Gửi Sam của mẹ,
23 tuổi sau khi ra trường một năm mẹ lấy bố con. Bố con là con một, lại là con trai trưởng của dòng họ nên đối với mẹ chuyện sinh con trai nối dõi là nghĩa vụ phải làm được. Từ khi về nhà ông bà nội, mẹ đã phải đổi thực đơn và khẩu vị, bà nội ưu tiên cho mẹ ăn mặn, cứ thấy mẹ ăn kẹo bánh gì ngọt là không vui.
Biết được nguyện vọng của ông bà nội, sau khi cưới mẹ quyết định đẻ luôn. Ngày biết tin mẹ mang thai, mọi người từ trên xuống dưới, từ nội sang ngoại ai cũng mừng. Nhưng mẹ biết cao hơn cái sự vui mừng ấy là niềm hi vọng mẹ đẻ con trai. Mọi người càng mong ngóng mẹ càng lo.
Bà nội giục mẹ đi siêu âm. Cầm kết quả trên tay mà mẹ run run. Biết mẹ mang thai con gái, mọi người không còn háo hức nữa. Ngày sinh con, chỉ có bố là bên cạnh mẹ con mình. Ông bà ngoại thì ở xa, ông bà nội cũng chỉ đáo qua một chút rồi về. Trộm vía con sinh ra ngoãn ngoãn, chỉ quấy mẹ mấy ngày đầu, mấy ngày sau con cứ bú no rồi lăn ra ngủ, chỉ ọ ọe tỉnh dậy khi tã ướt.
Con vừa được 6 tháng, bà nội sang nhỏ nhẹ bảo mẹ sinh thêm em, để con đấy bà cho ăn dặm. Mẹ không chịu làm bà nhảy dựng lên: “Một là cô đẻ, hai là cả mẹ cả con ra khỏi nhà, tôi cưới vợ mới cho con tôi, cô tưởng chỉ mình cô biết đẻ à”. Mẹ nuốt nước mắt vào trong cai sữa rồi giao con cho bà. Mọi người nói con biết phận, phải cai sữa sớm mà không quấy khóc.
Một tháng sau mẹ biết tin mình lại có thai. Lần này, mọi người cũng săn đón mẹ như lần trước, hi vọng vào mẹ như lần trước nhưng mẹ thấy áp lực gấp 10 lần so với khi mang thai con. Nếu em con không phải con trai, cả 3 mẹ con mình sẽ phải ra đường ở.
Lo lắng, hồi hộp bao nhiêu thì mẹ vui sướng bấy nhiêu khi kết quả siêu âm cho biết lần này mẹ mang thai con trai. Mọi sự chú ý, quan tâm, chăm sóc của mọi người đều dồn hết về phía mẹ và em bé trong bụng. 9 tháng mang thai em là 9 tháng mẹ không được bế con bởi mẹ nghe theo lời bà sợ vía con vận vào người, sợ con không may đạp vào bụng mẹ.
Dần dần mẹ quen với sự xuất hiện của em Tun trong bụng và quên mất sự vắng mặt của con. Mẹ cho em Tun nghe nhạc mà không để ý xem con bên phòng bà có khóc không, hàng ngày mẹ trò chuyện với em Tun mà không biết con bên ấy có quấy không. Mẹ không được chứng kiến những lúc con sốt mọc răng, mẹ không phải là người đưa con đi tiêm phòng, chọn mua đồ đạc cho con. Mà nghĩ lại đồ của con cũng chẳng mua cho nhiều, chủ yếu là đồ cũ mọi người cho.
Dần quen với sự xuất hiện của em Tun trong bụng, mẹ quên mất sự vắng mặt của con (Ảnh minh họa)
Rồi ngày mẹ sinh em Tun, ai nấy đều chúc mừng, ông bà nội coi em như cục vàng, mẹ cũng nhờ em Tun mà được mọi người nể trọng, không còn coi thường như trước nữa. Khác hẳn với lúc sinh con, mẹ để ý từng li từng tí đến sự phát triển của em Tun. Em Tun nặng thêm một lạng mẹ cũng mừng, em Tun hơi ho hắng hắt xì mẹ cũng giật mình. Tất cả tâm trí mẹ dành hết cho em Tun.
Sinh nhật con tròn 1 tuổi mẹ chỉ mua cho con cái váy mới. Còn đầy tháng em Tun, bố mẹ mời họ hàng ra nhà hàng ăn mừng linh đình. Mọi thứ khập khiễng như thế cứ diễn ra, trong khi mẹ và mọi người cho rằng đó là điều hiển nhiên.
Con cũng thế, cứ ngoan ngoãn lớn lên mà chẳng để mẹ phải lo lắng, quan tâm. Cho đến một ngày bà đánh đổ nước ra sàn mà quên không lau, con trượt chân ngã đầu đập vào cạnh bàn. Mẹ đang cho em ngủ chợt nhảy dựng lên khi thấy tiếng con thét.
Từ trước đến nay, tiếng con khóc còn ít chứ đừng nói đến thét. Tiếng thét ré lên của con cùng tiếng gọi ới sang hoảng hốt của bà làm mọi thứ trong đầu mẹ như xáo trộn, tất cả hình ảnh về con như cuốn phim tua ngược chạy nhanh lại trước mắt mẹ. Mẹ đã làm gì với con thế này. Suy nghĩ mất con làm mẹ hoảng loạn. Đầu con rớm máu, mẹ chỉ biết ôm chặt lấy con khóc cùng với con.
Sau khi chụp chiếu, bác sĩ nói con phải ở lại viện 1 tuần để theo dõi thêm. Nhìn đầu con cuốn băng, mẹ không khỏi xót xa. Một tuần trôi qua sao lâu quá vậy, cầu mong con không bị sao. Nếu con có mệnh hệ gì mẹ sẽ phải hối hận cả đời. Giờ mẹ chỉ mong con khỏe lại, được bế con về nhà để nói rằng: “Mẹ xin lỗi con, Sam ơi!”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet