Cu Bin nhà tôi hiện được 18 tháng tuổi. Trộm vía, bé tăng cân đều, phát triển tốt và khá lanh lợi, thông minh. Chồng tôi là con độc đinh nên sau khi cưới, mặc nhiên tôi phải sống cùng mẹ chồng (bố chồng tôi đã mất). Dù hợp mẹ chồng và được bà yêu quý nhưng tôi và bà khó tránh khỏi xích mích bởi mâu thuẫn quan điểm sống, mâu thuẫn cách chăm con-chăm cháu và khoảng cách 2 thế hệ.
Tôi là người ‘chuộng’ nuôi con theo khoa học. Nói thế không có nghĩa tôi phủ định hoàn toàn những bí kíp nuôi con theo cách dân gian mà mẹ chồng tôi chỉ bảo. Có một số kinh nghiệm của mẹ chồng, tôi vẫn nghe theo và áp dụng nhưng một số thì không thể chấp nhận.
Nửa tháng nay, tôi và bà căng thẳng việc nên hay không nên mớm đồ ăn cho Bin. Chẳng hiểu sao mẹ chồng tôi khi ăn bất kỳ thứ gì cũng nhè ra đút cho cháu, từ cái kẹo quy đến miếng cá, con tôm… Mới đầu tôi không ý kiến gì về thói quen đó của bà nhưng càng ngày bà càng làm quá khiến tôi vô cùng bức xúc.
Bất kể đồ ăn nào, mẹ chồng tôi cũng mớm cho Bin (Ảnh minh họa).
Đã đôi ba lần trên bàn ăn, khi cả gia đình đang cười nói vui vẻ, thấy bà mớm đồ ăn cho Bin, tôi nhẹ nhàng góp ý: “Bà cứ mớm đồ ăn cho cháu thế thì bao giờ cháu mới chịu lớn. Bà cứ để từ từ, cháu tập nhai sẽ tốt hơn”. Nhưng bà chỉ cười xòa, gạt đi: “Ăn đồ mớm tốt cho hệ tiêu hóa của cháu tôi. Chị chẳng biết gì cả. Ngày xưa tôi mớm đồ ăn cho bố nó suốt, có sao đâu”. Rồi bà lôi thập cẩm các loại kinh nghiệm ngày xưa ra chỉ giáo tôi, rằng thì là: ăn đồ mớm giúp bé làm quen với thực phẩm và lợi tiêu hóa; một số bé suy dinh dưỡng tăng khả năng hấp thu vì trong nước bọt của người lớn có men giúp tiêu hóa tốt… Và thế là, mặc cho tôi phản đối, bà vẫn tiếp tục công cuộc nhai và nhè đồ ăn vào thìa đút cho cháu.
Nhiều khi thấy miếng cá rán hay con tôm chiên ngon lành bị bà nhai nhão nhoe nhão nhoét rồi mới nhè ra thìa đút cho Bin ăn, tôi thấy lợm giọng. Dù là thế hệ lớn lên bằng cơm mớm nhưng tôi khó lòng chấp nhận, ngoảnh mặt làm ngơ để bà mớm đồ ăn cho con. Tôi tác động chồng nói chuyện với mẹ nhưng cũng chẳng hiệu quả. Bà còn mắng vợ chồng tôi là biết một nhưng không biết hai, ba. Suốt ngày chăm con theo khoa học này, lý thuyết kia nhưng lại phản đối việc mớm đồ ăn cho trẻ con là thiển cận, sai lầm… “Đấy, vợ chồng anh chị xem! Ăn đồ bà mớm, cu Bin mát da sởn thịt và nhìn bụ bẫm hơn hẳn. Có bệnh tật gì đâu. Chị bỏ suy nghĩ ăn cơm mớm mất vệ sinh đi. Muốn Bin khỏe thì cũng nên tập mớm đồ ăn cho nó dần đi”, mẹ chồng tôi nói.
Được bà mớm đồ ăn nhiều, cu Bin thành quen. Chỉ cần nhìn thấy bà nhóp nhép là Bin đã há miệng ra trực sẵn. Rồi mấy bà bạn của bà sang chơi cũng lây thói mớm đồ ăn cho Bin. Một vài lần thấy cảnh đó, tôi lo lắng góp ý với mẹ chồng: ‘Nhỡ các bác ấy bị bệnh răng miệng, Bin bị lây thì sao hả mẹ?” – “Lây gì tôi chịu”, mẹ chồng tôi gắt. Góp ý nhẹ nhàng thì bà không nghe, tôi kiên quyết: "Mẹ đừng mớm đồ cho Bin nữa, mẹ ạ! Khoa học đã chứng minh, bé ăn đồ mớm dễ lây virus chứ không tốt đâu". Nghe tôi nói, mẹ chồng tôi giận dỗi, mấy ngày không nói với tôi lời nào và kêu than với chồng tôi là 'Con dâu chê mẹ quê mùa, không coi mẹ ra gì...' Chồng tôi vì muốn làm vui lòng mẹ nên bảo tôi kệ mẹ mớm đồ cho Bin. "Anh và em ăn cơm mớm vẫn lớn, vẫn khỏe đấy chứ!", chồng tôi nói.
Liệu các mẹ khác có muốn ai đang ăn dở cái gì đó rồi lại nhè ra cho con ăn? Kể cả mẹ chồng tôi hay bạn của bà có đánh răng và súc miệng nước muối trước khi nhai đồ mớm cho Bin thì vẫn còn đó một số vi khuẩn ‘tá túc’ trong nước bọt của bà và dễ gây bệnh cho bé...
Có mỗi chuyện nhỏ bằng mắt muỗi thế mà không rưng mẹ chồng mặt nặng mày nhẹ với tôi, nói tôi không coi mẹ ra gì. Tôi nên làm gì để hóa giải mâu thuẫn này đây?!
Chia sẻ của độc giả ở địa chỉ email: linh_nguyenthuy...@...
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet