Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về những tác động khủng khiếp của chiến tranh và đói nghèo đối với trẻ em, anh Gunduz Aghayev, 34 tuổi, một nghệ sĩ người Azerbaijan đã quyết định chuyển thể những bức ảnh trẻ em trong chiến tranh mang tính biểu tượng của toàn thế giới thành một bức tranh đầy bình an và tình yêu.
Trong loạt ảnh của mình Gunduz đã lựa chọn những bức ảnh trẻ em đi vào lịch sử như tấm “Emm bé Napal” chụp trong chiến tranh Việt Nam, bức ảnh cô dâu nhí ở Afghanistan hay mới đây nhất là bức ảnh em bé Syria nằm trên bờ biển.
Những ý tưởng của Gunduz đã gây ấn tượng mạnh với người xem.
"Kền kền chờ đợi" là tấm ảnh mang tính biểu tượng của báo chí thế giới, được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Kevin Carter. Tại một cánh đồng khô cằn chết chóc, sau khi đã mệt với cảnh tượng hàng loạt người chờ chết đói, Carter bỏ ra một chỗ trống và nghe được những tiếng rên khe khẽ, rồi anh bắt gặp một cảnh tượng kinh hoàng: một bé gái gần như sắp chết đang cố lê mình tới một trung tâm cứu trợ. Khi anh chuẩn bị chụp ảnh em bé, một con kền kền hạ cánh xuống gần đó và nó có mặt trong khuôn hình. Carter sau đó đã tự tử vì những ám ảnh đến từ trải nghiệm này
Trong phiên bản của Gunduz, bé gái Sudan đang vui vẻ ôm chú kền kền đến nhiếp ảnh gia Carter thực hiện bức ảnh
Sự kiên cường của người anh trai khi cõng đứa em đã chết tới buổi hỏa táng tại Nhật sau khi một quả bom nguyên tử được thả xuống Nagasaki năm 1945 trở thành cảnh vui đùa trên bãi biển ngập nắng trong trí tưởng tượng của người nghệ sĩ.
Bức ảnh Em bé Napalm nổi tiếng của Nick Ut. Trung tâm bức ảnh là Kim Phúc, 9 tuổi, đang khóc trong đau đớn. Quần áo của cô bé bị thiêu cháy trong khi từng mảng da rộp lên vì bỏng. Tác giả Nick Ut đã giành giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer cho bức hình làm thay đổi cái nhìn của thế giới về chiến tranh Việt Nam, thổi bùng phong trào phản chiến ở Mỹ. Trong phiên bản của Gunduz, những đứa trẻ đang chạy chơi trong hoà bình, trên cánh đồng vàng ươm lúa chín.
Nilufer Demir, phóng viên hãng tin Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ, đang đi dạo trên bãi biển ở thị trấn Bodrum, sáng 2/9 thì phát hiện một bé trai mặc áo phông đỏ, quần xanh, nằm úp mặt xuống cát. Từng lớp sóng vỗ vào gương mặt vô hồn của cậu bé. Điều duy nhất cô có thể làm là chụp bức ảnh để thức tỉnh cả thế giới.
Trong phiên bản của Gunduz, cậu bé Aylan Kurdi người Syria đang vui vẻ chơi trò nghịch cát trên bãi biển
Sự tiếp diễn của nạn tảo hôn tại Afghanistan đã cướp đi tương lai rộng mở của những "cô dâu" nhỏ tuổi này. Người ta chỉ thấy được ánh mắt hoang mang sợ hãi thay vì nụ cười nở mãi trên môi.
Thay vì phải xót xa nhìn ngôi nhà đổ nát sau trận đánh bom của Đức vào London năm 1940, các em nhỏ sẽ được ngắm tòa lâu đài rực rỡ Disneyland.
Cậu con trai của nhà báo Azerbaijan Elmar Huseynov sẽ được bố ôm chặt vào lòng, chứ không còn phải hôn ảnh bố qua những bức ảnh còn lại. Nhà báo Elmar Huseynov bị sát hại năm 2005 bởi những kẻ lạ mặt.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet