Loài dơi chỉ ăn quả chín khác với loài dơi ăn muỗi. Thịt dơi ăn có thể là loại dơi "trung cách" vì ở ức nó có lông mầu vàng nhạt. Còn "thượng cách" là dơi có lông mầu trắng (bạch dơi).
Bắt loại dơi này cũng không phải dễ dàng, chỉ bắt được vào những tháng đông - xuân trời rét. Những người đi săn phải lên núi từ chập tối ngồi đợi trong hang đá chịu khí lạnh buốt cho sạch hơi người, chăng lưới chờ đến nửa đêm đàn dơi đi ăn đêm về ùa vào hang thì chụp lưới bắt.
Thịt loài dơi ngon mà theo các cụ cao niên nói nó còn chữa được nhiều bệnh. Đây là loài dơi quý mà trong sách Đại Nam nhất thống chí đã nói đến... Ngày trước hằng năm phải bắt để dâng vua.
Xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) Hà Tây nổi tiếng với câu "Cấn Xá chi lý ngư", bởi ở đây có loài cá chép đặc biệt vây mầu vàng, đuôi đỏ hồng, đầu béo múp trông đẹp như con cá chép trong tranh "lý ngư vọng nguyệt".
Loài cá chép này chỉ sinh sản trong một cái đầm rộng và sâu gọi là đầm Bung. Ngày trước mỗi năm dân làng Cấn có một ngày đi đánh cá đầm Bung. Cá chép đầm này thịt béo mà không ngấy, mềm mà không nát. Khi bắt được cá, chọn con to, đẹp để tiến vua.
Thôn Khánh Hiệp (thuộc xã, Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ) ngày trước có gò Ma Khống. Ở gò này có một loài cua sinh sống. Cua mình to bằng cái bát ăn cơm, mai mầu vàng rộm. Mỗi năm, người ta chỉ thấy cua bò ra ngoài một lần vào một ngày bất thường. Nên ai trông thấy phải thông báo để mọi người đến bắt đem tiến vua.
Rau muống ở Linh Chiểu (Phúc Thọ) cũng được trồng bình thường như ở mọi nơi. Nhưng ngày xưa khi đem rau tiến vua thì rau muống lại được trồng một cách độc đáo.
Người ta bắt những con ốc to đem về làm cho ốc chết, rồi cấy mầm rau muống vào từng con ốc đó. Mầm rau muống sống lớn lên nhờ chất của con ốc. Khi rau muống dài độ một gang tay thì người ta mang những con ốc - rau muống (để nguyên như thế) đem tiến vua.
(Theo Văn Hoá Nghệ Thuật Ăn Uống)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet