Sống ở nước ngoài hay ở Việt Nam, top 3 masterchef Việt Nam mùa đầu tiên vẫn luôn hoài niệm về những ký ức đẹp đẽ, rất đỗi thân thương của trung thu thời thơ ấu. Chiếc đèn lồng xinh xắn, cái bánh nướng ngọt thơm và phá cỗ trông trăng cùng bạn bè luôn là kỷ niệm khó phai mờ nhất và đồng hành trong tâm tưởng của mỗi người trên từng chặng đường đời.
Thanh Hòa: Nhớ chiếc đèn lồng tự làm hồi tiểu học
Gần 20 năm sống ở xứ người, Thanh Hòa luôn lắng lòng mình mỗi dịp Trung thu về. Trung thu ở Australia cũng là ngày bình thường như biết bao ngày khác trong năm nhưng luôn có ý nghĩa hết sức đặc biệt với cộng đồng châu Á ở đây. Những khu phố của người châu Á được chăng đèn, bày bán các loại bánh, đồ chơi truyền thống nhiều màu sắc rực rỡ…
Thanh Hòa luôn nhớ vị bánh Trung thu riêng có của Việt Nam
Thời gian bận rộn đi học, đi làm… với bao lo toan của cuộc sống, đôi khi tới Tết Trung thu, Thanh Hòa cũng không kịp làm bữa cơm để tụ tập bạn bè hay thảnh thơi dạo phố ngắm những chiếc đèn lồng lấp lánh giữa dòng người hối hả. Tuy nhiên, nỗi nhớ về Trung Thu ngày bé và biết bao kỷ niệm khi còn ở Việt Nam lại ùa về như mới hôm qua.
Sau mấy mươi năm, hương vị bánh Trung thu Việt Nam cũng theo tâm hồn anh đi qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống. Buồn vui, hạnh phúc, vất vả, nhọc nhằn... đã nếm trải nhưng hương vị bánh Trung thu của quê nhà thật không dễ gì được thưởng thức, khi sống ở nơi đất khách, quê người.
“Hương vị bánh Trung thu Việt Nam khiến Thanh Hòa thật sự khó quên. Bản thân Hòa đã ăn bánh Trung thu nhập từ Đài Loan hay Malaysia… nhưng đều không giống hương vị đã nếm khi còn ở Việt Nam. Bánh của Việt Nam có nhân đậu xanh và thập cẩm, với bánh thập cẩm có mè, hạt dưa lột vỏ, lạp xưởng… thơm ngon. Có lẽ do những nguyên liệu đó hợp với khẩu vị của người Việt Nam và cũng chỉ có người Việt mới cảm nhận được hết vị ngon trong từng miếng bánh”, anh Thanh Hòa chia sẻ.
Thanh Hòa đã tự tay làm nhiều món ăn nhưng vẫn chưa có cơ hội trổ tài với bánh Trung thu
Nhớ về Trung Thu, trong tâm trí Thanh Hòa lại hiện về dòng ký ức đầy màu sắc tuổi thơ. Đặc biệt là những ngày cùng bạn bè làm đèn lồng, đi rước đèn, phá cỗ trông trăng. Bên cạnh vị bánh ngọt ngon thì hình ảnh chiếc đèn lồng do anh tự tay làm khi còn tiểu học vẫn được lưu giữ nguyên vẹn trong trái tim, dù năm tháng đã trôi qua rất lâu.
“Lúc Thanh Hòa còn bé, không có tiền mua đèn lồng nên cứ đến gần ngày Trung thu là tụ tập bạn bè làm đèn hình ngôi sao để thi với nhau ai làm đẹp hơn. Đêm Rằm đi rước đèn, phá cỗ là kỷ niệm không bao giờ quên. Thậm chí, có những bạn chỉ dùng ống lon sữa bò, đặt cây nến vào trong thế là đã có một chiếc đèn ý nghĩa rồi”, anh Thanh Hòa nhớ lại.
Dự định làm bánh Trung thu đã lâu, với mong muốn tìm lại chút hương vị quen thuộc thế nhưng đến nay vẫn chưa có dịp trổ tài. Trung thu năm nay có thể thêm một lần nữa anh phải lỡ hẹn cho ra lò những chiếc bánh nướng thơm ngon. Thế nhưng, “chắc chắn là Thanh Hòa sẽ làm bánh trong một ngày không xa, vì đây là điều mà tôi nung nấu từ rất lâu”.
Dịp Trung thu năm nay, nếu không bận rộn vì công việc, anh Thanh Hòa sẽ làm một số món ăn ngon để đãi cả gia đình. Với Thanh Hòa, quanh năm có thể sum họp, đoàn viên bất cứ lúc nào nhưng nếu có được bữa cơm trong ngày Trung thu sẽ thật sự có ý nghĩa. Đó là thời gian để gia đình chia sẻ, trò chuyện, cảm nhận sự ấm áp giữa bao bộn bề lo toan của đời sống thường nhật.
Khi hỏi về bánh và đồ chơi Trung Thu hiện nay, anh Thanh Hòa chia sẻ: “Trung Thu bây giờ có lẽ khác nhiều so với lúc tôi còn bé. Đồ chơi đa dạng hơn, đèn lồng nhiều kiểu dáng hơn… bánh Trung Thu cũng được bày bán khắp nơi. Tuy nhiên, bánh sản xuất quá nhiều làm cho cảm giác khi nhận được chiếc bánh từ người thân hay bạn bè không giống cảm xúc như khi còn thơ ấu”.
Quốc Trí: Mưa là sự “ám ảnh” mỗi dịp Trung Thu
Những cơn mưa của Sài Thành chợt đến rồi chợt đi trong đêm Trung thu, đôi khi cũng làm cho Quốc Trí và bạn bè quanh nhà hụt hẫng. Dường như mưa là nỗi “ám ảnh” của Trí về những ngày Trung thu khi còn thơ bé.
Với một chàng trai tuổi 20, đang là sinh viên đại học, Quốc Trí không còn cái cảm giác háo hức để đi rước đèn, ăn bánh, phá cỗ như khi còn học tiểu học. Có thể cái cảm giác đã tạm xa nhưng ký ức thì vẫn còn đó. Và trong cái không khí rộn ràng của lũ trẻ con hàng xóm, lấp lánh đèn ông sao trên phố phường nhộn nhịp của Sài Thành, bất giác trong lòng Quốc Trí lại xốn xang chút hoài niệm.
Quốc Trí giữ mãi kỷ niệm về những ngày Trung thu ấm áp bên gia đình
“Có nhiều yếu tố để Trí không mấy háo hức khi Trung thu đến, có lẽ do đã bước qua tuổi Thiếu nhi, trong nhà không còn con nít. Trong cuộc sống hiện nay, những giá trị Trung Thu không còn như trước. Trẻ con quanh nhà Trí cũng ít ra đầu hẻm nô đùa, rước đèn”. Trí chia sẻ.
Đã tự tay làm nhiều món bánh hấp dẫn, đẹp mắt trong chương trình MasterChef Việt Nam mùa đầu tiên, nhưng Rằm Tháng 8 năm nay lại là lần đầu tiên Quốc Trí thử sức với công việc làm bánh Trung thu.
Tự nhận chưa có nhiều kinh nghiệm khi làm bánh nướng nên những chiếc bánh khi ra lò vẫn chưa được như ý. Trí tâm sự: “Có lẽ do chưa làm thành thạo, bánh ra lò vẫn còn vết lằn nứt chưa được đẹp lắm. Nhưng sát ngày Trung thu, Trí sẽ làm mẻ quyết định để cả nhà thưởng thức trong đêm Rằm”.
Khác với bạn bè cùng trang lứa, sự thích thú của Trí mỗi dịp Trung thu không phải là chơi đèn lồng. Trí tiết lộ “thích nhất vẫn chơi đèn cầy (tức là nến) vào mỗi dịp Trung Thu". Cậu cùng bạn bè thường đốt chảy cây nến để lấy sáp, rồi tạo thành những khuôn hình vui nhộn hoặc đổ sáp vào vỏ ngêu, sò… và cắm thêm dây bấc để làm thành một cây nến khác. Trong đêm có ánh trăng tròn và sáng nhất trong năm, Trí lại cùng bạn bè thắp sáng những chiếc đèn ngộ nghĩnh tự tạo.
“Nhắc đến Trung thu, ngoài đèn lồng hay sáp nến thì Trí cũng không thể quên được hương vị bánh nướng được thưởng thức hồi tiểu học. Đó là hương vị mà cho đến tận bây giờ, bản thân Trí cũng không giải thích được vì sao lại ngon như thế, dù thời gian đã trôi qua lâu lắm rồi”, Quốc Trí tiết lộ.
Cái dư vị của bánh Trung thu Việt Nam hồi tiểu học theo đuổi chàng trai trẻ đến tận bây giờ. Nêm nếm biết bao hương vị nhưng rồi chính Quốc Trí chưa tìm được câu trả lời đúng nhất cho vị ngon đã khiến cậu mê mệt mấy chục năm trời.
“So sánh giữa bánh Trung Thu và nhiều loại bánh truyền thống châu Âu là một điều khó và hơi khập khiễng. Nhưng điều dễ thấy là bánh Trung thu của Việt Nam làm từ nhiều loại bột khác nhau, trong nhân có thêm hạt… ít dùng chất béo, bơ như bánh châu Âu”, Quốc Trí chia sẻ.
Trung thu năm nay, Quốc Trí vẫn ở nhà ngắm trăng, thưởng bánh cùng bố mẹ trên sân thượng. Trí bật mí: “Năm nay khác hẳn những năm trước là có bánh của Trí làm để cả nhà cùng thưởng thức chứ không ăn bánh mua ở ngoài hàng hay của người khác biếu nữa".
Thái Hòa: Hãnh diện vì sinh nhật Âm Lịch trùng ngày Trung Thu
Tết Trung Thu với Thái Hòa là ngày đặc biệt, có lẽ không phải vì được ăn bánh Trung Thu hay rước đèn mà dịp này trùng với ngày sinh nhật Âm Lịch. Đối với Thái Hòa, có sinh nhật trùng vào đêm trăng tròn, sáng nhất của năm luôn cảm thấy có một chút hãnh diện, khó có thể diễn tả thành lời.
Mỗi dịp Trung Thu, Thái Hòa nhớ về bánh nhân đậu xanh và lồng đèn
“Có một lần không nhớ chính xác lắm, nhưng kỹ niệm đó vẫn giữ mãi và rất muốn nó lập lại. Đó là vào sinh nhật thứ 11 của Thái Hòa, ngày sinh dương lịch trùng với âm lịch. Tới bây giờ, Thái Hòa cũng không muốn truy cứu lại có đúng như mình nhớ không nên cứ giữ đó là một kỷ niệm không bao giờ quên”, Thái Hòa tâm sự,
Với Thái Hòa, ngày Trung thu không phải ngày nghỉ nên bữa cơm gia đình cũng không có mấy đặc biệt. Có chăng chỉ là thêm chiếc bánh Trung Thu sau bữa ăn, cả nhà quây quần bên nhau để trò chuyện. Đó là những giây phút thực sự ấm áp và đáng nhớ.
Thái Hòa vẫn luôn dành thời gian chọn mua lồng đèn cho các con mỗi dịp Trung thu
Từ bé, khi bắt đầu cảm nhận được những gì xảy ra xung quanh cuộc sống, Thái Hòa đã được bố mẹ mua bánh Trung Thu, không phải nài nỉ hay thấp thỏm chờ đợi. Bánh Trung Thu có đủ loại bánh dẻo, bánh nướng, bánh nhân mặn, nhân ngọt… Thế nhưng, Thái Hòa chỉ thích những chiếc bánh với hình thù ngộ nghĩnh như chú heo con, bánh nhân đậụ xanh đơn giản.
Mỗi dịp Trung Thu, Thái Hòa lại háo hức nhất là được cầm trên tay chiếc đèn lồng xinh xắn để đi rước đèn cùng chúng bạn. “Ấn tượng và khiến Thái Hòa nhớ nhất là chiếc đèn lồng hình con bướm rất lớn, nhiều màu sắc sặc sỡ được ba mua. Mỗi khi nghĩ về Trung Thu, trong lòng Thái Hòa lại chộn rộn những cảm xúc của ngày thơ bé, nghĩ về chiếc đèn lồng và bánh Trung Thu nhân đậu xanh”, Thái Hòa tâm sự.
So với thời thơ ấu của Thái Hòa thì hiện nay các dòng bánh Trung thu đa dạng hơn rất nhiều. Chất lượng, hình thức đa dạng từ cao lương mỹ vị tới các loại bánh nướng,bánh dẻo đơn giản như thuở nào. Ngoài bánh chế biến theo nhu cầu dinh dưỡng như không dùng đường cho người tiểu đường, bánh chay cho người ăn kiêng… thậm chí nhiều tiệm kem còn tung ra sản phẩm bánh làm bằng kem.
Khi còn sống ở Đức, mỗi dịp Trung thu tới, gia đình Thái Hòa không tổ chức các hoạt động cho con cái, vì đây không phải là ngày lễ truyền thống ở Đức. "Tuy nhiên, người Đức cũng có một dịp lễ là Mid Autumn Festival (tạm dịch là Lễ Hội Giữa Mùa Thu). Vào ngày này, trẻ con cũng đi ra đường rước đèn, vui chơi. Lúc còn ở bên Đức, Thái Hòa vẫn dẫn các bé đi chơi ngày lễ này, vui nhộn lắm", Thái Hòa chia sẻ.
Khi Tết Trung thu về, Thái Hòa luôn dành thời gian chọn cho các con những chiếc đèn lồng đẹp nhất, bởi các bé thích rước đèn hơn là ăn bánh. Năm nay, chị dự định đưa các con sang khu Phú Mỹ Hưng tham dự các hoạt động Trung thu.
Từ khi về Việt Nam làm việc đến nay, cứ đến gần ngày Rằm Tháng 8, Thái Hòa có dịp ghi hình các chương trình về chủ đề trang trí cho các bé, điều đó giúp bản thân hiểu rõ hơn về ngày truyền thống này.
"Trẻ con hiện nay rất sáng tạo, vào dịp Trung thu, thay vì làm lồng đèn, thì các bé tập khoét các trái bầu, ớt chuông tô để có thể thắp đèn cầy vừa tỏa sáng vừa tạo mùi thơm. Các bé thích làm bánh Trung thu rau câu hơn là bánh ngọt. Cho nên mỗi mùa Trung Thu là một trải nghiệm mới về cách tổ chức đón Trung Thu", Thái Hòa tâm sự.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet