Chị Thoa, mẹ bé Lan kể lại: "Thấy hai đứa ôm ấp nhau, tôi hoảng hốt không biết làm gì, sau đấy lôi con gái về tẩn cho một trận thật đau rồi gọi điện báo mẹ Tùng biết sự thể. Giờ tôi rất bối rối không biết phải dạy con như thế nào nữa".
Tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý để nhờ gỡ rối, chị Hoa (Bình Thạnh, TP HCM) cho biết mấy hôm trước chị phát hiện hai đứa con của mình làm chuyện vợ chồng với nhau trong phòng riêng. "Thằng anh năm nay 7 tuổi, con em 4 tuổi. Hai đứa bảo bắt chước phim nên làm thế. Tôi lo quá, từ hôm đó đến giờ cấm tiệt không cho hai đứa xem tivi nữa", bà mẹ trẻ tâm sự.
Trò chuyện với phụ huynh về vấn đề này, chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy nhìn nhận, hầu hết cha mẹ khi chứng kiến cảnh con cái tò mò về giới tính như trên đều hốt hoảng, lúng túng và lo lắng. Một số phụ huynh phản ứng hơi quá, chửi bới đánh đập làm cho trẻ sợ hãi, khiến các em bị ám ảnh bởi mình làm chuyện xấu xa, hoặc nghĩ rằng làm như người lớn là xấu xa.
Ảnh minh họa: Sling.
Theo bà Thúy, nguyên tắc xử sự trong trường hợp phát hiện con trẻ tò mò chuyện người lớn như trên là cần bình tĩnh và cư xử như khi thấy con đang nghịch ngợm gì đó hơi quá. "Hãy phân tích cho các cháu hiểu đó là hành động của người lớn, giữa vợ chồng với nhau. Không cần dài dòng, chỉ nói đơn giản để các em hiểu rằng trẻ con không nên làm thế là đủ", bà Thúy nói.
Sau đó, cha mẹ cần theo dõi sát các hành động tiếp theo của trẻ để điều chỉnh dần, đồng thời hạn chế tối đa cơ hội cho bé trai và gái chơi riêng với nhau dù là anh chị em ruột. Gia đình cũng cần phòng xa bằng cách tạo môi trường an toàn cho trẻ, kiểm soát các chương trình tivi mà trẻ xem, không nên tác động trực tiếp hay chì chiết các em bằng cách đánh dập, nói chuyện dài dòng, phức tạp, quát mắng, cách ly trẻ.
Nhìn chung ngày nay trẻ em biết về các vấn đề giới tính sớm hơn thế hệ cha mẹ, ông bà. Đây là xu thế tất yếu. Các em dễ dàng tiếp cận thông tin về giới tính có ở mọi nơi, mọi lúc, trên tất cả các phương tiện truyền thông một cách vô tình hay hữu ý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ ngày càng dậy thì sớm hơn.
Vì vậy ông bà, cha mẹ cần để mắt tới con em mình hơn, cung cấp cho các cháu thông tin đúng đắn và phù hợp để tránh những hệ lụy đáng tiếc. Phụ huynh nên chấp nhận và thích nghi với sự phát triển sớm của con. Hãy dạy trẻ về giới tính từ khi còn bé (từ 2 đến 3 tuổi) để định hướng sự hiểu biết. Khi trẻ từ 3 đến 5 tuổi, hãy nói về cấu tạo cơ thể và so sánh với trẻ khác giới. Với trẻ 6 tuổi trở lên, nói về tình cảm khác giới, cần giữ khoảng cách với người khác giới, nói về tình yêu và mối quan hệ giữa cha và mẹ; thể hiện cho trẻ biết sự yêu thương, quan tâm của cha mẹ; nói về kết quả của tình yêu là đám cưới, là gia đình rồi sinh ra các con.
"Hãy bình thường hóa mọi việc liên quan đến vấn đề này như nói về cây cỏ, hoa lá vậy. Cha mẹ đôi khi quan trọng hóa vấn đề nên không biết bắt đầu mở lời như thế nào, lúng túng, nhìn thấy những biểu hiện giới tính của con lại phản ứng thái quá, gây hậu quả xấu. Chủ yếu cha mẹ lúng túng không biết nói thế nào vì nghĩ đây là chuyện tế nhị, nhạy cảm". Theo bà Thúy, cha mẹ phải thấy chuyện giới tính tự nhiên như chuyện ăn uống vậy. Nếu thay đổi suy nghĩ đó thì sẽ không thấy khó nói nữa.
Đặc biệt, nên dành thời gian quan tâm, trò chuyện với con như những người bạn mới, giúp trẻ cởi mở và giúp cha mẹ biết cách dạy đúng lúc, hiệu quả. Khi các em thiếu tình yêu của cha mẹ dễ tìm đến tình cảm với người khác giới.
Khi con hỏi về vấn đề giới tính, cha mẹ cần tránh thái độ “đáng trống lảng” hay quát mắng. Quản lý chặt quá không phải là cách giúp trẻ có cách hiểu đúng đắn về giới tính và tình dục. Càng cấm, trẻ càng tò mò, càng khó chịu và bất hợp tác với cha mẹ. Gia đình không đạt được sự cảm thông, yêu thương với nhau, thì cha mẹ sẽ không thể dạy con bất cứ điều gì và chỉ đẩy chúng ra xa hơn thôi.
Thụy Ân
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet