Thực phẩm giàu dinh dưỡng
Thịt lươn có thành phần dinh dưỡng cao. Theo bảng đánh giá thành phần dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì hàm lượng dinh dưỡng có trong 100g thịt lươn là 18,7g đạm, 0,9g chất béo, 150mg chất lân, 39mg chất can xi, 1,6mg chất sắt và nhiều nguyên tố vi lượng khác như vitamin A, B1, B6 hay chứa chất sắt, natri, kali, calci.
Lươn cũng được đánh giá ở vị trí thứ 5 trong các loại thực phẩm giàu vitamin A (sau các loại gan gà, lợn, bò, vịt).
Theo Ths.BS Đặng Huyền Nga (Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội) cho biết: Trong Đông y, lươn có tác dụng bồi dưỡng khí huyết, tiêu trừ phong thấp, có thể chữa được bệnh suy dinh dưỡng, kiết lị, đau nhức xương sống, trĩ nội, phong thấp, bệnh huyết trắng của phụ nữ.
Tuy nhiên, thai phụ không nên ăn thịt lươn. Với đặc tính bổ dưỡng và sinh khí huyết, máu lươn có tác dụng tăng cường dương khí, giúp lưu thông máu huyết và tăng cường khả năng tình dục.
Ăn lươn trẻ dậy thì sớm?
Thời gian gần đây, trước thông tin lươn nuôi bằng thuốc tránh thai làm trẻ bị biến đổi giới tính, rối loạn nội tiết thậm chí dẫn tới vô sinh khiến nhiều bà mẹ lo lắng, không dám cho trẻ ăn. Tuy nhiên thông tin này vẫn chưa được các cơ quan kiểm nghiệm và đưa ra công bố chính thức.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: hoocmon sinh dục của con lươn và con người là hoàn toàn khác nhau nên không thể có chuyện ăn lươn khiến trẻ bị biến đổi giới tính, vô sinh. Từ xưa đến nay lươn là một loại thức ăn rất bổ dưỡng và lành tính. Điều người ta nghi ngại nhiều nhất là những con lươn nuôi nhiễm kháng sinh từ các loại thuốc tăng trưởng, thuốc phòng bệnh có thể nguy hại đến sức khỏe. Cũng có một số loại thức ăn được người ta khuyến cáo không nên cho trẻ ăn quá sớm dễ dẫn đến tình trạng phát dục sớm cho trẻ em như các loại thực phẩm kích thích tăng trưởng, đầu và cổ gia cầm…
PGS.TS Thịnh cũng cho hay, lươn là một loại thức ăn lành tính nên được nhiều người chọn lựa là thức ăn bồi bổ cho người bệnh, người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá lạm dụng bởi các loại thức ăn khi ăn quá nhiều đều không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt trẻ nhỏ cần ăn thay đổi để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện.
Lươn thường chui rúc dưới ao bùn, sình lầy, nước đục... Vì sống trong môi trường bẩn như thế, lại thêm thói ăn tạp, nên hệ tiêu hóa và chính cả thịt lươn có thể nhiễm vi trùng và ký sinh trùng. Vì vậy, nếu chỉ xào qua trên lửa, những ấu trùng này sẽ còn sống và theo đường ăn uống đi vào ruột.
Do vậy các bà mẹ cần làm sạch lươn trước khi nấu, chế biến bằng cách nấu chín, ninh nhừ hoặc hấp cách thủy... bảo đảm sao cho thịt lươn khi được dọn lên mâm đã được nấu chín kỹ để đảm bảo an toàn vệ sinh cho trẻ.
Khi mua lươn ngoài chợ tuyệt đối không mua lươn đã chết hoặc ươn về chế biến, vì trong thịt lươn chứa rất nhiều protein, trong đó có hợp chất histidine tốt cho cơ thể. Nhưng khi lươn chết, hợp chất này bị ô nhiễm bởi vi khuẩn trong cơ thể lươn chết có thể chuyển hóa thành chất độc histamine. Chất này khi vào cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng dị ứng, nhiễm độc.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet