Đoàn "lân nhí" khuấy động chương trình văn nghệ mừng trung thu tại Sân vận động Phú Thọ, quận 11, TP HCM. Ảnh: HN. |
Chở con đến sân vận động Phú Thọ, Quận 11 tham dự chương trình Đêm hội trăng rằm do các tình nguyện viên Sáng tạo Việt tổ chức, chị Hòa cho biết bé Thúy An (6 tuổi) rất mê xem múa lân sư rồng và ông Địa với chiếc quạt phe phẩy không ngừng.
Cùng con gái hòa vào dòng người mải mê ngắm nghía, vỗ tay theo nhịp trống, bà mẹ trẻ bảo: "Mỗi lần nghe tiếng trống văng vẳng đâu đó, cháu nằng nặc đòi mẹ chở đi tìm lân. Bé đặt tên cho ông Địa là ông mặt cười và thích nhất là được ông xoa đầu".
Ngồi ở hành lang dõi theo cậu con trai đang tham gia cuộc thi làm lồng đèn handmade, vợ chồng anh Trường (quận 10) cho biết Rằm tháng 8 là Tết của thiếu nhi nhưng bản thân người lớn cũng náo nức không kém. Cả tuần nay, sau khi ăn cơm tối, hai vợ chồng tranh thủ chở con đi ngắm phố lồng đèn và tham gia những chương trình lễ hội, rước đèn...ở các sân chơi công cộng.
Mỗi buổi tối cả nhà quây quần bên nhau, gia đình anh Trường cùng ôn lại kỷ niệm Tết Trung thu ngày còn nghèo khó ở quê hương Tiền Hải, Thái Bình. Anh còn giải thích cho con cái nghe về nguồn gốc các nhân vật thường xuất hiện vào Tết Trung thu như chị Hằng Nga và chú Cuội trong sự tích về cây đa; Ông Địa là hiện thân của Phật Di Lặc tươi vui hiền lành đã chế ngự con quái thú (lân). Cứ đến ngày trăng tròn nhất trong năm, ông lại dẫn chú lân xuống núi chúc Tết, đi đến đâu là ban phúc tới đó nên ai cũng hoan hỉ chào đón.
Anh Trường, 38 tuổi, hiện là quản lý cho một công ty sản xuất phần mềm máy tính tại TP HCM, nhìn nhận trẻ con bây giờ sung sướng hơn ngày xưa rất nhiều về điều kiện vật chất nhưng lại bị "thiếu hụt" về đời sống văn hóa tinh thần. "Thế nên hai vợ chồng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện để con được hòa mình với không khí ngày lễ hội truyền thống. Qua đó giải thích cho cháu hiểu ý nghĩa nhân văn tốt đẹp ẩn chứa trong từng điển tích", anh chia sẻ.
Qua câu chuyện về cậu bé mê chơi điện tử bỏ bê học hành, chú Cuội và chị Hằng giải thích cho các em nhỏ hiểu đâu là điều tốt nên làm và điều xấu nên tránh. Ảnh: KizCiti. |
Tại Khu vui chơi hướng nghiệp KizCiti vào cuối tuần đón hàng trăm lượt thiếu nhi và phụ huynh đến tham gia các hoạt động, trò chơi giải trí trong ngày hội “Trung thu diệu kỳ”. Toàn bộ không gian được trang hoàng như trong thế giới cổ tích. Các em nhỏ hào hứng tranh tài trong cuộc thi làm lồng đèn ông sao, trang trí mặt nạ, học múa lân, thưởng thức các tiết mục ca múa nhạc, thi hóa trang, rước đèn và nhận quà Trung thu từ chị Hằng, chú Cuội.
Tết Trung Thu diễn ra vào ngày 15/8 Âm lịch hàng năm, là một trong những lễ hội cổ truyền được tổ chức náo nhiệt khắp cả nước. Vào ngày này, các gia đình thường cùng đi chơi hay ở nhà quây quần bên nhau để thưởng thức bánh kẹo, uống trà và ngắm ánh trăng tròn nhất, sáng nhất trong năm. Các bạn nhỏ rất thích lễ hội này vì đây được gọi là Tết của thiếu nhi, trẻ thường được người lớn chiều chuộng cho đi phá cỗ, rước đen, tham gia các lễ hội múa lân...
Năm nay ngày Rằm tháng 8 diễn rơi vào cuối tuần nên thuận tiện cho trẻ được thỏa sức vui chơi trước khi bước vào tuần học tập mới. Dịp này, tại TP HCM nhiều khu vui chơi công cộng mở cửa tổ chức đêm hội đón trăng hoành tráng như Khu du lịch văn hóa Đầm Sen, Suối Tiên, Nhà văn hóa Thiếu nhi và các trung tâm thương mại. Trẻ em và phụ huynh đến đây vừa được tham gia trò chơi miễn phí vừa được tặng quà, giao lưu cùng người nổi tiếng và các nhân vật bước ra từ thế giới cổ tích.
Thụy Ân
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet