Dù đã có chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, nhưng vì lo lắng đến những tai biến như nóng, sốt có thể gây ra cho con nên nhiều phụ huynh chấp nhận tốn kém để cho con tiêm vắc-xin dịch vụ. Thế nhưng, vài tháng trở lại đây, không ít phụ huynh đã đứng ngồi không yên do phần lớn các điểm tiêm chủng dịch vụ đều lắc đầu hoặc treo biển "Hết vắc-xin". Đáng ngại nhất là những trường hợp bố mẹ đã "lỡ" cho con theo đuổi chương trình tiêm chủng dịch vụ đắt đỏ, lại chưa hoàn tất số lần tiêm với những loại vắc-xin cần tiêm nhiều mũi.
Mất ăn mất ngủ vì vắc-xin dịch vụ "hết hàng"
Vẻ mặt lo lắng, chị Ngọc Hà (Đống Đa, Hà Nội) ngán ngẩm cho biết: Theo lịch, bé nhà chị phải tiêm nhắc lại mũi 6 trong 1 từ mấy tháng nay. Nhưng từ đó tới giờ, đưa con tới bất cứ điểm tiêm chủng dịch vụ nào chị cũng được thông báo là chưa có vắc-xin. "Mình rất lo bởi đã quá thời hạn tiêm mũi nhắc lại cho con nên không biết có bị giảm tác dụng của những mũi trước hay không. Nhiều lần mình cũng định đưa bé ra điểm tiêm vắc xin miễn phí Quivaxem ở phường, nhưng lại lo con đang tiêm vắc-xin vô bào, giờ thay thế bằng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng liệu có được hay không?"
Đó cũng là thắc mắc của rất nhiều phụ huynh khác khi lỡ cho con "đâm lao" mà chẳng biết khi nào mới "theo kịp lao". Anh Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng nhăn nhó cho biết: "Lần nào hỏi nhân viên y tế cũng nói sẽ thông báo sớm khi vắc-xin "về". Vậy mà đã mấy tháng trôi qua con tôi vẫn chưa được tiêm mũi nhắc lại, tôi chỉ lo quá hạn thì mũi đầu sẽ thành "công cốc" thôi. Lo lắng là vậy nhưng cũng chỉ biết chờ thuốc đến dài cả cổ" - anh cho biết.
Còn chị Thủy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng không khỏi băn khoăn khi bé nhà chị còn chưa được tiêm vắc-xin phòng thủy đậu. Đáng ngại nhất là vắc-xin này không nằm trong danh mục 11 vắc-xin thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia hàng năm, được Bộ Y tế cung ứng miễn phí. Nó là sản phẩm được cung cấp theo nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, bệnh thủy đậu đôi khi diễn biến thất thường dẫn đến việc dự trù của các cơ sở kinh doanh chưa sát với thực tế, gây khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung như thời gian này. Vì vậy, rất nhiều bé như con chị Thủy còn chưa được tiêm phòng, trong khi các điểm tiêm chủng thì liên tục thông báo hết vắc-xin.
Tại nhiều cơ sở y tế, các phụ huynh hết sức lo lắng vì thiếu vắc-xin tiêm dịch vụ. (Ảnh minh họa)
Tuy tình hình vắc-xin khan hiếm là vậy, và nhiều phụ huynh đang hết sức nóng lòng chờ đợi để cho con đi tiêm. Tuy nhiên, vắc-xin khi nhập về phải được Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế kiểm định theo quy định về: độ an toàn trên động động vật thí nghiệm và một số trường hợp kiểm định tính sinh miễn dịch. Do đó, thời gian từ khi nhập khẩu đến khi lưu hành, cung cấp cho thị trường sẽ dài hơn.
Hệ lụy đáng ngại
Tình trạng thiếu vắc-xin không chỉ xảy ra ở Hà Nội, ngay cả ở T.p Hồ Chí Minh, các điểm tiêm chủng dịch vụ cũng luôn trong tình trạng treo biển báo hết như vậy, khiến rất nhiều phụ huynh “lo đứng lo ngồi”. Bởi theo Ts.Bs. Cao Hữu Nghĩa - phụ trách khu vực dịch vụ khám - tiêm chủng thuộc Viện Pasteur Tp.HCM cho hay, với những loại vaccine cần chích ngừa nhiều mũi (ví dụ 2 mũi chẳng hạn), nếu chưa hoàn tất mũi thứ 2 và để kéo dài quá lâu thì tác dụng của mũi thứ nhất sẽ giảm khá nhiều, thậm chí sẽ phải tiêm lại từ đầu. Vì vậy, tình trạng thiếu hụt vaccine mà chưa biết khi nào mới có trở lại như hiện nay, ngoài hậu quả không thể hoàn thiện khả năng ngừa bệnh của trẻ, còn khiến các bậc phụ huynh thêm phần tốn kém.
Giải pháp “nóng” cho các bậc phụ huynh
Nhiều bố/mẹ rất lo lắng rằng việc trễ mũi vắc xin sẽ ảnh hưởng đến kháng thể phòng bệnh của con, với các loại vắc xin cần được tiêm nhắc lại như: vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản, bại liệt, viêm não phế cầu... Đây là các vắc xin tạo được kháng thể bảo vệ khoảng 3 -10 năm, trong thời gian này nếu không tiêm nhắc, khi phơi nhiễm với mầm bệnh vẫn có thể bị mắc bệnh. Theo đó, PGs.Ts Đỗ Sỹ Hiển - Giám đốc Trung Tâm chăm sóc sức khỏe Cộng Đồng Hà Nội, Nguyên chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho hay: với các bé đã tiêm 1, 2 mũi 6 trong 1 dịch vụ rồi mà bây giờ thiếu mũi thứ 3 thì việc chờ thêm 1 đến 3 tháng nữa không ảnh hưởng gì tới khả năng miễn dịch bảo vệ, nhưng chắc chắn cần tiêm đủ mũi.
Ngoài ra, PGs.Ts Đỗ Sỹ Hiển cho biết thêm: Các bậc phụ huynh có thể thay thế vắc-xin nhưng cần chú ý đến thành phần là được. Theo đó, khi tiêm chủng cho con, bố mẹ chỉ cần xem xét kỹ thành phần các loại vắc xin là. Ví dụ với Quinvaxem 5 trong 1 thiếu Bại liệt trong thành phần nên bố mẹ cho các con uống thêm vắcxin bại liệt là đủ.
Còn với vắc-xin dịch vụ 6 trong 1 hiện nay có bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và hib, thì khi định thay thế thuốc cho con, ví dụ chọn 5 trong 1 có thành phần kháng thể bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, hiB nhưng thiếu viêm gan B. Khi đó, phụ huynh có thể vẫn tiêm vắc-xin này nhưng cần bổ sung thêm một mũi viêm gan B thì sẽ đảm bảo.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet