Hơn 100 câu hỏi được chuyển tới các chuyên gia trong những phút đầu tiên. Ảnh: Đức Quang. |
- Con em 13 tháng, nhưng cách đây 4 tháng, tay và chân bé bị nổi mẩn nhỏ, sần sùi. Lúc đầu em nghĩ do thời tiết nhưng tới giờ bé bị càng nhiều, nổi mẩn ngay lỗ chân lông. Xin bác sĩ cho biết em bé bị bệnh gì ạ? (Duong Thi Thuy Dung, 39 tuổi)
- Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê - Trưởng khoa Nhi BV Hạnh Phúc:
Chào bạn!
Nổi mẩn đỏ có nhiều nguyên nhân, có thể do dị ứng thức ăn, dị ứng tiếp xúc vì tuổi này bé đã có thể ăn thêm nhiều món khác ngoài sữa và tiếp xúc với môi trường nhiều hơn. Cũng có thể bé bị nổi mẩn đỏ do thời tiết, là dạng dị ứng thời tiết. Ngoài ra, bé có thể liên quan đến vấn đề viêm da vì theo mẹ tả, bé có nổi mẩn đỏ ở lỗ chân lông. Một số bé có thể nổi mẫn đỏ do nhiễm giun sán...
Theo tôi, bạn nên cho bé đi khám để bác sĩ làm một số xét nghiệm về nhiễm trùng hoặc dị ứng cho bé để xem bé bị mẩn đỏ là do viêm da hay do nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng...
- Da bé từ 3 tuổi có khác biệt nhiều với da người lớn không? Nếu có khác biệt thì phải chăm sóc da bé ở độ tuổi này như thế nào mới đúng cách? (Chau Nguyen, 32 tuổi, Quan 2)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương, nguyên giảng viên chính bộ môn Nhi, Đại học Y Dược, TP HCM:
Chào em.
Da bé từ 3 tuổi có nhiều khác biệt với da của người lớn. Thứ nhất là khác biệt về cấu trúc: biểu bì mỏng hơn, thượng bì mỏng hơn, tế bào sừng nhỏ hơn, tính đàn hồi cao hơn. Về thành phần: da trẻ em cũng khác da người lớn: hàm lượng nước dưới da nhiều hơn, các yếu tố giữ ẩm tự nhiên ít hơn, lượng sắc tố đen ít hơn, ít chất béo hơn, lớp axít ngoài da chưa hoàn thiện. Về chức năng cũng khác: khác về trao đổi nước, hàng rào da không hiệu quả như người lớn, da trẻ nhạy cảm với yếu tố môi trường nhiều hơn người lớn.
Da trẻ mỏng hơn da người trưởng thành, lớp da thượng bì chỉ mỏng độ khoảng 30% so với người lớn. Da dễ thấm nước và dễ thấm các chất gây kích ứng, hàng rào bảo vệ chống lại những tác hại từ môi trường (chất kích ứng, chất dị ứng, vi khuẩn) kém hơn. Da cần sự bảo vệ thì mới khỏe mạnh.
Chăm sóc da đúng cách gồm 3 bước:
- Làm sạch da.
- Lau khô.
- Bôi kem dưỡng ẩm.
Ngoài ra, bạn phải sử dụng những sản phẩm sữa tắm thích hợp với đặc tính của da trẻ.
Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương, nguyên giảng viên chính bộ môn Nhi, Đại học Y Dược, TP HCM |
- Con tôi bị dị ứng cơ địa, tiếp xúc với vận dụng như sắt, mạt cưa và một vài chất khác, da cháu bị mẩn ngứa, có khi lan ra toàn thân. Khi giao mùa, cháu cũng bị như vậy. Xin bác sĩ tư vấn cách phòng tránh. Cháu hiện 8 tuổi. Cảm ơn bác sĩ (Đoàn Quý, 35 tuổi, Hà Nội)
- Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê:
Dị ứng cơ địa tương đối phổ biến và ảnh hưởng 15-30% trẻ em, được nhận định là liên quan cả yếu tố di truyền và môi trường. Với những em bé có cơ địa dị ứng, cha mẹ cần đưa bé đi làm các xét nghiệm chẩn đoán tìm dị nguyên (tức là những tác nhân gây dị ứng) để phòng ngừa cho các bé. Những xét nghiệm này hiện nay có thể thực hiện được ở nhiều cơ sở y tế tại TP HCM.
Thường các bé trên 3 tuổi sẽ giảm dần dị ứng, tuy nhiên có những bé cần phải được phòng tránh những dị nguyên suốt đời, vì vậy cha mẹ cần lưu tâm, biết những dị nguyên có thể gây dị ứng cho con mình để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất cho bé.
Trường hợp con chị, có thể bé dị ứng với thời tiết hoặc liên quan đến dị ứng phấn hoa vào những mùa hoa nở.
- Da bé nhà tôi khá là nhạy cảm, mặc quần áo hơi cứng cũng bị ửng đỏ nên tôi ngại dùng xà bông tắm cho con, chỉ dám tắm bằng nước thôi vì sợ các thành phần trong sữa tắm sẽ ảnh hưởng đến da con, tuy vậy tôi có cũng cảm giác da bé không được sạch, xin bác sĩ tư vấn giúp? (Chau Thi Phuong, 33 tuổi, Quan 8)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Phương thân mến!
Người tiêu dùng ngày càng có nhiều sự lựa chọn; với các chuyên gia y tế, ý kiến của mọi người luôn được trân trọng. Và vì thế, đánh giá của mọi người về các sản phẩm dành cho trẻ thường được thu thập - cho nên việc mọi người nhận rõ được các lầm tưởng thường gặp về cách sử dụng và công thức của các sản phẩm là rất quan trọng.
Lầm tưởng: nước là chất làm sạch tốt nhất.
Như là một phản ứng với thế giới ngày càng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nhiều người tìm đến một cuộc sống "tự nhiên" hơn. Tuy nhiên, điều đó dẫn đến một sự ngộ nhận là các sản phẩm "thiên nhiên" luôn an toàn và tốt hơn các sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất kỹ lưỡng. Có thể lấy ví dụ từ lầm tưởng rằng nước - một trong những chất tự nhiên nhất là chất làm sạch tốt nhất.
Đầu tiên, nước có thể không có hiệu quả làm sạch: nước chỉ có thể làm trôi đi các chất tan trong nước; còn các chất tan trong dầu thì cần surfactant. Nước có thể xem là một chất gây kích ứng da yếu, với chất bẩn, khoáng chất hòa tan, nồng độ thẩm thấu và nhiệt độ cao, góp phần tạo nên khả năng gây kích ứng, đặc biệt với những trẻ bị viêm da kích ứng.
Một cách lý tưởng, sản phẩm làm sạch cần hiệu quả hơn nước trong việc làm sạch chất bẩn và tối thiểu không gây kích ứng da hơn trước. Các nghiên cứu ngẫu nhiên có nhóm chứng với mẫu lớn đã cho thấy các sản phẩm làm sạch, khăn giấy ướt, gel hay dung dịch dưỡng da có công thức phù hợp không có tính gây kích ứng cao hơn nước đối với làn da mỏng manh của trẻ. Vậy nên dùng sữa tắm của trẻ để tắm trẻ. Đây là loại sữa tắm giảm kích ứng, phù hợp với các làn da nhạy cảm.
- Bé nhỏ nhà tôi nay đã vào mẫu giáo, tuổi này bé cũng nghịch ngợm hơn nên đi học về là người cứ nhờn rít, nặng mùi… Bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi cách chăm sóc da phù hợp cho bé ở độ tuổi hiếu động này không? (Phạm Hoàng Vân, 28 tuổi, Quận 3- Hồ Chí Minh)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Chào Vân!
Ở lứa tuổi này, do đặc tính của bé hoạt động liên tục, ra mồ hôi nhiều, đôi khi nặng mùi, nên chị có thể tắm bé và chăm sóc làn da của bé theo 3 bước cơ bản:
- Làm sạch da: nên sử dụng sữa tắm và dầu gội phù hợp.
- Làm khô: vỗ nhẹ hay xoa nhẹ nhàng để làm khô da trẻ với khăn mềm. Động tác này cũng là một gắn kết giữa cha mẹ và trẻ.
- Bôi kem dưỡng ẩm: duy trì lượng nước và bảo vệ da với kem dưỡng ẩm; giữ gìn độ ẩm da và thêm gắn kết với trẻ bằng cách mát xa với dầu dưỡng da dịu nhẹ.
Sản phẩm sữa tắm và dầu gội đầu phù hợp với lứa tuổi của bé sẽ giúp chị giải quyết được những vấn đề trên.
- Da con em lúc dưới 3 tuổi thường bị viêm da, nhưng trên 3 tuổi thì chưa bị gì hết. Em muốn tắm cho con bằng sữa bò tươi có được không, nhờ bác sĩ tư vấn giúp. (Ngô Thị Dung, 35 tuổi, 1/97/29 Nguyễn Văn Quá, p.ĐHT, Q12)
- Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê:
Khả năng miễn dịch của các bé hoàn thiện dần theo lứa tuổi, vì vậy dưới 3 tuổi, da con của bạn thường nhạy cảm hơn do những nguyên nhân sau đây:
- Bề mặt da của trẻ em so với trọng lượng cơ thể cao hơn người lớn 3-5 lần. Do đó, sự thải nước và hấp thu nước theo đường da ở trẻ em sẽ lớn hơn người lớn.
- Da trẻ dễ bị trầy do cọ sát, lớp axit bảo vệ chưa được hoàn thiện.
- Da trẻ sẽ hấp thu lượng lớn hơn các chất bôi trên da.
- Da trẻ dễ bị khô, hàng rào bảo vệ chưa trưởng thành, điều hòa nhiệt chưa hoàn thiện
- Khả năng bảo vệ bẩm sinh chống tia mặt trời kém
- Da trẻ dễ bị trầy, nhiễm khuẩn và nhạy cảm gấp 10 lần so với da người lớn do yếu tố môi trường
Vì vậy, mẹ nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc đặc biệt dành cho da của bé, không nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chưa được kiểm nghiệm (ví dụ: sữa bò tươi...)
Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê. |
- Bé nhà em 3 tuổi nhưng em đã cho xài sữa tắm cùng với ba mẹ, như vậy có được không thưa bác sĩ? (Bình Minh, 25 tuổi, Tan Binh)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Bình Minh thân mến!
Bé nhà chị 3 tuổi có nghĩa là làn da của bé vẫn chưa trưởng thành như người lớn. Vì da trẻ vẫn còn mỏng hơn da của người trưởng thành, lớp thượng bì và biểu bì chỉ mỏng 20-30% so với da của người lớn và làn da này vẫn đang không ngừng phát triển và cũng không ngừng phải đương đầu với các tác nhân làm hại da trẻ từ cuộc sống xung quanh.
Ngoài ra, tuổi này, da bé dễ thấm nước và dễ thấm các chất gây kích ứng: hàng rào bảo vệ chống lại những nguy hại từ môi trường yếu hơn người lớn. Cho nên, chị không nên cho trẻ sử dụng sữa tắm của người lớn vì độ tẩy mạnh và độ bảo vệ không phù hợp với da trẻ.
- Bé nhà em hiện nay hơn một tuổi, hay ra nhiều mồ hôi có phải do máu nóng như các cụ vẫn thường nói nên vì vậy dù không bị muỗi hay côn trùng đốt mà bé vẫn cứ gãi gây ngứa ngáy và để lại sẹo? (Nguyễn Thị Hồng Vân, 36 tuổi, HK - HN)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Vân mến!
Đây là câu hỏi mà rất nhiều bà mẹ đã đặt ra cho chúng tôi. Xin được giải thích để chị hiểu rằng chuyển hóa cơ bản của đứa bé rất cao so với người lớn, có thể gấp 4-5 lần. Vì thế trẻ rất dễ đổ mồ hôi, ban đêm người lớn cảm giác lạnh nhưng đứa bé cũng đầm đìa mồ hôi cho dù nằm trong phòng lạnh. Điều này hết sức bình thường vì nó phù hợp với phát triển của đứa bé. Sau một ngày thu nhận thông tin qua ngũ quan, ban đêm là lúc trẻ tổng hợp để cất các thông tin vào bộ nhớ có liên quan và tổng hợp chuyển hóa tại các cơ quan như não, tim, thận, gan, xương - kéo dài chiều cao. Như vậy bé phải ra mồ hôi.
Nếu bé ra nhiều mồ hôi, chị có thể lau khô, thay quần áo, cho mặc đồ có chất liệu cotton, tay dài, quần dài thay vì đắp mền.
Trong suốt cả cuộc đời của đứa trẻ, nhất là trong giai đoạn khám phá, trẻ hay đi vào những góc nhà - nơi có nhiều muỗi, kiến... nên chuyện bé bị muỗi, kiến đốt là chuyện thường gặp.
Để khắc phục tình trạng này, chị có thể vệ sinh nhà cửa thật sạch, lau chùi sàn gạch, đừng để vết bám của dầu mỡ, đường tồn tại sẽ thu hút côn trùng đến. Nếu môi trường vẫn có nhiều muỗi, kiến, chị có thể dùng dầu đuổi côn trùng phù hợp với lứa tuổi để thoa lên da của bé. Nếu bé bị cắn rồi, chị có thể sử dụng dầu bôi để làm giảm kích ứng ngoài da của trẻ.
Thẹo nếu có xuất hiện theo thời gian cũng sẽ mờ dần, chẳng có gì đáng lo.
- Bé trai nhà em được 3,5 tuổi. Thời gian gần đây cháu thường xuyên bị nổi mẩn ngứa. Ban đầu nhìn giống như bị côn trùng cắn nhưng theo dõi kỹ thì không phải.Vết mẩn đó sưng to, cứng, và rất ngứa. Em bôi cho cháu dầu một lát thì đỡ và tiếp tục bị nổi chỗ khác, cháu rất khó chịu, nhiều lúc cháu không ngủ được, gải trầy xước nên sau dó da cháu bị thâm ở những chỗ ngứa. Không biết cháu bị gì mặc dù em đã kiểm tra rất kỹ các đồ dùng vệ sinh của bé và xà bông tắm bé, như Johnson's baby đã xài từ lâu. Em xin cảm ơn bác sĩ. (le thi ngoc tram, 35 tuổi, 26B Phan Chu Trinh, Phuong Hiep Phu, Q9)
- Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê:
Chào bạn!
Bé trai trên 3 tuổi vẫn đang phát triển để hoàn thiện cả về sự tăng trưởng và trưởng thành cơ thể. Giai đoạn này, bé thường năng động, có thể tiếp xúc với nhiều đồ vật lạ tại gia đình, trường học cũng như các món ăn đã phong phú hơn nhiều. Mẩn ngứa ở da thường liên quan đến vấn đề dị ứng do tiếp xúc hoặc do các dị nguyên của môi trường hoặc thông qua ăn uống. Vì vậy, điều quan trọng không phải chỉ thoa dầu để chữa vết ngứa đó, nếu như chúng ta chưa tìm ra được nguyên nhân gây nên mẩn ngứa. Bé cần được đưa tới gặp bác sĩ chuyên khoa nội nhi hoặc bác sĩ da liễu nhi để làm các xét nghiệm dị ứng, từ đó tìm ra nguyên nhân gây ra mẩn ngứa để phòng ngừa cho bé. Ngoài ra, ở lứa tuổi này, các bé cần xổ giun ít nhất mỗi năm một lần vì đôi khi giun sán cũng chính là nguyên nhân gây ra mẩn ngứa đối với bé.
Riêng về sản phẩm chăm sóc da, chị nên sử dụng những loại dành cho trẻ em.
- Bé nhà tôi được tặng bộ sản phẩm của Johnson’s baby từ lúc mới sinh, tôi dùng thấy được lắm nên vẫn dùng cho bé đến nay đã hơn 3 năm. Tôi có cần thay đổi các sản phẩm chăm sóc da cho bé không vì hiện nay bé đi mẫu giáo rồi nên hay vui chơi, chạy nhảy, đổ mồ hôi cũng nhiều hơn? (Tran Ngoc Lien, 34 tuổi)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Liên thân mến!
Sản phẩm mà bạn nêu tên sử dụng tốt cho trẻ và nếu hiện tại bé 3 tuổi, bạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Điều đó tốt cho da của bé vì da sẽ được làm sạch, giữ ẩm và bảo vệ hiệu quả.
Cho dù bé vui chơi, chạy nhảy, đổ mồi hôi nhiều hơn thì sản phẩm này vẫn còn thích hợp.
Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương |
- Con em được 13 tháng tuổi, 2 tháng gần đây em thấy da bé vàng... về chế độ ăn của bé em cân đối lượng vitamin A vừa phải. Một tháng gần đây emđã hạn chế cho bé ăn các loại thức ăn chứa nhiều vitamin A, tuy nhiên da vẫn vàng và không thay đổi, liệu đây có phải là vàng da do bệnh lý không thưa bác sĩ? Bé nhà em vẫn vui chơi và hoạt động bình thường. (Nguyễn Thị Thanh Quý, 30 tuổi)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Chào Quý!
Câu hỏi của bạn rất hay. Quan sát được làn da của bé vàng là điều không phải dễ có ở những bà mẹ khác. Bạn Quý đã theo dõi con rất cẩn thận!
Vàng da là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý hoặc đó chỉ là một dấu hiệu sinh lý. Khi gọi là vàng da sinh lý thì đứa bé vẫn vui chơi, tăng ký, ăn uống bình thường, tiêu tiểu tốt, nhưng do chế độ ăn dồi dào về thực phẩm chứa nhiều vitamin A, nên nếu bạn đã ngưng sử dụng các loại thức ăn nhiều vitamin A thì khoảng thời gian sau vài tháng, vitamin A sẽ được đào thải ra hết, da bé sẽ hết vàng.
Nếu là vàng da bệnh lý, thường phải kèm theo những dấu hiệu về rối loạn tiêu hóa như chán ăn, ăn ói, táo bón... chậm lên cân, mệt mỏi, lừ đừ... hình như con bạn Quý không giống trường hợp này.
Nhưng nếu bạn thực sự vẫn còn lo lắng thì hãy nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi để được cho thực hiện xét nghiệm kiểm tra về chức năng gan và bilirubine.
- Bé nhà em 20 tháng, da bé rất độc, mỗi khi bị muỗi chích là sưng tấy, làm mủ, để lại vết thâm. Em có mặc quần áo dài tay cho con nhưng bác sĩ có thể tư vấn giúp em cách phòng tránh muỗi đốt, em có thể sử dụng Johnson's anti-most cho bé không ạ (pham nhu nhai, 28 tuổi)
- Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê:
Cơ địa của mỗi người là khác nhau, vì vậy dù cùng bị muỗi đốt nhưng không phải ai cũng bị sưng tấy, mưng mủ sau khi muỗi đốt. Con bạn thuộc trường hợp có cơ địa da nhạy cảm hơn so với người khác. Đó là lý do bé thường bị muỗi đốt và dễ để lại những vết sưng tấy, mưng mủ và vết thâm. Phòng ngừa muỗi đốt là rất quan trọng, không chỉ vì vấn đề thẩm mỹ mà còn vì cần phải phòng ngừa những bệnh lây truyền do muỗi đốt, ví dụ: sốt xuất huyết, sốt rét...
Để tránh muỗi đốt, ngoài vấn đề mặc quần áo dài tay cho con như bạn nói thì bạn cần chú ý làm sạch môi trường xung quanh nhà, không để cho nước ứ đọng lâu ngày và cần diệt muỗi thường xuyên.
Sản phẩm bạn đang dùng để chống muỗi cho bé có thể xoa cho bé 6 tiếng một lần.
- Con em hơn 10 tháng, cháu bị nổi lên như mụn trứng cá, có nhân trắng ở 2 má, ở tai, và hai cánh tay. Cháu bị nổi lên như thế khoảng 4 tháng nay rồi. Bà nội có tắm cho cháu bằng các loại lá như bồ công anh, mướp đắng... nhưng không đỡ. Xin bác sĩ cho biết là cháu bị sao không ạ? (Phạm Thị Vân, 31 tuổi, Hải Phòng)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Vân mến!
Làn da của trẻ nhỏ trong vòng 3 năm đầu còn rất nhiều thay đổi và những triệu chứng thường gặp là nổi lên như mụn trứng cá, có nhân trắng ở 2 má, ở tai và 2 cánh tay... đó là do các chất tiết từ các tuyến mồ hôi tiết ra da nhưng đang bị bít lại. Cứ năng tắm rửa cháu thường xuyên bằng sữa tắm dành cho trẻ nhỏ, các loại mụn trên sẽ rụng hết mà không cần gỡ, lể, nặng...
Sắc đẹp của cháu sẽ không bị ảnh hưởng. Mong chị yên tâm.
- Nhà tôi chuẩn bị đi biển 3 ngày. Xin cho hỏi: tôi có thể dùng kem chống nắng của người lớn để bôi cho 2 bé gái (6 tuổi và 20 tháng) không? Có vấn đề gì khi dùng kem chống nắng cho bé để đi tắm biển không? Xin cám ơn bác sĩ. (Thu Thắm, 32 tuổi, 9/9 Tân Lập -Đông Hòa - Dĩ An - Bình DƯơng)
- Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê:
Chào bạn!
Trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ, mà là một cơ thể đang lớn lên và phát triển. Chúng ta nên cho trẻ dùng những sản phẩm chăm sóc da dành riêng cho trẻ em, dù là đối với bé gái 20 tháng tuổi hay 6 tuổi cũng vậy. Hiện nay trên thị trường có loại kem chống nắng dành riêng cho trẻ và loại dành cho người lớn. Đây là 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau nên bạn không nên dùng sản phẩm của người lớn để thoa cho con.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê |
- Cứ đến hè là mấy nhóc nhà tôi người lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi vì các bé cứ đùa giỡn, chạy chơi cả ngày. Bé nhỏ còn hay bị nổi rôm sẩy trên da nữa nên chơi một tý là than với mẹ người con bị ngứa ngáy, khó chịu. Bác sĩ có thể cho tôi lời khuyên làm sao để giữ cho các con sạch sẽ, thoải mái hơn khi vui chơi không? (Ho Thi Sa, 32 tuổi, Nguyen Huu Tho, Nha Be)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Rôm rẩy là do tuyến mồ hôi làm việc quá độ và các chất tiết từ tuyến mồ hôi bị bít hoặc do mồ hôi có nhiều dầu... Do đó với mồ hôi ứ lại trên da của bé sẽ là chất dễ gây kích ứng và nhiễm trùng.
Để chăm sóc da cho bé, bạn có thể thực hiện 3 bước chăm sóc cơ bản cho làn da của bé:
- Làm sạch.
- Lau khô.
- Bôi kem dưỡng ẩm.
Hoặc một ngày bạn tắm cho bé 2-3 lần khi bé chơi xong, đổ mồi hôi nhiều, trước khi đi ngủ. Khi vui chơi, bạn cho bé mặc quần áo thoải mái bằng cotton để hút mồ hôi. sau khi chơi xong, bạn nên cho bé tắm sạch sẽ theo 3 bước trên.
- Da bé nhà em dù mới 3 tuổi nhưng hay sần sùi, không được mịn như các bé khác, có phải do em không dùng sữa tắm thích hợp cho bé không ạ? (Lien Le, 26 tuổi, p12, Phu Nhuan, HCM)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Chị Lê mến!
Da con chị sần sùi, không mịn màng như các bé khác do nhiều nguyên nhân:
- Yếu tố cơ địa, di truyền.
- Các chất tiếp xúc với da bé chưa phù hợp: dùng các dung dịch sữa tắm, dầu gội đầu chưa phù hợp với lứa tuổi của bé.
- Các loại xà bông giặt đồ, nước xả vải cũng là những chất gây kích ứng cho làn da của bé.
Cho nên, để giữ an toàn cho làn da của bé, quần áo nên phơi ngoài nắng và ủi trước khi cho tiếp xúc với làn da của bé.
- Kính gửi bác sĩ Hạnh Lê.
Con cháu được 13 tháng tuổi, nặng 9 kg. Hiện giờ cháu bị rôm sẩy rất nhiều, hàng ngày cháu tắm bằng nước nấu quả khổ qua nhưng vẫn không giảm. Xin bác sĩ tư vấn giúp cách trị rôm sảy hiệu quả nhất.
Cám ơn bác sĩ! (Phạm Thị Loan, 31 tuổi, Dĩ An, Bình Dương)
- Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê:
Một em bé 13 tháng tuổi, nặng 9 kg là có cân nặng tương đối lý tưởng. Thời tiết hiện nay vẫn còn nóng ẩm nhiều, trong khi các em bé lứa tuổi này có cấu tạo da chưa hoàn thiện, điều hòa thân nhiệt chưa tốt do da trẻ dễ thấm và khô hơn bởi lớp thượng bì và hạ bì mỏng hơn 30%, tế bào da nhỏ hơn, có ít yếu tố làm ẩm tự nhiên hơn. Da trẻ chưa trưởng thành và điều hòa thân nhiệt chưa hoàn thiện, các tuyến nhờn kém hoạt động, tuyến mồ hôi ít hoạt động, thần kinh và mạch máu chưa hoàn chỉnh nên các bé dễ bị rôm sẩy.
Tắm con bằng nước nấu khổ qua là phương pháp dân gian được nhiều người sử dụng, tuy nhiên, phương pháp này chưa được khoa học chứng minh.
Cách tốt nhất để phòng ngừa rôm sẩy cho bé là mặc quần áo thông thoáng, sử dụng quần áo từ chất liệu cotton để thấm hút tốt mồ hôi cho bé, cho bé chơi và sinh hoạt ở những nơi không quá nóng, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào da bé vì sắc tố da của bé đang phát triển, khả năng bảo vệ bẩm sinh chống tia mặt trời của bé còn kém...
Khi tắm cho bé cần sử dụng những sản phẩm dành riêng cho trẻ em, có khả năng duy trì độ ẩm của da, không gây kích ứng da, không làm khô da.
- Để giữ da bé sạch, có nên tắm nhiều lần trong ngày cho bé không thưa bác sĩ? (Thao Phan, 29 tuổi, Tra Vinh)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Chào Thảo!
Bé nào cũng cần tắm mỗi ngày để da sạch và được sử dụng những loại kem dưỡng da phù hợp sau khi tắm.
Tùy theo mức độ hoạt động của bé, khi bé ra mồ hôi nhiều, việc tắm rửa là cần thiết vô cùng. Do đó, việc bạn tắm cho bé 2 hay 3 lần trong một ngày vẫn có thể xảy ra nếu con bạn hoạt động tích cực. Nên nhớ, bạn cũng phải bảo vệ bé khi tắm, tức là nên tắm chỗ kín gió bằng nước ấm, sữa tắm phù hợp với lứa tuổi, lau khô trước khi mặc áo lại cho bé.
Toàn cảnh buổi tư vấn trực tuyến chiều 12/8. |
- Bé gái của em 11 tháng hay bị hăm mông và vùng kín. Khi bé tiểu xong em luôn thấm nước đọng ngay kẽ mông và kẽ vùng kín. Em nên chăm sóc sao thưa bác sĩ. (Trầm thị đào, 28 tuổi)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Em Đào thân mến!
Vị trí hâm ở mông và vùng kín chứng tỏ con em bịt tã giấy suốt ngày hoặc là em có thay tã nhưng bé đã tiểu trên một lần mới thay. Cho nên, bé sẽ bị ẩm ướt ở vùng mông và vùng kín. Đây là bệnh thường gặp và được gọi là "Hội chứng tã giấy" xuất hiện ở các nước phương Tây thập niên 80-90.
Hiện nay, vì tiện ích của tã giấy, nên các gia đình rất chuộng sử dụng cho con em của mình. Như thế muốn hội chứng này không xảy ra, em phải thay tã cho bé sau mỗi lần đi tiểu, đi tiêu. Sau khi vệ sinh thật sạch, em phải lau khô cho bé, rồi bịt tã giấy lại. Một cách tránh được hội chứng này là hãy quay về mặc tã truyền thống bằng vải và như thế mông đít và vùng kín sẽ thoáng mát vô cùng.
Sang thương hâm mông và vùng kín sẽ được chăm sóc bởi bác sĩ Nhi bằng những loại thuốc đặc trị cho bé. Gợi ý thêm hình như da bé khô, do vậy em nên xem lại sữa tắm, dầu gội đầu và kem dưỡng ẩm có thích hợp hay không vì làn da khô dễ bị kích thích nhất.
- Con em bị tróc lớp da ở đầu tất cả ngón tay, chân. Em xin hỏi con em bệnh gì và cách chữa trị như thế nào ạ. (vutientam, 32 tuổi, phuc tien phu xuyen thanh pho Ha Noi)
- Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê:
Bạn cần phải xác định thêm cho bác sĩ biết ngoài hiện tượng tróc da ở các đầu ngón tay, ngón chân thì bé có kèm theo triệu chứng ngứa hay không.
Nếu có kèm theo ngứa thì có thể đó là biểu hiện bệnh chàm da (hay chàm da cơ địa, viêm da kích ứng...). Nếu vậy, con bạn cần được đến khám bác sĩ da liễu nhi hoặc bác sĩ nội nhi để được làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác dị nguyên gây ra dị ứng và có hướng điều trị đúng.
Nếu không kèm theo ngứa, có thể bé bị thiếu yếu tố vi lượng do chế độ ăn của bé chưa phong phú (ví dụ: thiếu kẽm). Bạn cần tư vấn thêm với bác sĩ nội nhi hoặc bác sĩ dinh dưỡng nhi để có chế độ ăn tốt hơn cho bé hoặc được bổ sung thêm dưỡng chất cần thiết.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê |
- Xin chào bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê.
Con em được 22 tháng. Sắc tố da của bé không đều, chỗ trắng chỗ đen đầu tiền thì xuất hiện ở mông (vùng đeo bỉm) hiện tại lan nhiều ra lưng và tay chân. Cháu không bị ngứa. Xin bác sĩ cho biết bé bị như thế là bệnh gì lớn lên có hết không ạ? (Nguyễn Thị Hạnh, 31 tuổi, Bình Đa, Biên Hòa, Đồng Nai)
- Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê:
Những vết xanh tím trên da của các bé dưới 1 tuổi thường xuất hiện ở các bé người châu Á. Đây không phải là bệnh, không gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé. Những mảng xanh tím đó sẽ dần mất đi khi bé khoảng 1-2 tuổi, vì vậy, bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, bạn cũng nên đưa bé tới các cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra tận mắt và sẽ cho bạn lời khuyên chính xác.
- Bé sơ sinh tắm bao nhiêu lần trong tuần là đủ? Có nên dùng sữa tắm cho bé không? (Hoa Thu Thảo, 29 tuổi)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Chào Thảo!
Bé sơ sinh cần tắm mỗi ngày để làn da của bé sạch, thoáng và được dưỡng ẩm tích cực vì khi tắm bé, chúng ta phải thực hiện đủ 3 bước: làm sạch, lau khô và bôi kem. 3 dộng tác này giúp cho da bé sạch và thơm lâu.
Sữa tắm thích hợp cho bé phải là sữa của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì loại sữa tắm này có những đặc tính như tẩy nhẹ nhàng chất nhờn, dầu và kem trên da; không gây kích ứng da, không cay mắt, duy trì pH acid của da; duy trì độ ẩm của da, không làm khô da; chứa vừa đủ những chất bảo quản thích hợp...
Kem dưỡng ẩm có thể thúc đẩy chức năng hàng rào bảo vệ da: hỗ trợ chất béo tự nhiên trong da, hoạt động như hàng rào ngăn ngừa mất nước; giữa lượng nước trong da nhiều hơn; lan dễ dàng, bôi trơn da tăng cường hiệu quả của mát xa.
- Chào BS Lê, con của em bị chàm sữa từ lúc mới sinh, hiện tại cháu đã hơn 2 tuổi, nhưng khi tắm cho cháu em không dám sử dụng các loại sữa tắm thông thường vì sợ có chất kích ứng, ảnh hưởng tới da bé sau này. Bác sĩ có thể tư vấn cho em cách sử dụng sữa tắm nào tốt cho bé được không ạ? (Tăng Ngọc Thụy, 28 tuổi)
- Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê:
Chàm sữa thường có ở những bé có cơ địa da nhạy cảm, ảnh hưởng 15-30% trẻ em, liên quan đến cả yếu tố di truyền và môi trường. Những trẻ này thường có nguy cơ cao mắc các bệnh kích ứng (viêm mũi dị ứng, viêm xoang, hen suyễn...) sau này. Tuy nhiên, chàm sữa thường sẽ tự nhiên giảm dần và biến mất hoàn toàn khi bé 1-2 tuổi do hệ miễn dịch của bé đã dần hoàn thiện hơn và không để lại các vết sẹo trên da mặt của bé.
Bạn nên chọn cho bé những sản phẩm sữa tắm không gây kích ứng da, duy trì tốt độ ẩm của da và không làm khô da bé.
- Xin chào bác sĩ Huỳnh Thị Duy Hương.
Xin phép hỏi bác sĩ về tình trạng da bao quy đầu của cháu nhà em. Cháu giờ đc 21 tháng, từ nhỏ đầu chim của cháu đã không tuột xuống được. Thi thoảng người nhà cũng kéo nhẹ xuống nhưng không được, kéo mạnh tay hơn thì sợ cháu bị đau, sợ bị rách da (vì thấy đầu da rất căng mà ko xuống).
Tham khảo nhiều nguồn, thấy có 2 luồng quan điểm liên quan đến vấn đề này: (i) cần đưa cháu đến bác sĩ làm thủ thuật sớm (có thể phải phẫu thuật) tránh tình trạng cháu bị viêm bên trong vì ko vệ sinh kỹ đc. (ii) không tác động trước 2 tuổi, để lớp da của cháu có thời gian phát triển và có cơ chế tự lột. sau 2 tuổi mới can thiệp.
Em đã từng đưa cháu đi khám và đc bác sĩ tư vấn là dùng một loại kem bôi để làm mềm lớp biểu bì rồi tuột dần dần. Nghe nói tác dụng của loại kem này là có tính ăn mòn nhẹ, giúp dễ tuột hơn.
Xin bác sĩ tư vấn thêm cho gia đình.
Chân thành cảm ơn (Phạm Hoàng Lan, 30 tuổi, Hà Nội)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Chào Lan!
Hẹp da quy đầu ở trẻ sơ sinh gần như 100% đến khi cháu bé được 2-3 tuổi thì khoảng 70-80% còn hẹp da quy đầu. Số còn lại do cơ vòng của đầu dương vật tự giãn được, nên không còn hẹp nữa (yếu tố di truyền). Đến 2-3 tuổi nếu trẻ vẫn còn hẹp da quy đầu thì bác sĩ có thể can thiệp: nong da quy đầu hay cắt da quy đầu.
Nông da quy đầu khi da vẫn còn đủ độ giãn, nếu không thể nông được thì đành phải cắt da quy đầu vì chất tiết ở trong bao quy đầu được xem như một tiền chất gây ung thư dương vật sau này theo nhiều nghiên cứu gần đây.
Em có thể cho bé đến gặp bác sĩ như em đã từng làm và phải thường xuyên tái khám để biết những xử trí tiếp theo.
Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương |
- Chào bác sĩ!
Bé nhà cháu 11 tháng nhưng cách đây nửa tháng đầu của cháu mọc mụn, sau khi khỏi thì da đầu của cháu bị sần sùi, cháu rất khó chịu thường lấy tay gãi. Chỉ nửa đầu trước của cháu bị vẩy như vậy. Bác sĩ cho cháu hỏi bé nhà cháu bị như vậy là bệnh gì và làm gì để cháu khỏi.
Cháu cảm ơn bác sĩ! (Nguyễn Thị Thắm, 33 tuổi, Tứ Kỳ, Hải Dương)
- Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê:
Theo mô tả của bạn, có thể bé đã bị nhiễm trùng da đầu hoặc nấm da đầu. Bạn đã cho bé đi khám bác sĩ chưa, có thể bác sĩ cần phải điều trị cho bé bằng kháng sinh toàn thân (đường uống) và kháng sinh tại chỗ (bôi da) nếu đó là viêm da do nhiễm trùng. Nếu là nấm da (do bạn nói bé có vẩy trên da đầu) thì bé cũng cần phải được điều trị với thuốc chống nấm toàn thân (đường uống) và thuốc chống nấm tại chỗ (bôi da) cho bé.
Bạn nên giữ cho da đầu của bé luôn khô thoáng và sử dụng các sản phẩm dầu gội dành riêng cho bé. Đó là cách tốt nhất để phòng ngừa căn bệnh này.
- Về nhiệt độ nước tắm cho bé, làm thế nào để cha mẹ biết được liệu nước có quá nóng hoặc quá lạnh hay không? (Hứa Thị Thu Thủy, 28 tuổi)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Thủy mến!
Bạn nên mua nhiệt kế thả vào trong nước để xem nhiệt độ mà nước tắm cho bé. Thông thường nhiệt dộ khoảng 38 độ C là tốt nhất cho bé. Một cách nữa để biết nhiệt độ có phù hợp hay không thì bạn có thể nhúng khủy tay trong nước, chỉ cần ấm hơn thân nhiệt là được.
Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương |
- Thưa các bác sĩ, thưa quý Tòa soạn
Con trai tôi năm nay 7 tuổi. Từ nhỏ cháu đã thường bị viêm da cơ địa, lúc nặng tôi cho cháu bôi Emouvate và có thấy đỡ nhưng cũng không dám bôi lâu, da cháu thường gặp các vấn đề vào mùa đông. Tuy nhiên, vài tháng lại đây, da trên phần bụng của cháu bị dầy sần và lúc đầu hơi đỏ, sau bị bì và sậm màu, cháu nói những vùng đó hơi ngứa và đang có dấu hiệu lan rộng.
Xin các bác sĩ tư vấn giúp tôi về tình trạng da của cháu và hướng điều trị.
Tôi xin chân thành cảm ơn. (Lê Quỳnh Hương, 37 tuổi, Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà nội)
- Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê:
Nếu viêm da cơ địa của bé đã được chẩn đoán chính xác và được bác sĩ chỉ định phải điều trị với Emouvate thì bạn nên tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và cần tái khám để bác sĩ điều chỉnh thuốc theo giai đoạn của bệnh. Còn nếu đó là phương pháp do bạn tự điều trị thì cần phải thận trọng.
Trường hợp con bạn chưa được làm xét nghiệm về dị ứng thì bạn cần đưa bé đến bác sĩ để được chỉ định làm xét nghiệm, từ đó sẽ tìm ra dị nguyên để có thể phòng ngừa viêm da kích ứng cho bé lâu dài và có hướng điều trị đúng cho bé.
- Con tôi năm nay cũng gần 4 tuổi, vẫn hay đái dầm buổi khuya nên phải mặc tã. Sáng ra thì thấy cháu bị nổi mẩn và da đỏ ửng ở vùng mông.
Vậy tôi có nên mặc tã đêm cho con không? (Lê Minh, 40 tuổi, tp.hcm)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Chính vì cho mặc tã giấy suốt đêm và bé tiểu nhiều lần nên bé mới bị nổi mẩn và da ửng đỏ vùng mông. Cách giải quyết trong trường hợp này là bạn nên cho bé đi tiểu trước đi ngủ và canh cứ mỗi 2-3 tiếng phải đánh thức cho bé đi tiểu.
Hoặc bạn phải hỏi bé đang lo lắng điều gì mà không có giấc ngủ sâu. Có thể bé bị ám ảnh bởi hình ảnh kinh dị ban ngày (người ác, phù thủy, thú dữ... hay bạn dữ) để giúp bé giải quyết hay phải nhờ ý kiến giúp đỡ của nhà tâm lý bệnh học lâm sàng song song với việc khám về niệu khoa với bác sĩ chuyên ngành Nhi - Niệu.
Bạn hãy mặc tã nếu bé chưa khắc phục được tình trạng này, nhưng nhớ làm thêm các động tác trên.
Các bé nói chung phát triển không đồng bộ, có nhiều mặt đã tiến bộ vượt trội, tuy nhiên cũng còn có mặt yếu như vẫn còn tiểu đêm...
Bạn nên cho bé khám bác sĩ Nhi - Niệu và khám tâm lý bệnh học lâm sàng cùng luyện thói quen cho bé tiểu trước khi đi ngủ và thức dậy trước mỗi lần muốn đi tiểu.
- Tôi đọc một số thông tin và thấy rằng đến 3 tuổi da bé vẫn khá nhạy cảm, nên vẫn cần sử dụng những sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ. Trước giờ tôi nghĩ bé đã lớn nên không quan tâm lắm trong vấn đề chăm sóc da bé như khi còn nhỏ. Nhờ bác sĩ giải thích rõ điều này, và hướng dẫn cách chăm sóc da bé lớn đúng cách. (Tran Ngoc An, 28 tuổi, Khanh Hoa)
- Bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Duy Hương:
Trẻ 3 tuổi, da vẫn còn mỏng hơn 30% so với da người lớn. Do đó, các chức năng bảo vệ cơ thể của da vẫn chưa hoàn thiện. Da trẻ vẫn còn nhạy cảm và dễ bị tác động bởi môi trường cũng như các sản phẩm tẩy rửa nên dù bé đã 3 tuổi vẫn cần chế độ chăm sóc da riêng biệt với các sản phẩm dịu nhẹ.
Làm sạch và bảo vệ làn da trẻ bằng quy trình chăm sóc da đơn giản với làm sạch, giữ ẩm có thể thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh của da trẻ.
Trẻ 3 tuổi da vẫn chưa trưởng thành, nên vẫn tiếp tục dùng những sản phẩm dành cho trẻ nhỏ để phù hợp với làn da, phù hợp với sự phát trển của bé.
Sản phẩm dùng cho trẻ em có thể dùng cho trẻ trước khi thành người lớn (nữ có kinh, nam phải bể tiếng) thì mới ngưng sử dụng. Dù ở lứa tuổi nào thì chăm sóc da cũng phải thực hiện 3 bước gồm làm sạch, lau khô và dưỡng da giữ ẩm.
VnExpress
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet