Sáng 10/3, tại Nhà thiếu nhi TP HCM, TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng bộ môn Tâm lý Trường ĐH KHXH&NV, chủ trì buổi nói chuyện chuyên đề Những sai sót của cha mẹ làm ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển của trẻ.
Các chuyên gia tâm lý đã phân tích một số nhầm lẫn của cha mẹ khi nuôi dạy con. Dưới đây là một vài tình huống thường gặp.
Không cho trẻ xem tivi quá 2 giờ một ngày
Con trai tôi năm nay hai tuổi rưỡi nhưng chưa biết nói, mới chỉ được bập bẹ từ “ba ba”. Khi nghe người khác nói, cháu hiểu và làm theo. Thời gian gần đây người giúp việc hay cho cháu xem tivi. Xem tivi có ảnh hưởng đến sự chậm nói của trẻ không ạ?
Hướng giải quyết: Xem tivi quá nhiều cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ vì khi xem tivi, trẻ không có sự tương tác. Lâu dần dễ thành thói quen, khi giao tiếp với người khác, cháu cứ nghĩ người đó là cái tivi, không cần phải nói lại. Tốt nhất nên bớt cho trẻ xem tivi. Tổng số thời gian cho trẻ xem tivi, máy tính, chơi điện thoại không nên quá 2 giờ một ngày. Thời gian cho trẻ tương tác với cha mẹ cần trên 2 giờ một ngày.
Tuy nhiên, việc chậm nói của trẻ cũng không hẳn là do tivi mà có thể do rối loạn chậm phát triển, cần đưa cháu đi khám càng sớm càng tốt.
Phụ huynh đăng ký cho con học năng khiếu ở Nhà thiếu nhi thành phố. |
Táo bón vì bị cưỡng ép
Con tôi gần một tuổi và bị bón nặng, có khi 5 ngày mới đi một lần. Mỗi lần cháu đi rất khó khăn khiến cả nhà lo lắng, chuẩn bị dụng cụ bơm xịt đầy đủ để dự phòng. Trước đây, cứ mỗi sáng thức dậy tôi đều ép cháu đi đều đặn, sau đó cháu có hiện tượng bón nhẹ, nay thì nặng hơn. Tôi phải làm sao?
Thông thường trẻ em mới sinh cho đến một tuổi, việc đi tiêu, đi tiểu là sinh hoạt tự nhiên theo phản xạ sinh học. Trong quá trình thăm khám tâm lý, tôi thấy có không ít cha mẹ can thiệp sâu vào nhu cầu đi vệ sinh của trẻ. Họ uốn nắn trẻ theo cách nhìn của người lớn, tập cho trẻ đi vệ sinh đúng giờ, đúng nơi quy định. Điều này dễ gây ức chế tâm lý ở trẻ. Có thể lúc đó trẻ chưa buồn đi nhưng mẹ cứ “xi” sẽ khiến trẻ bị áp lực, bị căng thẳng thần kinh dẫn đến cơ vòng hậu môn bị co cứng gây nên hiện tượng táo bón. Có thể trẻ buồn đi nhưng phân không ra được. Lúc này thấy bố mẹ căng thẳng thì trẻ càng căng thẳng thêm, táo bón càng tăng thêm.
Như vậy, thay vì được “xả” một cách tự nhiên sảng khoái thì trẻ lại khổ sở vì người lớn. Khoảng 60% trẻ táo bón là do tâm lý. Khi trẻ bị táo bón, cha mẹ hãy nghĩ ngay đến yếu tố tâm lý để điều chỉnh hành vi của mình, điều chỉnh chế độ ăn uống của trẻ, tạo môi trường thoải mái để trẻ đi vệ sinh, nếu trẻ vẫn không khỏi thì mới đưa đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám.
Bị cận, loạn vì tập viết sớm
Con tôi đã hơn 4 tuổi. Nhiều trẻ cùng lứa tuổi được cho luyện viết chữ đẹp. Tôi nghe nói không nên cho trẻ học viết trước khi vào lớp 1 nhưng cũng băn khoăn sợ khi vào lớp 1 con mình không theo kịp các bạn. Tôi có nên cho con tôi đi học viết chữ từ bây giờ?
Trẻ dưới 6 tuổi học kiến thức thông qua chơi và giao tiếp. Tập cho con học viết chữ, luyện viết chữ đẹp trước sáu tuổi gây khó khăn cho trẻ vì chúng chưa hoàn thiện phát triển vận động cơ xương khớp và thần kinh. Tay của trẻ chủ yếu là làm quen vận động thô chứ không phải vận động tinh xảo. Khi viết chữ thì các em phải viết nắn nót, điều chỉnh nét chữ trong ô ly nhỏ, cần độ tập trung chú ý cao của mắt và đôi bàn tay, dễ dẫn đến tật khúc xạ ở trẻ.
Bên cạnh đó, trẻ chịu đựng quá lâu với trương lực cơ và trương lực chú ý với cường độ cao dễ gây áp lực tâm lý cho trẻ. Do vậy, nếu cho trẻ chơi trò vẽ chữ (lên tờ giấy to, lên tường, lên bảng…) thì được nhưng cho tập viết chữ thì không nên.
Không nên ngăn cản ganh đua
Tôi có hai cháu gái. Cháu nhỏ (5 tuổi) thường ganh đua với chị lớn (7 tuổi) về tình cảm của cha mẹ, về việc ăn mặc, vui chơi… Cái gì cháu cũng muốn được nhiều hơn chị. Dù tôi có khuyên nhủ, dọa phạt nhưng cháu vẫn không bỏ. Tôi phải làm sao?
Chị không nên ngăn cấm sự cạnh tranh giữa hai con với nhau. Đây là sự cạnh tranh mang lại điều tốt, là bước tập dợt để tạo ra sức đề kháng tâm lý về sau cho trẻ. Khi cạnh tranh như vậy, trẻ sẽ tự tạo ra những căng thẳng nhỏ, nhiều căng thẳng nhỏ gộp thành căng thẳng lớn hơn. Sau này, khi lớn hơn, trẻ dễ dàng vượt qua những căng thẳng lớn, nhỏ tương tự. Vấn đề là cha mẹ phải bình đẳng trong việc ứng xử với các cháu, không nên gây ra sự thiệt hơn cho bất cứ cháu nào.
Giữ không gian riêng của trẻ
Cháu tôi hay nói chuyện một mình. Mỗi khi như vậy thì ba cháu vào ngồi cạnh chơi cùng, gợi cho cháu nói nhưng cháu tỏ ra cáu kỉnh, đòi đi chỗ khác. Cháu tôi có bị làm sao không?
Trẻ nói một mình là chuyện bình thường, là điều tốt. Đây là khoảng thời gian trẻ tập dợt trước khi nói chuyện với thế giới xung quanh. Trong khi người lớn chúng ta đã có sự kiềm chế để biết nói với ai, lúc nào nên nói và lúc nào ngừng nói thì với một đứa trẻ có bao nhiêu suy nghĩ trong đầu các cháu cứ phát ra một cách rất tự nhiên. Do vậy, người lớn không nên can dự vào khoảng không gian riêng muốn được nói chuyện một mình của trẻ.
Theo tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, trẻ cần mẹ ngay từ lúc sơ sinh. Nhiều người mẹ tin rằng trẻ sơ sinh không biết gì, do đó để trẻ cho người khác chăm sóc thay mẹ. Họ cho rằng sau khi sinh người mẹ cần được nghỉ ngơi vì mệt mỏi sau một thời gian dài mang thai, sinh nở. Tuy nhiên, trẻ bị cách ly với mẹ dù bất cứ nguyên nhân nào cũng có thể rơi vào hội chứng vắng mẹ (rối loạn ăn uống, gây khóc đêm, giật mình, dễ nhiễm khuẩn…).
Trẻ được mẹ ôm ấp, yêu thương trong thời gian này sẽ giúp tăng cường sự nhạy cảm của các giác quan - giúp trẻ tăng cường phát triển tiềm năng trí tuệ, vui vẻ và đặc biệt ít bệnh tật. Một nghiên cứu giữa nhóm trẻ được chăm sóc tốt ở cô nhi viện với một nhóm trẻ sống cùng mẹ trong điều kiện vật chất thiếu thốn thì kết quả cho thấy nhóm trẻ dù ở với mẹ thiếu thốn nhưng vẫn phát triển tốt về mặt tâm lý, thể chất, ít mắc bệnh hơn trẻ được chăm sóc tốt ở cô nhi viện.
Theo Pháp luật TP HCM
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet