Mỗi đứa trẻ hoàn toàn khác nhau nhưng ở từng độ tuổi chúng có những đặc điểm chung nhất định. Hiểu con, biết con ở tuổi nào cần gì, phát triển tâm lý ra sao là bước đầu tiên giúp bố mẹ xây dựng mối quan hệ gần gũi với trẻ và giúp con phát triển đúng hướng. Dưới đây là những chia sẻ của Tiến sĩ Lê Văn Hảo, Viện Tâm lý học Việt Nam, về đặc điểm tâm lý của trẻ qua từng giai đoạn, từ khi lọt lòng tới 6 tuổi.
Trẻ dưới 1 tuổi: Cần cảm giác an toàn, gần gũi cha mẹ
Con người là loài có thời gian phụ thuộc vào người chăm sóc dài nhất. Các sinh vật khác, thời gian phụ thuộc này chỉ tính bằng ngày, tháng, còn con người thì phải tính bằng năm, thậm chí là rất nhiều năm. Trong năm đầu đời, trẻ tin tưởng hoàn toàn vào cha mẹ/người chăm sóc.
Ngoài yếu tố bẩm sinh, gene di truyền thì sự tương tác với người khác có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, cuộc sống của một đứa trẻ. Sự gắn bó, cảm giác an toàn rất quan trọng với trẻ trong giai đoạn dưới một tuổi và ảnh hưởng cả tới những năm tháng sau này trong đời khi trẻ đã trưởng thành.
Tuy nhiên, tùy từng nền văn hóa mà sự phụ thuộc, hình thức phụ thuộc của trẻ vào cha mẹ có những khác biệt. Trong giai đoạn trẻ dưới một tuổi, cho trẻ ngủ chung với bố mẹ là một trong những cách tạo cho trẻ cảm giác an tâm. Theo một nghiên cứu năm 2006, ở Ấn Độ, 93% trẻ 3-10 tuổi vẫn ngủ chung với bố mẹ trong khi ở Mỹ, chỉ 15% trẻ từ 2 tuần tuổi đến 2 tuổi là chung giường với bố mẹ.
Theo tiến sĩ Lê Văn Hảo, sự lựa chọn cho con ngủ chung hay riêng là do quan điểm của mỗi người và hoàn cảnh sống cuả từng gia đình. Tuy nhiên, nên cho trẻ ngủ cùng ít nhất là tới khi cai sữa hoặc chọn phương án cho con ngủ cùng phòng nhưng khác giường.
Ảnh minh họa: Imgkid. |
Trẻ 1-3 tuổi: Hay khóc và "ăn vạ" là bình thường
Ở giai đoạn này, trẻ có thể nhận biết và trải nghiệm những cơn giận dữ. Bé có thể sẽ vứt đồ ăn, ném đồ chơi nếu không thích, không hài lòng... Trẻ có những cơn bốc đồng không kiểm soát được. Rất nhiều phụ huynh có con 2-3 tuổi đau đầu vì những cơn ăn vạ không dứt của con. Đó là những biểu hiện hoàn toàn bình thường ở trẻ độ tuổi này.
Trẻ cũng bắt đầu có khả năng hiểu nguyên nhân và kết quả. Chẳng hạn, khi trẻ sờ vào vật nóng, thấy rát, đau thì lần sau bé sẽ không làm vậy nữa. Hay khi trẻ chạy, bị trượt ngã do sàn trơn (vì mẹ vừa lau), trẻ sẽ nhận ra vì sao mình ngã và lần sau cẩn thận hơn.
Bởi vậy, trong giai đoạn này, bố mẹ có thể bắt đầu giải thích cho trẻ về nguyên nhân - kết quả trong mỗi sự việc xảy ra với con. Chẳng hạn, nếu con ngã đau do vấp, va vào cột, bàn, ghế... phụ huynh chớ đánh, mắng cái nền nhà, các đồ vật. Hãy chỉ cho trẻ nguyên nhân đến từ phía bé (con chạy quá nhanh, con không nhìn khi đi...) để bé nhìn ra hậu quả và biết rút kinh nghiệm cho mình.
Trẻ 1-3 tuổi cũng đã nhanh chóng nhận ra các hệ quả tự nhiên như không ăn sẽ đói, đứng ngoài trời mưa sẽ ướt... Các bé độ tuổi này còn tự cho mình "quyền" khóc khi nào muốn. Có nhiều lý do khiến trẻ ở tuổi này hay khóc: Gây chú ý, đang đói, khát, nhớ mẹ, cơ thể không ổn, muốn đi vệ sinh nhưng không dám nói (khi ở lớp)...
Ở tuổi này, dù đã biết nói nhưng khóc vẫn là một cách thức trẻ giao tiếp với người lớn, là cách trẻ nói "con không ổn, con cần được giúp đỡ". Vì vậy, bố mẹ cần biết cách "đọc" tiếng khóc của con để có cách giúp bé phù hợp.
Trẻ 3-6 tuổi: Coi mình là trung tâm và rất nhạy cảm với việc mắc lỗi
Ở độ tuổi mầm non, trẻ luôn lấy mình làm trung tâm và chưa biết đặt mình vào vị trí của người khác. Vì vậy, nếu thấy con luôn khư khư món đồ chơi của mình, không cho anh hàng xóm, em họ... đụng vào, thì bố mẹ cũng đừng vội dán nhãn bé là ích kỷ. Nếu thấy con thích món đồ chơi của người khác là chạy vào lấy, bạn cũng đừng cho bé là hư. Thay vào đó, phụ huynh có thể dạy con chờ đến lượt hay trao đổi, chẳng hạn: "Mẹ đoán là con muốn chơi cái ôtô đỏ của bạn lắm đúng không? Sao con không thử lấy ôtô xanh của con để hỏi đổi lấy ôtô đỏ của bạn một lát?".
Trẻ 3-6 tuổi cũng biết tăng dần khả năng chấp nhận ấm ức, có thể chờ đợi để đạt được cái trẻ thích.
Thí nghiệm theo phương pháp kẹo Marshmallow
Để kiểm tra khả năng kềm chế và chờ đợi của trẻ, các nhà khoa học đã thực hiện một thí nghiệm "Kẹo Marshmallow" với 600 trẻ 4-6 tuổi. Họ để trước mặt đứa trẻ một chiếc kẹo dẻo và nói trẻ có thể ăn ngay nếu muốn nhưng nếu đợi được 15 phút - khi người cho kẹo quay lại, trẻ sẽ được thêm một chiếc". Các nhà khoa học theo sát sự trưởng thành của những đứa trẻ trong cuộc thí nghiệm đó và họ nhận thấy những trẻ cố nhịn không ăn kẹo để được thêm một chiếc nữa thành công hơn và có điểm số cao hơn những đứa trẻ không đủ kiên nhẫn.
Trẻ 3-6 tuổi còn đặc biệt nhạy cảm với việc mắc lỗi. Theo tiến sĩ Lê Văn Hảo, mắc lỗi là một phần trong quá trình trưởng thành của cả người lớn và trẻ em. Người lớn nhiều khi ứng xử không đúng hoặc vô tình làm trẻ sợ mắc lỗi và không dám thử làm những điều mới.
Bạn hãy nhớ lại xem bạn thường làm gì khi con lỡ làm mất sách, bút, tẩy, thi trượt một cuộc thi nào đó... Trẻ cực nhạy cảm với các lỗi mình mắc. Chẳng hạn, một cô bé 5 tuổi nhút nhát, khi đến lớp, được cô giáo khuyến khích nói, trẻ giơ tay phát biểu nhưng câu trả lời của bé không đúng. Mặc dù cô giáo không trách mắng, chỉ tỏ vẻ không vui và nói "ngồi xuống" nhưng trẻ thì sẽ cảm thấy thất vọng và không biết bao lâu sau mới có hứng thú giơ tay phát biểu tiếp. Bởi vậy, người lớn cần luôn khích lệ và ứng xử khéo léo khi trẻ mắc lỗi.
Trẻ em có thể mắc lỗi vì nhiều lý do khác nhau:
- Do khám phá, tò mò, muốn thử.
- Do vô ý, sơ ý.
- Cố ý thu hút sự chú ý của người lớn.
Với mỗi lý do mắc lỗi của trẻ, bố mẹ lại cần có cách ứng xử khác nhau nhưng đều thống nhất ở một điểm: Đừng làm trẻ cảm thấy mình sai trái, kém cỏi.
Vương Linh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet