẳng có thầy nào làm cho Trạng vừa lòng.
Một hôm có một đạo nhân mặc áo rách đi giày rách đến cửa xin gặp. Trạng vốn ghét đồng cốt quàng xiên nên không chịu tiếp, nhưng đạo nhân đòi gặp mặt Trạng mới chịu đi. Khi hai người gặp nhau, đạo nhân trừng mắt, hỏi:
- Có muốn gặp con không?
Trạng tự nhiên mất vẻ trịnh thượng, đáp:
- Có
- Vậy thì hãy ngồi im nhắm mắt lại, ta sẽ đưa tới nơi.
Nói đoạn, đạo nhân liền thư phù rồi đọc một câu thần chú. Giáp Hải bỗng thấy tối sầm cả lại, rồi thấy người ấy dẫn mình đi. Trạng đi mãi, đi mãi, tuy thấy chồn chân nhưng vẫn không dám dừng lại. Cho đến lúc tới một nơi nhà ngói tường dắc, bên trong lầu son gác tía, người hầu kẻ hạ tấp nập, thì thấy đạo nhân đi chậm lại, rồi dẫn mình vào một dãy hành lang. Đến đây, đã thấy Giáp Phong đang đánh cờ với một ông quan trong một ngồi lầu bát giác xa tận phía trong. Thấy vậy, Trạng một hai xin phép vào gặp con ngay, nhưng mấy lần lính vào bẩm, Giáp Phong vẫn cứ làm ngơ không trả lời. Mãi sau ván cờ tàn, ông quan kia hỏi Giáp Phong:
- Anh không quen thuộc gì với người ấy ư?
- Có - Giáp Phong đáp - trước kia tôi có trọ nhà ông ta hai chục năm, nhưng vì ông ta giết oan mất một người học trò, nên tôi không ở nữa.
Khi tỉnh dậy, Trạng biết đó là sự báo oán, bèn sai gọi bố mẹ người học trò bị chém, cho họ tiền để về sửa lễ làm chay cho con.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet