Khi con bắt đầu tập ăn dặm, mẹ thường cố gắng nấu những món thật ngon và nhất là có màu sắc đẹp để hấp dẫn bé. Mẹ “chắc mẩm” rằng nhìn một tô bột/ cháo màu mè như vậy, con sẽ thích thú và ăn nhiều hơn. Điều đó hoàn toàn đúng! Thế nhưng, “tai hại” là ở chỗ, những loại rau củ có màu sắc đẹp mà mẹ thường sử dụng như cà rốt, củ dền đỏ, cà tím,… lại không được khuyến khích dùng nhiều cho con, nhất là khi bé mới tập ăn dặm. Lý do là trong các loại rau củ đỏ có chứa nitrat và chất này có thể gây nguy hiểm cho bé.
Dễ bị ngộ độc
Bản thân nitrat không có hại, nhưng khi đi vào cơ thể, các vi khuẩn ở đường tiêu có thể chuyển hóa thành nitrit. Lượng nitrit vượt quá mức cho phép can thiệp tới hemoglobin khiến sự vận chuyển oxy trong máu của trẻ nhỏ bị ngăn chặn. Ở các bé trong độ tuổi bắt đầu ăn dặm, vấn đề này càng nghiêm trọng hơn vì khi đó, ruột của con ít tính axit, cho phép chuyển đổi nitrat thành nitrit nhanh hơn, gây ra tình trạng thiếu oxy và ngộ độc cấp tính.
Ngoài ra nitrit còn phản ứng với protein tạo thành chất có thể gây ung thư là nitrosamine.
Nitrat có nhiều trong rau củ “sặc sỡ”
Thật tiếc là một số loại rau, củ, quả có màu sắc đẹp mắt và rất giàu dinh dưỡng nhưng lại chứa khá nhiều nitrat. Thế nên, khi bé mới tập làm quen với việc ăn dặm, mẹ nên hạn chế những thực phẩm đó.
Củ dền: Có màu đỏ “siêu” đẹp cộng với giá trị dinh dưỡng đáng mơ ước: giàu folate, năng lượng, lipid, protein, kali và vitamin A,… Tuy nhiên, mẹ hãy chờ đến khi bé được 3 tuổi thì mới nên cho con ăn thực phẩm này, và không được cho bé ăn quá nhiều. Lý do là màu đỏ trong củ dền là muối nitrat chứ không phải là sắt như nhiều mẹ lầm tưởng. Vì thế, với những bé mới bắt đầu ăn dặm, hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện thì mẹ tuyệt đối không được nấu cháo/bột củ dền cho bé, càng không được lấy nước luộc củ dền pha sữa cho con vì có thẻ khiến bé ngộ độc. Khi đó, con sẽ bị tím tái, ngạt thở, nghiêm trọng hơn là dẫn tới tử vong.
Trẻ dưới 6 tháng tuyệt đối không ăn củ dền. (Ảnh minh họa)
Cà rốt: Trong cà rốt cũng chứa rất nhiều vitamin A, B, C, D, E và K; ngoài ra loại củ có màu bắt mắt này còn chứa canxi, phốt-pho, kali, natri, một lượng nhỏ khoáng chất và protein. Đây cũng là loại củ mà hầu hết các mẹ nghĩ tới đầu tiên khi cho con ăn dặm vì rất nhiều ưu điểm, lại dễ ăn dễ nấu. Tuy nhiên, cà rốt cũng nằm trong “top” rau củ chứa lượng nitrat khá cao. Đó là lý do mẹ không nên cho bé ăn quá sớm. Mẹ cũng không nên cho con ăn quá nhiều khi bé đã lớn hơn, lý do là lượng nitrat quá cao không chỉ có hại cho trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng có thể bị ngộ độc.
Ngoài ra, đậu xanh, bí đỏ, cà tím, khoai tây, cải bó xôi,… cũng là những loại rau củ có chứa nhiều nitrat. Vì vậy, mẹ nên thận trọng khi sử dụng, nhất là với những bé dưới 6 tháng tuổi. Mẹ nên thay bằng một số loại rau củ quả chứa ít nitrat như: cà chua, dưa chuột, ớt chuông, dưa hấu,… Với trẻ lớn hơn, mẹ có thể cho con ăn bình thường nhưng với liều lượng vừa phải để giảm nguy cơ gây hại cho bé. Ngoài ra,mẹ cũng nên tham khảo một số cách để làm giảm lượng nitrat trong thực phẩm cho con như sau:
Cà rốt cũng không được khuyến khích cho trẻ mới tập ăn dặm, mẹ nên cho con ăn với lượng vừa phải. (Ảnh minh họa)
- Nên mua rau củ theo mùa để hạn chế việc sử dụng quá nhiều phân bón (nguyên nhân khiến rau củ nhiễm nhiều nitrat).
- Nên bỏ lá già, bỏ cọng của các loại rau vì đó là bộ phận chứa nhiều nitrat hơn cả.
- Nhúng rau sơ qua nước sôi có thể giảm lượng nitrat từ 30 đến 50%.
- Đổ bỏ nước luộc của rau củ chứa nhiều nitrate.
- Với các loại rau củ chứa lượng nitrat cao, nên dùng chung với thực phẩm giàu vitamin C.
- Không nên hâm nóng các món rau có nhiều nitrat, vì khi hâm lại nitrat có thể bị biến đổi thành nitrit.
Thời điểm bé bắt đầu ăn dặm vô cùng quan trọng vì nó ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của con. Nhất là đối với những bé mà vì một số lý do nào đó, mẹ buộc phải cho con ăn dặm trước 6 tháng, khi đó, việc lựa chọn rau củ hay các thực phẩm khác là vô cùng quan trọng. Mẹ nên lưu ý để không gây ra những ảnh hưởng xấu cho con.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet