Nội dung

Câu chuyện có con gầy yếu của chị Thu Hà, một nhà báo đang sống và làm việc tại TP HCM cách đây mấy năm từng gây bão trên các diễn đàn nuôi dạy con bằng tâm thư: “Tôi nuôi con sai rồi, cứu mẹ con tôi với”. Sau 10 năm với rất nhiều nỗ lực ép con ăn, đưa con đến gặp không biết bao nhiêu bác sĩ, và tự thay đổi cách chăm con của chính mình, người mẹ này đang cảm thấy vô cùng hạnh phúc bên hai cô con gái khỏe mạnh, ngoan ngoãn, tự lập.

Từ những thực tế nuôi dạy con mà chị cho là "đã mắc nhiều sai lầm", chị Hà rút ra được những bài học lớn để trở thành một người bạn đồng hành cùng con và truyền cảm hứng nuôi dạy con cho rất nhiều cha mẹ khác.

Quả ngọt sau 10 năm cơ cực nuôi con còi cọc

Xu (trái) và em gái được mẹ khuyến khích tham gia các hoạt động ngoài trời để có tinh thần vui vẻ và nâng cao thể chất. Ảnh: Thu Hà.

Ngày đó, chị đã từng nghĩ mình không may mắn khi bé Xu, cô con gái đầu lòng khó nuôi quá. Từ tháng thứ hai trở đi, bé bắt đầu bị trào ngược dạ dày thực quản, ngày nào cũng ói từ 8 tới 15 lần. Xu chỉ cần ho, cười, khóc hay đơn giản là giật mình, thậm chí chẳng có tín hiệu gì, sữa bột hay cháo vọt ra nhanh như máy bơm. Chị Hà ám ảnh tới mức còn hứng sữa Xu ói ra, đong vào bình chia mililit để tính xem bé mất đi bao nhiêu và cần bù vào bao nhiêu. Chị cân con mỗi ngày, cố ý cân khi vừa ăn xong để trấn an tinh thần.

Vì con không ăn được gì nên chị cố ăn thật nhiều để bé bú mẹ, kết quả là mẹ mập quay. Bước chân ra đường, chị lại bị các bà mẹ lại hỏi thăm: “Sao chị để bé còi vậy?”, "Mẹ ăn hết phần con à?"... Đến nỗi sau đó ai hỏi thăm Xu bao nhiêu tuổi, chị nói tụt xuống một năm.

Đoạn trường nuôi bé cực đến nỗi bao nhiêu lần thuê người giúp việc thì bấy nhiêu lần không thành công vì họ không đủ kiên nhẫn với bé, hoặc quá xót xa khi thấy bé nôn ói nhiều như vậy. Vì bị ép ăn nhiều để bù lượng đã mất, lâu dần bé Xu cũng quá sợ ăn. Mỗi lần cho con ăn, chị phải làm đủ trò, cho nghịch nước, nghịch đá lạnh, nghịch nồi niêu, vào bất cứ nhà nào...  Có lần nhận ra Xu cứ chạm vào tường là cười, chị bế con chạy từ đầu phòng tới cuối phòng cho hai mẹ con đụng vào tường. Xu cười, nuốt ực một cái, mẹ lại mãn nguyện chạy tiếp để đút thêm một thìa sữa nữa.

Cứ hai tuần một lần, chị lại đưa con tới khám ở Trung tâm Dinh dưỡng rồi bệnh viện nhi đồng. Chị cũng từng cho con đi uống thuốc bắc, tới khi biết tin ông thầy bị công an bắt vì đã trộn thuốc corticoid vào thuốc.

Vái tứ phương, chị bán khoán Xu lên chùa; dùng cả mẹo giả vờ bỏ Xu vào xe đẩy bỏ rơi ngoài ngã tư để bác giúp việc nấp sẵn trong lùm cây đi ra nói: “Ôi con ai bỏ ở đây? Thôi trời cho thì con xin về nuôi! Con ở với nhà bác ăn ngoan chóng lớn nhé!”. Bác giúp việc đẩy xe về và hai mẹ con ôm nhau khóc.

Chị Thu Hà tự tả về mình những ngày đó: điên, dữ, khó, cáu, xơ xác, không giao lưu, không bạn bè gì suốt 4 năm từ ngày sinh con. Chị luôn tự dằn vặt bản thân mình vì con gầy yếu. Chị cũng la hay mắng, có lần còn đánh con chỉ vì không ăn. Chị tự nhận: “Mỗi ngày là một trận chiến, mà trong đó cả tôi và Xu đều là người thua cuộc”.

Chị Thu Hà nói về tác hại của việc ép con ăn

Hai mẹ con vật vã các kiểu thì Xu bắt đầu nhích lên chút đỉnh. Bé không nằm giữa kênh B nữa, nhưng bác sĩ vẫn gọi là còi, ở đường biên giới suy dinh dưỡng. Chị lại đưa con đến gặp một thạc sĩ dinh dưỡng rất giỏi và nổi tiếng. Xu được kê một thực đơn toàn sữa và bị cấm uống các loại nước, bị cho khát nước để uống được nhiều sữa. Chị tuân thủ nghiêm ngặt. Một tháng sau, hai mẹ con tái khám. Ngập ngừng mãi, Xu đứng lên cân, bé tăng 1kg. Mẹ con chị gọi điện thoại khắp nơi khoe. Tuy nhiên, suốt tháng sau đó, Xu ốm liên tục ho sốt, và vật vã thèm nước. Một buổi sáng, bé hỏi: “Mẹ ơi, nước được làm từ gì vậy? Mà con thấy nước ngon nhất trên đời!”. Câu nói của con khiến chị không cầm lòng được, chị vứt hết lời bác sĩ dặn, cho Xu uống luôn một ly nước đầy.

Chị bỏ luôn thực đơn sữa, đưa con tới gặp một bác sĩ khác. Ông chỉ mỉm cười: “Cháu không bụ bẫm là do tạng người nhỏ con, chị đừng cố thay đổi, không tốt cho cả chị và cháu đâu!”. Sau đó, chị thả lỏng cho con, không ép uống sữa mỗi ngày nữa.

Quả ngọt sau 10 năm cơ cực nuôi con còi cọc

Chị Thu Hà quan niệm mẹ phải tươi cười mới có thể truyền năng lượng tích cực cho con. 

Vài tháng sau, một biến cố lớn xảy ra với chị. Bạn thân của chị, một cô gái xinh đẹp và giỏi giang tự tử. Chị choáng váng tới mức buộc phải tham gia các khóa học tâm lý, bình ổn tâm hồn. Chị nhận ra sức ép tinh thần có thể giết chết người ta như thế nào. Sự khỏe mạnh về tinh thần quan trọng hơn chỉ số chiều cao, cân nặng.

Chị bắt đầu thay đổi, kiên nhẫn và bình tĩnh với việc cho con ăn: con ăn không hết thì dẹp. Con ốm thì đi khám, chị không còn quay quắt với vấn đề dinh dưỡng nữa. Chị tôn trọng thể tích dạ dày của Xu và không so sánh với các bé khác. Chị cũng không tự kết tội mình. Chị chủ động cho con học hai năm lớp lá, 7 tuổi mới vào lớp một.

Người mẹ tự nhận mình chẳng thể nào "phù phép" để thay đổi thể trạng của con, chỉ có thể thay đổi chính cách nuôi con của mình: Hãy tôn trọng con và thư giãn! Thay vào đó, chị quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho con, để bé luôn vui vẻ. Chị cho bé học múa, tập thể thao, đi du lịch cùng mẹ, làm các việc nhà. Hoạt động thể chất nhiều, tâm trạng thoải mái, sức khỏe của bé được cải thiện.

Bây giờ, Xu đã 10 tuổi, vẫn còn gầy nhưng đạt sức khỏe hạng A trong một lớp hơn nửa bị dư cân và béo phì. Xu nhảy cao, nhảy xa, chạy nhanh gần nhất lớp, và được vào đội tuyển điền kinh của quận. 

"Giờ thì bắt đầu ổn dần rồi. Con đã lớn! Con ham hiểu biết và tự học, con kèm em Sim hoàn toàn, hai năm nay mẹ chưa từng phải kiểm tra bài vở của em Sim một lần nào. Con đã tự nấu cơm, hai chị em tự ăn và dọn chén bát đi rửa, rồi tự ở nhà chơi với nhau hòa bình. Con yêu thể thao, con hào hứng với các thử thách, con thích dịch chuyển, và ai con cũng chơi được", chị Hà viết trên Facebook nhân sinh nhật 10 tuổi của Xu.

Kim Kim

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Những sai lầm ăn uống khi nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch mà còn là nền tảng cơ bản cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhưng việc cho con bú đôi khi lại khiến các bà mẹ lo lắng vì không biết thức ăn mà họ dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của thiên thần bé nhỏ hay không. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm của các bà mẹ đã được các chuyên gia nhi khoa lý giải:

Xem thêm  

Đừng chủ quan khi chở trẻ bằng xe máy

Các bậc phụ huynh nên ý thức về những mối nguy hiểm luôn rình rập trẻ khi tham gia giao thông, để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ khi đi trên đường. Nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng...

Xem thêm  

Lòng bao dung của người mẹ chồng

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con trai nhưng vì cháu nội, người mẹ đã nuốt nước mắt, tha thứ cho con dâu. Cô gái trẻ có mái tóc bới cao, nước da trắng ngần, không ngừng vặn vẹo đôi tay khi ngồi trên...

Xem thêm