Đọc bài viết "Được bà chiều, con giơ tay tát mẹ" mà mình cảm thấy vô cùng bức xúc. Mình cũng đã từng ở hoàn cảnh như bạn, bị chồng và cả gia đình chồng cô lập và gọi mình là "mẹ mìn" chỉ vì mình không chịu chiều con. Tuy nhiên, mình vẫn rất kiên định và quyết tâm dạy con theo phương pháp của bản thân. Trẻ em rất hay bị ảnh hưởng bởi thói nuông chiều vô điều kiện của người lớn, dễ sinh hư và trở nên ương bướng khó bảo. Mình xin chia sẻ với bạn kinh nghiệm trị con ương bướng.
2 năm sau khi kết hôn mình và ông xã mới sinh con đầu lòng. Vì vậy, bé Mun được ông bà nội/ngoại coi như 'cục vàng, cục bạc' chăm sóc rất chu đáo, tận tình. Trộm vía bé nhà mình rất bụ và kháu khỉnh nên ông bà lại càng thích và hay cho bé đi chơi cùng để 'khoe'. Được mọi người yêu thương chiều chuộng nên mới 5 tuổi mà Mun nhà mình đã rất ghê gớm, đáo để. Mình thì đi làm cả ngày, chỉ có tối và hai ngày cuối tuần được ở bên chồng con. Những tưởng cả gia đình sẽ được quây quần vui vẻ, ai dè càng quan sát con mình càng đau đầu và lo lắng.
Mỗi khi không vừa ý, con sẵn sàng khóc lóc "ăn vạ" chốn đông người (ảnh minh họa)
Một lần, hai vợ chồng đưa Mun đi siêu thị. Qua gian kẹo bánh, mình vô cùng bất ngờ khi thấy con tự động nhặt 'thập cẩm' các loại kẹo ngọt, thạch, ô mai, bánh, socola... cho vào giỏ. Mình nghiêm mặt bảo "Mun, con đã xin phép mẹ chưa mà lại tự động mua như thế?", ai dè bé "quặc" lại mình ngay "Con mua có mỗi mấy gói kẹo mà mẹ lại mắng con thế, bà chả bao giờ như vậy cả, con đi mua với bà con thích gì nhặt gì bà cũng mua". Ngay sau đó, bé khóc nức nở như thể vừa bị đánh đòn oan.
Chồng mình lúc đó cũng từ đâu chạy ra bảo "Hai mẹ con làm cái gì mà như chợ vỡ thế, ở đây là chỗ đông người sao em lại mắng con để con khóc như thế này". Thế là suốt chặng đường về, chồng mình càm ràm mình không ngớt vì tội để con khóc, nào là con còn nhỏ, có biết gì đâu, con thích ăn gì thì mua cho con, tiếc gì mấy chục bạc, được ngày cuối tuần cho con đi chơi mà hỏng hết cả.
Về đến nhà Mun liền chạy lên ngay phòng ông bà mách tội mẹ. Mẹ chồng mình mới nghe cháu nói đã tỏ vẻ không hài lòng, bà xuống gặp mình phàn nàn ngay rằng sao mẹ gì mà như "mẹ mìn", tiết kiệm quá tội con, rồi bà chẹp miệng đi lên cầu thang không quên thở dài vài cái. Bữa tối của gia đình cũng nặng nề vì thi thoảng ông bà lại nhắc lại chuyện này như thể mình là người mẹ ki kiệt, không biết thương con.
Mình thực sự rất buồn không chỉ vì chuyện con đòi ăn uống nhiều đồ ngọt sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, mà còn vì mình chợt nhận ra Mun đã trở thành một đứa trẻ mè nheo, hay vòi vĩnh và không biết nghe lời. Vậy là mình quyêt định sẽ bắt tay vào việc dạy dỗ lại Mun. Thà muộn còn hơn không các mẹ nhỉ?
Cha mẹ cần thống nhất trong cách dạy mới mong trị được tật mè nheo của con (Ảnh minh họa).
Cần thống nhất quan điểm nuôi dạy con trong gia đình
Những gia đình cha mẹ, con cháu ở cùng với ông bà nội như mình không phải là hiếm. Theo mình, chính sự không thống nhất trong cách dạy con của hai thế hệ đã tạo ra những "kẽ hở" để trẻ phát triển lệch lạc. Chính vì vậy, nếu muốn dạy con ngoan, nên người trước tiên ta cần thống nhất quan điểm trong cả gia đình. Mình tin là bố mẹ, ông bà nào cũng đều thương cháu, muốn cho cháu mình những điều tốt nhất. Vậy nên nếu mình biết cách nói chuyện, ông bà sẽ ủng hộ phương pháp dạy của mình thôi.
Mình và chồng đã có cuộc "họp kín" với ông bà. Mình muốn cho ông bà hiểu rằng việc chiều chuộng Mun thực sự không khó, việc mua cho bé que kem, gói kẹo là chuyện hết sức đơn giản và không phải vì tiếc tiền mà bố mẹ không đáp ứng cho Mun. Điều cơ bản rằng khi trẻ con được cưng nựng như vậy, bé sẽ hình thành tính cách được voi đòi tiên. Khi bé biết mình có thể "nắm thóp" được ông bà bố mẹ, bé sẽ "lộng hành" và ngày càng có nhiều chiêu trò để đòi hỏi.
Ban đầu có thể chỉ là cái bánh cái kẹo, nhưng về sau sẽ là cái quần cái áo rồi điện thoại, xe đạp, xe máy - những vật phẩm không phù hợp với độ tuổi cũng như sự phát triển của bé. Được chiều đến một mức độ nào đó rồi, bé sẽ quên mất với việc bị từ chối. Nếu có ai đó nói Không với bé, bé sẽ có những phản ứng hết sức tiêu cực và thậm chí là hỗn láo đối với bề trên.
Do đó, mình đã đề nghị cả gia đình cùng thống nhất và bắt tay vào việc uốn nắn Mun trước khi quá muộn. Vì nếu chỉ một mình mình đơn phương dạy Mun như vậy thì Mun sẽ phát hiện ra rằng, mẹ thì "ác" còn chỉ có ông bà mới là người thương mình - như vậy Mun sẽ có những suy nghĩ lệch lạc không tốt.
Cần biết nói "không" với con
Theo mình, nguyên do đầu tiên của việc nhõng nhẽo là do Mun chưa từng bị người lớn từ chối bất cứ yêu cầu gì. Do đó từ nay cả gia đình phải biết nói "không" với Mun nhưng không quát mắng mà phải điềm tĩnh giữ thế chỉ huy đối với bé. Triết lý đằng sau kỹ thuật này là chúng ta không muốn châm ngòi cho những cuộc chiến hay cãi vã với con trẻ. Bố mẹ đáp lại những yêu cầu và hành vi không tốt của trẻ với một thông báo đơn giản và nhất quán.
Tuy nhiên, trẻ con rất tinh ý, bé có thể phát hiện được rằng liệu có khả năng nào bạn thỏa hiệp với bé được không, nếu có bé sẽ lấn lướt và làm tới quyết liệt cho đến khi bạn đồng ý thì thôi. Vậy nên để "đối phó" với Mun trong những tình huống như vậy, mình yêu cầu cả gia đình phải cương quyết và giữ thái độ điềm tĩnh. Bởi trẻ cần nhận ra, ông bà bố mẹ mới là người quyết định chứ không phải con.
Khen thưởng đúng lúc và tảng lờ những lúc con nhõng nhẽo
Một thống kê cho thấy chỉ có 75% bà mẹ và khoảng 50% các ông bố ôm con tuổi đến trường hằng ngày. Điều đó không có gì ngạc nhiên khi trẻ quyết định phải hành động ra ngoài khuôn khổ để lôi kéo sự chú ý của bố mẹ mình. Ví dụ như Mun nhà mình vào bữa ăn, con ỉ ôi thở vắn than dài như bà cụ non, dứt khoát không chịu tự xúc. Mình biết Mun hoàn toàn có thể tự xúc và ăn ngoan là đằng khác nhưng đôi khi con thích làm như vậy chỉ vì muốn cả nhà tập trung vào mình. Những lúc như thế mình cũng động viên con ăn, nhưng nếu con vẫn tiếp tục, cả nhà sẽ tảng lờ Mun. Khi trẻ thấy chiêu trò của mình vô tác dụng, trẻ sẽ tự thôi.
Cần nói, có thể Mun sẽ ăn tiếp và cũng có thể không, nhưng chuyện này không quan trọng vì mình hoàn toàn có thể cho con ăn bù vào lúc khác. Đổi lại, Mun có thể nhận ra rằng sự nhõng nhẽo không giải quyết được vẫn đề gì.
Bằng cách tập trung chú ý đến con khi chúng cư xử tốt, bạn cũng sẽ giảm được việc con cảm thấy cần phải "làm gì đó" để chúng ta phải chạy tới và nói chuyện với con. Mình luôn chú ý đến Mun và khen thưởng con kịp thời khi con ngoan, giúp mẹ gấp quần áo hay đạt điểm tốt ở trường. Khi Mun quét nhà giúp bà, bà cũng có thể thưởng cho Mun bằng việc đáp ứng một yêu cầu nhỏ của cháu.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet