Trong việc nuôi dạy con, có rất nhiều quan điểm trái ngược nhau. Có người quan niệm: trẻ mới đẻ ra, chưa biết gì, nên cần phải ôm ấp suốt ngày, để trẻ cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ. Cũng lại có người nghĩ: ăn ngủ là chuyện tự nhiên, chẳng việc gì phải luyện cho bé ngủ cả đêm, đến lúc dạ dày to hơn, bé có thể ăn nhiều thì sẽ no lâu hơn và ngủ giấc dài hơn...
Tôi không tán thành với các quan niệm trên ngay từ đầu, nên lại tìm để đọc và học theo các sách có quan điểm khác hẳn.
Tôi nghĩ rằng: thiên nhiên có lý trong hầu hết mọi việc và những gì con người làm để chống lại thiên nhiên thì đều gây hậu quả. Tạo hóa đã định rằng: cứ trong bụng mẹ quãng trên dưới 9 tháng thì bé chào đời, tức là đã khá đủ khả năng để đương đầu với môi trường mới. Nếu không, chắc tạo hóa phải cho bé nằm trong bụng mẹ lâu hơn chứ? Có lẽ cũng vì vậy, với các bé sinh non, thì rất cần sự ôm ấp thường xuyên của người mẹ (càng nhiều càng tốt). Còn với các bé sinh đủ tháng, hãy bắt đầu tập cho bé tính tự lập từ ngày đầu tiên.
Vậy thì làm thế nào:
1. Luyện cho bé biết cách nằm chơi:
Chẳng ai phản đối là phải thường xuyên ôm ấp để bé cảm nhận được sự yêu thương, gần gũi của mọi người trong gia đình. Nhưng thường xuyên nghĩa là thế nào? Tôi thấy có gia đình, mọi người thay nhau bế ẵm bé 24/24, hễ cứ đặt xuống là bé khóc thét lên. Tôi cho là tại bế suốt ngày, bé cảm thấy chơi vơi khi bị đặt xuống, đơn giản là vậy. Nếu ngay từ khi đưa bé về nhà, cả nhà thống nhất là hãy luyện cho bé tập nằm thảnh thơi, chứ không phải bế ẵm, thì chỉ sau độ một tuần, sẽ hết cảnh hễ cứ nằm là khóc.
Ngay khi từ bệnh viện về nhà: vào ban ngày, tôi trải một cái đệm ra sàn phòng khách. Tôi đặt bé nằm đó, còn tôi nằm hoặc ngồi bên cạnh. Hễ bé bắt đầu khóc, tôi bế bé lên, ôm vào lòng, nói rất âu yếm: “Con gái mẹ muốn mẹ ôm một chút, đúng không. Mẹ yêu con nhưng con nằm chơi nhé, mẹ vẫn ở cạnh con đây mà”. Sau đó, tôi đặt con xuống. Nếu bé khóc tiếp, tôi ngồi đó, dùng tay vỗ vào mông, xoa tay, chân hoặc lưng, bụng bé để cho con biết tôi đang âu yếm bé.
Nếu cứ khóc là bế cho đến lúc nín, người lớn đang dạy bé cách dùng tiếng khóc để đạt được những điều mình muốn.
Ảnh minh họa: Flick. |
Thay vì bế: vừa nóng, vừa bức bối, bạn hãy đặt bé nằm ngửa, rồi ngồi cạnh để nói chuyện (nhìn vào mắt bé mà nói), rồi hát, đọc sách cho bé nghe. Hãy ôm bé lên thường xuyên, rồi đặt xuống, chứ không nên bế nhiều, sẽ tạo thói quen xấu là luôn đòi bế. Nhưng cũng nên chuẩn bị tinh thần là: cứ nhấc con lên rồi đặt xuống nhiều lúc còn mệt hơn là đứng bế, vì đau lưng lắm. Khi con gái được 6 tháng thì tôi bắt đầu bị lệch đĩa đệm thường xuyên (cũng vì nhấc bé lên không đúng cách). Để bảo vệ cột sống, các bà mẹ nhớ là: khi nhấc bé lên hoặc đặt xuống, hãy gập đầu gối quỳ xuống, nhưng lưng luôn phải thẳng, không cúi gập lưng. Tư thế này cũng áp dụng khi bạn phải nâng các vật nặng.
Tập cho bé ngủ qua đêm chỉ sau trên dưới 2 tháng:
Bạn phải thực hiện được xong bước một ở trên thì mới có thể thực hiện bước này. Hãy tưởng tượng xem: nếu ban ngày cứ đặt xuống là bé khóc, thì làm sao ban đêm bé ngủ thẳng giấc được? Do vậy: hãy thực hiện xong bước trên càng sớm càng tốt, để chúng ta có một em bé vào ban ngày (lúc thức) có thể nằm chơi, gặm tay, thậm chí gặm chân, khua khoắng, hoặc nghe bố (mẹ) ngồi cạnh hát, đọc truyện một cách vui vẻ, là lúc bạn có thể bắt đầu tập cho bé ngủ qua đêm. Càng làm sớm thì càng dễ dàng và càng có kết quả nhanh. Khi bé được độ 2-3 tuần, bạn hãy quan sát quy luật ăn, ngủ của bé hàng ngày, nhất là từ lúc sau 5 giờ chiều. Ví dụ: lúc 2 tuần, con gái tôi có thói quen như sau:
- Ngủ đến 8 giờ tối, ăn xong ngủ tiếp.
- Một giờ sáng thức dậy ăn, xong nằm chơi một mình. Tất nhiên, con nằm chơi, dù không khóc, mẹ cũng khó lòng ngủ được.
- Bé ngủ lại lúc độ hơn 3 giờ sáng, 5 giờ sáng lại dậy đòi ăn. Vậy là cả đêm, mẹ loay hoay suốt, chỉ ngủ được độ 3-4 tiếng là nhiều. Vì đêm ngủ chỉ tối đa 4 tiếng, ban ngày mẹ sẽ khó lòng tỉnh táo và đủ sức khỏe để chơi, hát, rồi đọc sách cho con nghe.
Vì chỉ sau 2 tuần, vào ban ngày, sau khi ăn no, con gái có thể nằm chơi hàng tiếng đồng hồ rồi tự ngủ giấc ngày, bắt đầu từ tuần thứ 3, tôi thực hiện các bước chỉnh từ từ như sau:
+ Tôi đánh thức con dậy lúc 7 giờ tối, thay vì để con ngủ đến 8 giờ. Những ngày đầu, bé khóc to ra phết, sau đó dịu dần. Tôi nghĩ ra đủ trò để giữ con thức đến 9 giờ, rồi đến 10 giờ, 11 giờ. Tôi cho con bú bữa cuối lúc 10 - 11 giờ, sau đó quấn bé lại, hạ máy lạnh xuống mức 22 độ C, rồi ngồi cạnh đọc truyện hoặc hát cho con nghe. Chỉ một lúc sau là bé ngủ. Khi con ngủ say, tôi ra khỏi phòng. Nếu con khóc, bao giờ tôi cũng đi vào hát ru hoặc nói chuyện với con, cho đến lúc con ngủ lại nhưng tôi không bế.
+ Vì 10-11 giờ mới ngủ nên con gái thường thức dậy lúc 4-5 giờ sáng đòi ăn. Sau khi thành công bước đầu, tôi lại lùi dần từng 15 phút, cho đến khi bé ăn lúc 6 giờ.
+ Chỉ sau khoảng 3 tuần (tức lúc con được khoảng 5 tuần tuổi), con thường ngủ lúc 11 giờ và dậy ăn lúc 5-6 giờ sáng. Tôi thừa thắng xốc tới, đánh thức con dậy lúc 5-6 giờ chiều thay vì 7 giờ tối và cho con thức đến 9 giờ. Vì đã quen tỉnh dậy lúc 5 giờ sáng, nên tuy đi ngủ sớm hơn, con vẫn dậy lúc 5 giờ. Rồi tôi đẩy tiếp để con dậy lúc 6 giờ sáng. Vì ngủ được giấc dài, ban ngày con chỉ còn ngủ 2 giấc nữa, mỗi giấc chừng 2 tiếng (không nên cho ngủ ngày giấc quá 2 tiếng). Vì vậy, bé có nhiều thời gian để giao tiếp với mọi người trong nhà nên phát triển nhanh. Cũng như chúng ta thôi: ngủ quá nhiều thì ít thời gian làm các việc có ích khác.
+ Lúc con gái được 2 tháng 10 ngày, tôi hưởng thành quả: con ngủ lúc 9-10 giờ tối, và tỉnh dậy lúc 6-7 giờ sáng. Cả gia đình đã có thể trở lại với sinh hoạt bình thường như trong nhà không hề có trẻ mới hơn 2 tháng tuổi. Khi cháu gái tôi có con, tôi cũng hướng dẫn cách làm tương tự - chỉ sau 6 tuần bé đã ngủ được từ 10 giờ đến 6 giờ sáng.
Để thực hiện những việc trên, việc gì là khó nhất:
Đầu tiên là tâm lý của người lớn: Chúng ta phải dẹp được suy nghĩ là hễ trong nhà có trẻ sơ sinh thì mọi người cứ phải xoắn xuýt vào với bé, hy sinh mọi thứ cho bé. Cái đó thực sự chỉ có hại cho tất cả mọi người, mà hại nhất là cho bé. Nếu bé ngủ tròn đêm lúc 2 tháng, nghĩa là cả nhà sẽ không phải thay nhau thức đêm, đảm bảo sức khỏe, không ai phải cau có, rũ rượi vì thiếu ngủ. Bé được ngủ giấc dài từ sớm, thần kinh sẽ ổn định hơn, khỏe mạnh hơn và có nhiều thời gian thức ban ngày để chúng ta tận dụng dạy cho bé được nhiều thứ.
Sự kiên trì: Nói thì dễ, nhưng cả nhà (đặc biệt là người mẹ), phải rất quyết tâm và kiên trì. Bạn sẽ bị vật vã mất khoảng 2 tháng: thiếu ngủ, thiếu thời gian để theo dõi, căn giờ, chịu đựng sự chập chờn, lại còn có thể bị cả nhà “nói ra nói vào” là không biết thương con. Nếu sống chung với các bà mẹ khó tính, thì sẽ rất khó thực hiện.
Để bé nhanh phân biệt giấc ngủ ngày và ngủ đêm: bạn phải cho con ngủ giấc ngày tại nơi cả gia đình có sinh hoạt bình thường: vẫn bật nhạc, không kéo rèm cửa sổ... Buổi tối, sau 7 giờ, bạn đưa bé lên phòng ngủ, sau khi tắm thì ngồi chuyện trò, đọc sách, hát cho bé nghe, rồi cho bé ăn và tắt đèn, giữ thật yên tĩnh để bé ngủ. Bé sẽ rất nhanh nhận biết sự khác nhau giữa ngủ ngày và ngủ đêm.
Trần Bích Hà
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet