Chuyên viên tâm lý Vũ Cẩm Vân cho rằng, khao khát được yêu thương, nhu cầu được vỗ về đã trở thành bản năng không thể thiếu của con người từ lúc hoài thai trong bụng mẹ. Khoảnh khắc mà thai phụ trìu mến, nhẹ nhàng sờ lên thành bụng, trong lòng dâng lên cảm giác hân hoan, vui sướng rất thiêng liêng, đó chính là lúc người mẹ đã chạm tay đến sự kỳ diệu của thai giáo.
Tình yêu thương của bố mẹ giúp con cái hình thành cảm xúc tích cực, nhờ đó nhân cách và tâm lý của trẻ phát triển một cách toàn diện nhất. Về vấn đề này, nhà tâm lý học N. Bianda từng khẳng định: Sự âu yếm vuốt ve và tình thương là những yếu tố quan trọng giúp con trẻ lớn lên với một nhân cách lành mạnh, tự tin và biết quý trọng bản thân.
Tình yêu thương và cử chỉ âu yếm của mẹ ảnh hưởng tích cực đến sự hình thành nhân cách của trẻ sau này. Ảnh: Thi Ngoan. |
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về tình cảm yêu thương, gắn bó giữa cha mẹ và con cái bằng việc tiến hành theo dõi mối quan hệ này. Các nhà khoa học nhận thấy, tình thương yêu của cha mẹ dành cho con cái những năm đầu đời ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của trẻ sau này. Ngay cả trong giai đoạn phôi thai, thai nhi đã có những phản ứng nhất định trước tâm trạng, xúc cảm của người mẹ. Lời ăn tiếng nói, hơi thở của mẹ, trạng thái tinh thần và cả tâm hồn của thai phụ sẽ đi sâu vào tiềm thức và dần hình thành nên tâm hồn, tính cách của đứa con.
Nhà phân tâm học người Pháp Serge Lebovici, chủ tịch Hiệp hội Phân tâm học quốc tế là người rất tâm huyết với mảng phân tâm học trẻ em. Ông đã có những nghiên cứu về vai trò tình cảm và cảm xúc người mẹ đối với đứa con. Serge cho rằng hành vi của đứa con gắn liền với sự chăm sóc của người mẹ. Từ lúc mới sinh trẻ đã bị thu hút bởi mùi da thịt và hơi ấm của mẹ. Cách bé tìm bầu vú và dòng sữa mẹ, say sưa nhìn vào khuôn mặt mẹ, dụi đầu vào lòng hay rúc vào cánh tay mẹ rồi an tâm chìm vào giấc ngủ chứng tỏ trẻ cảm nhận được tình yêu của mẹ.
Hơn ai hết, đứa trẻ rất nhạy cảm khi nhận biết nhịp đập trái tim và giọng nói của người mẹ. Bé sẽ nín khóc khi ngửi được mồ hôi, nghe được lời vỗ về của mẹ và nhất là được áp cơ thể mình vào ngực trái của mẹ, nơi có trái tim với nhịp đập êm ái thân quen mà bé đã từng nghe khi ở trong bụng mẹ.
Từ nghiên cứu trên, ông Serge rút ra kết luận, sự hình thành và phát triển của đứa trẻ ghi dấu ấn sâu sắc bởi người mẹ. Bé sẽ cảm thấy bất an khi mẹ buồn mặc dù người mẹ không cố tình thể hiện cảm xúc. Cảm nhận của trẻ không chỉ thông qua nhận thức mà ở sâu thẳm trong vô thức. Trước nỗi buồn và sự lo âu của mẹ, trẻ nhũ nhi biểu lộ thông qua sự khó chịu, biếng ăn, khóc lóc…
Đồng quan điểm trên, trong công trình nghiên cứu về mối quan hệ mẹ con, nhà phân tâm học người Anh Donald Winnicott, cho rằng đứa trẻ từ lúc mới sinh ra đã cần đến sự chăm sóc nhẹ nhàng và tình cảm trìu mến của người mẹ. Dù không hiểu được lời nói của mẹ nhưng trẻ vẫn cảm nhận được tình yêu thương thông qua ánh mắt, lời nói, cử chỉ quan tâm sâu sắc của người mẹ.
Donald cũng có những nghiên cứu đối với những đứa con của các bà mẹ bận rộn. Khi người mẹ bị áp lực bởi công việc quá nhiều, họ chăm sóc con với với thái độ vội vã, thiếu ân cần để tranh thủ lo việc khác, đứa bé sẽ phản ứng bằng cách từ chối ăn, nôn ói, bứt rứt, khóc đêm… Có những trẻ không biểu hiện phản ứng ngay thái độ ấy của người mẹ nhưng cảm xúc khó chịu sẽ dồn nén và trẻ sẽ bộc lộ vào một thời điểm khác bằng những hành vi phản kháng, bướng bỉnh.
Nhà phân tâm học khẳng định người mẹ đóng vai trò gương soi đối với đứa con. Trẻ luôn tìm cách đáp trả lại những tín hiệu giao tiếp của mẹ. Bé nhìn vào ánh mắt mẹ trìu mến dành cho mình và phản ứng lại bằng sự thoải mái, dễ chịu. Trẻ cười khi nhìn thấy nét mặt tươi cười của mẹ và cảm nhận nỗi buồn khi mẹ buồn bã … Những lúc ấy, bé có thể phản ứng đáp trả khác như ngọ nguậy tay chân, vùng vẫy, khóc…
Qua nghiên cứu này, Donald kết luận, người mẹ có thể truyền tải trạng thái tinh thần, tình cảm đến với con không chỉ bằng thị giác mà bằng tất cả các giác quan và chính tâm lý, trạng thái tinh thần của mình. Xúc cảm của người mẹ có vai trò rất quan trọng đối với đứa trẻ, nhất là những năm tháng đầu đời. Biểu hiện cảm xúc của người mẹ tạo nên sự gắn bó mẹ con, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển nhân cách, tâm lý của trẻ sau này. Người mẹ là sợi dây liên kết đầu tiên của đứa trẻ khi mới bắt đầu tượng hình, tạo nên cảm xúc cho con ngay từ khi còn trong thai. Việc người mẹ liên tục lặp lại một cách đa dạng các cảm xúc yêu thương đã dần dần khiến tình cảm mẹ con càng trở nên khắng khít.
Xét phương diện khác, nhà tâm lý học người Anh John Bowlby cũng chỉ ra, những đứa trẻ sống trong môi trường thiếu tình cảm yêu thương, bị tách rời khỏi mẹ sẽ sống trong cảm giác lo âu, dễ rơi vào trầm cảm và dễ mắc một số chứng bệnh tâm lý.
Để làm rõ vấn đề này, một số nhà khoa học Pháp cũng tiến hành thử nghiệm trên những bầy khỉ mới sinh. Họ đặt những con gấu bông mềm mại, êm ái vào chuồng của những chú khỉ con, quan sát cho thấy, những con khỉ ấy rất thích thú và luôn tìm cách tựa vào những con thú bông kia. Một thời gian sau, những con khỉ này tỏ ra lanh lợi và phát triển nhanh hơn rất nhiều so với những chú khỉ con mà trong chuồng không có gấu bông.
"Tình yêu thương quả là món quà tuyệt diệu mà tạo hóa ban tặng cho con người. Hiểu được giá trị của yêu thương đối với mầm sống bé bỏng đang lớn dần từng ngày trong cơ thể mẹ nên thời nay không ít các ông bố bà mẹ rất chú trọng việc thai giáo cho con", chuyên viên tâm lý Vũ Cẩm Vân đúc kết.
Vì thế bà Vân khuyên người thân và thai phụ nên dành nhiều thời gian để vỗ về, nâng niu chăm sóc bào thai. Trong quá trình mang thai, người mẹ nên đi đứng dịu dàng, cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, giữ tâm trạng luôn quân bình. Đó là một trong những bước thai giáo đầu tiên thể hiện tình yêu và ước vọng của bố mẹ dành cho đứa con của mình.
Thi Ngoan
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet