Khi ở nhà với ông bà hay đến lớp với cô, bé thường rất ngoan ngoãn và chẳng mấy khi khóc nhè. Thế nhưng, cứ mỗi sáng hoặc chiều, vừa thấy mẹ là con lại bắt đầu "mè nheo", quấy khóc. Vì thế mà mẹ bị "mang tiếng" là không biết chăm con.
Đôi khi mẹ thấy buồn phiền vì không hiểu sao con lại như thế? Phải chăng mẹ đi làm cả ngày, không có thời gian ở bên nên bé đã "quên" mẹ rồi? Cũng có nhiều mẹ khác thì cảm thấy khó chịu, khi sau một ngày làm việc mệt mỏi trở về lại thấy con nhõng nhẽo, nghịch phá hoặc rất "hư". Nhiều lần, mẹ bực bội mà càu nhàu: "Mai lại "tống" đến lớp cho ngoan thôi. Ở nhà với mẹ hư thế ai mà chịu nổi". Thế nhưng mẹ đừng vội làm như vậy nhé, cũng đừng nghĩ là bé "quên" hoặc không yêu mẹ. Thực ra, bé nhõng nhẽo như thế vì mẹ là người mà bé luôn "tin tưởng". Chỉ vì tin tưởng mẹ nên con mới "bộc lộ" hết những tật xấu ra, sau 1 ngày phải "gồng mình" để ngoan ngoan, nghe lời ông bà, cô giáo hay một ai đó.
Bé làm nũng cũng vì... thương mẹ. (Hình minh họa)
Và mẹ có biết, như thế có nghĩa là bé luôn yêu thương mẹ nhất không. Thậm chí ngay từ khi mới sinh, bé đã có xu hướng yêu thích mẹ hơn những người khác rồi. Vậy nên mẹ đừng lo lắng là không ở bên cạnh con nhiều thì bé sẽ "quên" mẹ đâu nhé!
Còn rất nhiều những cử chỉ khác chứng tỏ điều đó, mẹ có để ý không?
Bé biết cười với mẹ từ... 2 tháng tuổi
Nếu bé mỉm cười khi thấy mẹ, thì đó hoàn toàn không phải là một phản xạ "vu vơ" đâu. Thực ra bé đang cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi thấy khuôn mặt của mẹ, thấy mẹ cười,... và phản ứng lại với điều đó. Giống như bé đang muốn "xây dựng mối quan hệ" với mẹ vậy. Trong khi với bố hay bất cứ ai khác lại ít khi thấy được bé cười như thế.
Bé nhìn mẹ "chằm chằm"
Từ khi mới sinh, con đã có thể nhận ra khuôn mặt, giọng nói và mùi của mẹ rồi. Và con đang muốn "kết nối" tất cả những thứ đó với nhau, bằng cách nhìn mẹ "chằm chằm" để ghi nhớ. Nói cách khác, điều đó giống như bé đang cố gắng để biết giọng nói quen thuộc và "mùi" làm con dễ chịu đó đến từ người có khuôn mặt ra sao.
Vì vậy, khi mẹ thấy mẹ nhìn mình chằm chằm, hãy đừng vội quay đi hoặc theo thỏi quen là nô đùa với con, để bé có thời gian ghi nhớ những gì mình thấy vào não. Lúc này, mẹ chỉ nên yên lặng và... mỉm cười là tốt nhất.
Bé thích âu yếm mẹ
Khi được khoảng 1 tuổi là con đã biết học cách thể hiện tình cảm rồi. Và "người đầu tiên" của bé không ai khác chính là mẹ. Thế nên, đôi khi mẹ thấy bé cuống quýt "thơm" vào má, vào miệng, mũi... hay bất cứ nơi nào trên cơ thể mẹ, với... nước dãi ướt nhẹp, thậm chí là cả vết răng của con nữa. Hãy trân trọng những khoảnh khắc tuyệt vời đó dù đôi khi mẹ không mấy dễ chịu gì (nhất là khi bé mọc răng), bởi bé chỉ thể hiện tình yêu với người mà con thực sự thấy thân thiết, gần gũi nhất thôi.
Thấy mẹ là giơ tay đòi bế
Ngày nào cũng vậy, mẹ vừa đến nhà là con cuống lên giơ hai tay về phía trước như đòi mẹ bế, mặc cho người mẹ lúc này vẫn nguyên bộ đồ vừa đi ngoài đường bụi bặm và đầy mồ hôi. Khi mẹ đang vội vàng rửa tay, rửa mặt và thay bộ quần áo khác ra, bé đã òa khóc ầm ĩ vì nghĩ rằng mẹ "bỏ rơi" mình rồi. Vậy là nhiều khi mẹ phải để nguyên bộ dạng "lôi thôi lếch thếch" với quần áo mặc vội để ôm bé và dỗ dành. Lúc này, con nín ngay nhưng vẫn giữ vẻ mặt "phụng phịu" nép vào ngực mẹ, nhìn đáng yêu vô cùng. Chắc mẹ đã không ít lần "tan chảy" khi thấy bé như vậy đúng không?
Luôn quay lại phía mẹ
Khi biết bò, bé đã có nhiều cơ hội hơn để khám phá mọi thứ xung quanh. Bé thích thú bò khắp nơi và "dò xét", "sờ mó" bất cứ thứ gì con thấy. Nhưng mẹ có để ý, cứ chốc chốc con lại cuống quýt bò thật nhanh về phía mẹ, mặt mũi đôi khi "phởn phơ", đôi khi sợ hãi. Để rồi được mẹ vỗ về 1 chút con lại tiếp tục "bò" ra và khám phá tiếp. Lúc ấy với bé, mẹ như một điểm tựa an toàn mà dù có lo lắng, sợ hãi hay thích thú, vui vẻ,... con vẫn muốn quay về.
"Hớn hở" khi thấy mẹ
Nếu mỗi sáng đi làm, mẹ phải "cắn răng" bước đi khi con đang ngằn ngặt khóc đòi mẹ thì buổi chiều, mẹ sẽ thấy "bộ mặt" hoàn toàn khác của con. Vừa thấy mẹ một cái là con cuống quýt, cười toe và bò lao về phía mẹ. Sau đó thì ôm chặt lấy mẹ, hét lên và dụi dụi đầu vào ngực mẹ. Cảm giác lúc đó chắc hẳn là rất tuyệt vời với bất cứ mẹ nào. Nó cho thấy sự gắn bó sâu sắc của con và mẹ.
Bắt chước hệt như mẹ
Đôi khi mẹ và mọi người trong nhà thường bật cười vì thấy con có những hành động không khác gì mẹ. Đó là khi bé cầm điện thoại, nghiêng đầu rồi kẹp vào giữa cánh tay đang giơ lên và má. Giống như mỗi khi mẹ phải vừa nghe điện thoại, vừa pha sữa hay thay bỉm cho con vậy. Hoặc mẹ có thể thấy con ôm 1 chú gấu bông và ... thì thầm với nó, trò chuyện tươi cười nữa, hệt như mỗi khi mẹ chơi đùa với bé,... Không có gì lạ khi con có những hành động giống mẹ như thế, mà không phải là giống bố. Bởi khi dần lớn lên, con bắt đầu có cách thể hiện tình cảm "phức tạp" hơn một chút. Khi đó, bé hay thích "thử nghiệm" những điều mới mẻ, và chọn một người con tin cậy nhất để học theo.
Ghen tị vì mẹ... yêu người khác hơn
Trẻ con dễ có cảm giác ghen tị từ rất sớm. (Hình minh họa)
Mẹ đừng ngạc nhiên nhé vì ngay từ khi còn chưa đầy 1 tuổi con cũng cảm nhận được cảm giác... bị bỏ rơi như thế nào đấy! Mẹ có thấy bé khóc váng lên, hờn dỗi khi mẹ "lỡ" bế và âu yếm, cưng nựng một em bé khác không. Thậm chí, con có thể bò ra và níu lấy mẹ như muốn "thế chỗ" vậy.
Đó là những hành động cực kì đáng yêu của con qua từng ngày con lớn. Chắc hẳn có nhiều mẹ đã trải qua, và có mẹ mới bắt đầu trải nghiệm. Nhưng dù thế nào đi nữa, hãy biết trân trọng những khoảnh khắc tuyệt vời đó, vì chỉ có mẹ là người duy nhất được tận hưởng chứ không phải là bố hay ông bà, hoặc một ai khác.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet