Tế bào não của thai nhi hình thành và phát triển theo những cơ chế rất phức tạp. Những âm thanh bên ngoài tác động đến thai nhi chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quá trình hình thành và phát triển tế bào não.
Ở tuần thứ 20 của thai kỳ, tế bào thính giác bắt đầu biệt hóa mạnh, nhất là những tế bào ở khu vực cung mang hai bên (tương ứng với vùng tai khi thai đã trưởng thành). Đến tháng thứ 7, các tế bào thần kinh thính giác biệt hóa tương đối hoàn chỉnh, thai nhi có thể cảm thụ rõ ràng các âm thanh, nên sự tác động tích cực của âm nhạc sẽ kích thích các tế bào thính giác tạo nên các xung động kích thích vỏ não, từ đó kích thích các tế bào cảm thụ âm thanh của bán cầu não bên đối diện thông qua thể chai, làm cho não của trẻ phát triển tốt hơn.
Áp tai nghe vào bụng "bắt" bé nghe nhạc chưa hẳn là cách hay. Ảnh: meyeucon.org. |
Thai nhi nằm trong bụng mẹ, vậy các âm thanh có truyền được đến tận tế bào não không?
Âm thanh có bản chất là sóng cơ học nên có thể lan truyền trong các môi trường vật chất như lỏng, đặc, rắn và khí. Bởi vậy nên những âm thanh có tính nhạc với dải tần số 20Hz đến 15.000Hz ở bên ngoài môi trường hoàn toàn có thể lan truyền qua cơ thể mẹ để đến với não trẻ.
Ngoài đặc tính vật lý, âm thanh còn có đặc tính sinh học vô cùng quan trọng. Nếu một bản nhạc mở to với độ lớn của âm thanh trên 120dB, chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho tế bào thần kinh thính giác của thai. Nếu bản nhạc ấy vặn nhỏ xuống 90dB, trong thời gian ngắn thì không ảnh hưởng gì, nhưng chỉ cần kéo dài quá 8 tiếng đồng hồ thì lại gây hại cho não trẻ.
Tại sao thai nhi nghe nhạc có lợi?
Khi tế bào thính giác nói riêng, hay tế bào thần kinh của thai nhi nói chung biệt hóa đến một mức độ nào đó đủ tiếp nhận sự tác động trực tiếp của những âm thanh có tính nhạc, tạo nên những xung động thần kinh kích thích các tế bào não gây hiện tượng tăng tiết Endomorphin, một hoóc môn nội sinh duy trì sự hưng phấn thần kinh giúp tế bào não tăng phát triển và biệt hóa tốt hơn.
Một bản nhạc được người mẹ yêu thích, thì bản thân các tế bào não của mẹ cũng tăng tiết Endomorphin lưu hành trong máu, nguồn máu này qua rau thai và dây rốn đến vòng tuần hoàn của thai nhi, cũng giúp cho tế bào thần kinh của thai nhi phát triển.
Nghe nhạc cũng có thể có hại
Với một người, âm nhạc vừa là niềm vui nhưng cũng đồng thời là sự khó chịu.
Nếu bà mẹ cố nghe một bản nhạc không thích, âm thanh quá ồn ào, nghe trong những trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, chắc chắn sẽ gây tình trạng ức chế giảm tiết Endormophin, làm cho nồng độ Emdomorphin từ mẹ truyền sang con giảm. Bản nhạc ấy cũng sẽ gây ra hiện tượng ức chế tâm lí làm giảm khả năng giao tiếp mẹ con. Như vậy, bản nhạc đó không tốt cho sự phát triển tế bào não của trẻ.
Một bản nhạc phù hợp với thể trạng và đặc tính của thai nhi, nếu được sử dụng đúng mức và đúng thời điểm, sẽ có tác dụng kích thích tế bào não phát triển. Ngược lại, nếu chọn bản nhạc không phù hợp, bắt thai nhi nghe quá nhiều hoặc phải chịu đựng những âm thanh quá lớn, đánh thức giấc ngủ của thai nhi, thì bản nhạc ấy sẽ ức chế hiện tượng tiết Endomorphin, ức chế sự phát triển của tế bào thần kinh.
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp như: bản nhạc như thế nào là phù hợp với thai nhi, cho thai nhi nghe bao nhiêu là đủ, nghe vào thời điểm nào là đúng. Trước đây, người ta từng cho rằng nếu thai nhi được nghe nhiều nhạc của Mozart thì đứa trẻ sinh ra sẽ thông minh vượt trội. Đã có nhiều nghiên cứu về chủ đề này, song kết quả chưa nói được điều gì.
Đa số ý kiến cho rằng, nên để thai nhi nghe nhạc cổ điển. Nhưng cũng có nhiều ý kiến ngược lại, rằng thai nhi chắc chắn là hiếu động, nên sẽ yêu thích Pop – Rock hơn là các thể loại nhạc nhẹ hay nhạc cổ điển.
Áp tai nghe vào thành bụng, vặn volum thật to để cho thai nhi được nghe nhạc, đó là cách mà hiện nay rất nhiều bà mẹ hay dùng. Chưa có nghiên cứu nào chứng tỏ làm như vậy đúng hay sai, rất có thể việc ấy sẽ gây ô nhiễm tiếng ồn cho đứa trẻ đang nằm trong bụng mẹ.
Không nên lạm dụng âm nhạc đối với thai nhi
Âm nhạc cũng giống như đồ ăn thức uống: ít quá sẽ bị thiểu dưỡng trí năng và thẩm mĩ; nhiều quá sẽ bị bội thực; có loại âm nhạc bổ ích, có loại âm nhạc độc hại; có bản nhạc hợp với người này mà không hợp với người kia.
Sử dụng âm nhạc như thế nào với thai nhi? Câu hỏi ấy đến nay giới khoa học vẫn chưa có chỉ dẫn rõ ràng, mà chỉ có những lời khuyên căn cứ trên những phân tích về mặt logic khoa học nhiều hơn là những bằng chứng khoa học xác đáng.
Con người là một thực thể của tự nhiên, nên thuận theo tự nhiên vẫn là lý tưởng hơn cả. Thay vì ép một thai nhi phải nghe thật nhiều nhạc, áp tai nghe vào thành bụng hoặc người mẹ phải cố nghe thật nhiều nhạc (kể cả những bản nhạc gây ra sự khó chịu cho mẹ), thì hãy để cho đứa trẻ được tiếp thu âm nhạc một cách tự nhiên hơn. Ví như, người mẹ chọn nghe những loại hình âm nhạc mình yêu thích, nghe trong tâm trạng vui vẻ thoải mái, hay người mẹ có thể hát những ca khúc mình yêu thích với tâm trạng như hát để hai mẹ con cùng nghe, không bao giờ cố gắng nghe hay áp đặt một bản nhạc mình phải nghe.
Nên nhớ, thai nhi đang là một phần của cơ thể mẹ. Mọi hoạt động thể chất và tinh thần của mẹ thai nhi đều có thể cảm nhận thấy.
Bác sĩ - nhạc sĩ Trần Văn Phúc
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet