Bé Nhã Huyên (15 tháng tuổi, ngụ TP.HCM) đi chập chững chơi trong nhà còn mẹ nấu ăn dưới bếp. Do không được mẹ trông, bé đi tới quạt đứng đang chạy rồi vô tình cầm dây điện của quạt bị tróc vỏ nhựa nên bị điện giật đến bất tỉnh, tay trái bị cháy sém, ngưng tim, ngưng thở.
Mẹ của bé nghe tiếng con khi bị điện giật liền chạy lên rút phích cắm của quạt khỏi ổ rồi kéo bé ra ngoài hô hấp nhân tạo. Bé sau đó được đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu cho tim đập lại rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1.
Tại đây, bé có biểu hiện tím tái, co gồng toàn thân, lòng bàn tay trái bị phỏng điện cháy xém, siêu âm não, chụp CT- scan không thấy máu tụ nội sọ do chấn thương đầu. Ngay lập tức bé được hỗ trợ hô hấp thở máy, điều trị chống co giật, chống phù não.... Sau 2 tháng điều trị, bé mới khỏe trở lại nhưng não bị tổn thương, nhận thức chậm hơn những đứa trẻ khác.
Bé Nhã Huyên cấp cứu vì điện giật tại Bệnh viện Nhi đồng 1
Một trường hợp khác là bé trai tên Nguyễn Hảo (19 tháng tuổi, cũng ngụ tại TP. HCM) bị điện giật do giật bóng đèn trên bàn thờ ông Địa để dưới sàn nhà. Mẹ bé mải làm việc nên không chú ý, khi nhớ ra con đang chơi một mình thì chạy đến thấy con đã nằm bất tỉnh, tay nắm bóng đèn.
Khi đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1, bé được cấp cứu tích cực nhưng sau 5 ngày vẫn hôn mê sâu rồi tử vong vài ngày sau đó.
Gần đây nhất là vào giữa tháng 10 vừa qua, bé Hà Lan (17 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) chơi một mình trong nhà, tò mò cũng kéo bóng đèn trái ớt trên bàn thờ ông Địa thì bị điện giật. Bé Hà Lan may mắn không tử vong nhưng buộc phải tháo khớp tay.
Mẹ của bé cũng kể với bác sĩ, do lu bu dọn dẹp nhà cửa nên chị để bé chơi một mình. Bé mon men bò tới bàn thờ ông Địa thấy bóng đèn phát sáng nhấp nháy đẹp nên giật mạnh làm dây điện hở ra. May lúc đó mẹ bé chạy lên lập tức cúp điện đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Bé Hà Lan phải tháo khớp tay vì giật điện cháy đen ngón tay, lộ cả xương ra ngoài
Các bác sĩ sau đó đã buộc phải tháo khớp ngón tay trỏ bé do thấy thịt ngón tay này bị cháy đen, lộ cả xương ra ngoài.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ nhỏ bị điện giật đưa vào bệnh viện cấp do nhiều nguyên nhân như: cầm dây dẫn điện bị tróc vỏ; thò tay vào ổ cắm điện sát sàn nhà hay bò đến tháo các bóng đèn điện gắn ở bàn thờ ông địa,… do người lớn không quan tâm đến vấn đề an toàn điện trong nhà và để ý chăm sóc con.
“Nếu phát hiện bé bị điện giật thì cắt nguồn điện ngay lập tức bằng cách tắc công tắc, ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện. Nếu không với tới được dây điện, công tắc thì đứng trên vật khô cách điện như hộp gỗ, tấm cao su hay nhựa, dùng cây cán chổi hay chiếc ghế đẩu đẩy mạnh tay chân bé bị nạn ra khỏi nguồn điện. Tuyệt đối không được sờ vào người bé nếu chưa được tách ra khỏi nguồn điện.
Sau khi đã ngắt điện nếu người bé bất tỉnh thì kiểm tra nhịp thở, mạch đập và cấp cứu hà hơi thổi ngạt, ấn tim khi cần thiết. Nếu bé bị nạn gần như bình thường, không bị thương tích, thì nghỉ ngơi và theo dõi. Nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ bệnh trở nặng thì đưa ngay bé tới cơ sở y tế gần nhất cấp cứu”, bác sĩ Tiến hướng dẫn.
Để phòng ngừa điện giật cho con nhỏ, mỗi gia đình cần phải thiết kế các ổ điện ngoài tầm với của trẻ. Không để các dụng cụ điện, dây dẫn điện ngang tầm tay trẻ em.
Thực hiện việc câu mắc và sử dụng điện một cách an toàn. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, đảm bảo các thiết bị điện không bị hở, mát.
Dạy cho trẻ lớn không được chọc vào các ổ điện, leo trèo cột điện, thả diều nơi có đường điện chạy qua…
* Tên nạn nhân đã được thay đổi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet